'Bác sĩ Trần Khoa' rút ống thở hay rút niềm tin?
Tối 7/8, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung chia sẻ của một nick name Trần Khoa, tự nhận là bác sĩ sản phụ khoa. Bác sĩ tự xưng này chia sẻ quyết định khó khăn, day dứt 'nhường đi chiếc máy thở' của ba mẹ mình nhằm để cứu sống một sản phụ nằm cạnh.
KOL và “bác sĩ ma”
"Bác sĩ Trần Khoa" đã lấy hàng triệu giót nước mắt của cộng đồng khi đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này". Status này còn kèm hình ảnh 2 bé song sinh mà bác sĩ này vừa phẫu thuật. Sau khi đăng tải, bài viết đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt và bàn tán xôn xao người cảm kích, kẻ hồ nghi.
Sự việc được đẩy lên cao khi có các KOL (viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Key opinion leader", tức "người dẫn dắt dư luận chủ chốt") tham gia “tiếp sức lan tỏa”. Hai cây viết “nhanh nhẩu đoảng” chính là Phó Tổng thư ký Báo Pháp luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển và nhà báo tự do Hoàng Nguyên Vũ, từng làm phóng viên cho báo Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Nhà báo Nguyễn Đức Hiển sinh năm 1973, cử nhân luật, cao cấp lý luận chính trị được đánh giá là cây viết đã và đang có nhiều bài phản biện có hàng ngàn người đọc.
Trong khi đó, Nguyễn Văn Tài đang làm truyền thông cho một vài tập đoàn kinh tế lâu này dùng 2 tài khoản MXH mang tên “Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ” và “Hoàng Nguyên Vũ” có dấu tích xanh để phân tích, đăng tải các thông tin, sự kiện chính trị – xã hội theo góc nhìn chủ quan của mình. Mới đây nhất, Hoàng Nguyên Vũ tung ra thông tin giả “Bộ Y tế đề nghị không mua thêm vaccine mà thực hiện xã hội hóa”, vấn đề này đã có nhiều bài phân tích, phản bác dẫn dắt dư luận.
Thực tình, thì cả về luật pháp lẫn tình cảm việc rút ống thở của “bác sĩ Khoa”, trái với quy định ngành Y, đều không đáng được ca ngợi. Đến nay Việt Nam chưa có luật cho bác sĩ hoặc người thân tự rút ống thở của bệnh nhân: "Nếu rút ống thở phải thông qua hội đồng chuyên môn quyết định nhưng điều này chưa có quy định ở Việt Nam", một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết..
Nhưng khi nhà báo Đức Hiển viết:"Tôi không biết dùng từ gì để nói về câu chuyện này. Khi hôm nay, anh là bác sĩ điều trị cho cha mẹ mình và một sản phụ.Phút giây anh rút ống thở khỏi gương mặt mẹ để đưa ngay cho một sản phụ đang mang thai chờ được cứu sống.Khoa - một bác sĩ đang chăm sóc cho cả ba bệnh nhân là cha, mẹ mình và cả người phụ nữ mang thai chuẩn bị sinh đôi. Ba mẹ anh cũng là bác sĩ, rong ruổi trong tâm dịch cứu dân, rồi nhiễm bệnh và trở nặng. Rồi vào đúng nơi anh là bác sĩ điều trị” đã khiến nhiều người tin trong niềm xúc động.
Nick name Hoàng Nguyên Vũ thì ca ngợi: "Bác sĩ Khoa, chúng tôi nợ anh và bố mẹ anh sự sống!". Câu chuyện càng trở nên đáng tin hơn khi Jang Kều - một người đang triển khai hàng loạt dự án cộng đồng cho biết cô đã "gọi điện cho bác sĩ Khoa" và đang chuẩn bị trao cho bệnh viện máy thở.
Bóc mẽ sự việc
Nhưng chỉ vài giờ sau, khi vài bác sĩ công tác tại các tuyến đầu chống dịch Covid-19 chỉ ra những điểm vô lý của câu chuyện đong đầy nước mắt xung quanh “bác sĩ ma”. Cộng đồng mạng đã tìm ra hình ảnh thực của “bác sĩ Khoa" chính là Phó Giáo sư Toh Wei Seong, hiện đang sinh sống và làm việc tại... Singapore. Hình ảnh về Phó Giáo sư được Facebook của Đại học Quốc gia Singapore đăng tải trong một bài viết giới thiệu từ ngày 5/3/2017. Hình ảnh hai bé sơ sinh trong bài đăng liên quan đến câu chuyện trên là của mình, được các đồng nghiệp chụp sau ca mổ do bác sĩ Cao Hữu Thịnh thực hiện tại Bệnh viện An Sinh trong thời gian gần đây.
Ngay lập tức nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Hoàng Nguyên Vũ đã đăng “đính chính” và gửi lời xin lỗi, các nick name tham gia vào câu chuyện “bác sĩ ma” nhanh chóng biến mất. Nhưng sự việc không chỉ dừng ở đấy, bởi câu chuyện “bác sĩ ma” không chỉ làm mất niềm tin của cộng đồng khi đất nước đang trong những ngày căng thẳng chống dịch, cần huy động sức người, sức của cho tuyến đầu.
Ngay lập tức các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc, gọi các cá nhân liên quan lên làm rõ sự việc. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai chủ tài khoản Facebook này về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội theo điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Sự việc chưa phải dừng lại ở đấy, những trò câu views đơn thuần của các KOL trên MXH. Sự việc cho thấy có sợi dây kết nối giữa vụ việc “bác sĩ ma” với các nhóm lâu nay thêu dệt những câu chuyện cảm động, những hoàn cảnh bi thương để trục lợi những khoản tiền quyên góp vào “Quỹ từ thiện 82” của chủ tài khoản N.T.M.T. có quê ở Bến Tre. "Nhóm 82" này gồm có: Phong Lam, Long Thiên (thường gọi là bé Gấu, 4 tuổi), Võ Thùy Linh (mẹ của Phong Lam), Tân Lê (ở Singapore, anh nuôi Phong Lam), Thanh Hùng Lê (đóng vai giáo sư), Phong Lê, Peter Lý (chồng Phong Lam) cùng hàng loạt nhân vật phụ trợ khác.
Cách “làm ăn” của "nhóm 82" thường đăng những câu chuyện cảm động trên MXH và cuối cùng kêu gọi ủng hộ từ thiện, tiền được chuyển về chủ tài khoản N.T.M.T. Hành động J.K quyết định rút tiền từ Quỹ quyên góp từ thiện để mua máy thở tặng bệnh viện nơi "bác sĩ Khoa" công tác được dư luận đánh giá là “chim mồi”. Một kế hoạch hoàn hảo, được sắp đặt khá tinh vi.
Bản án nào dành cho KOL, nhà báo
Được biết CA TP.HCM đã vào cuộc, làm việc với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM để xác minh, làm rõ động cơ của các bên liên quan vụ “bác sĩ ma”, tất nhiên là có 2 nhà báo. Trước khi có kết luận chính thức của CA TP.HCM thì việc các nhà báo, các KOL hư cấu câu chuyện để lấy nước mắt mọi người của "bác sĩ Khoa" đã làm giảm đi ý nghĩa của những điều tốt đẹp trên thực tế đang được biết bao bác sĩ và các lực lượng phòng chống dịch.
Luật sư Lê Quốc Đạt (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)cho biết: “Mặc dù bị xử phạt theo điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nhưng các nhà báo còn bị bản án lương tâm, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp”.
Trong những ngày chống dịch căng thẳng, nếu chưa làm được gì cho cộng đồng thì các nhà báo cũng nên thận trọng, tránh "tiếp sức" cho những thông tin độc, cướp đi những nghĩa cử đồng bào cao đẹp, để kẻ xấu trục lợi kiếm tiền. Dư luận cũng mong muốn cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ động cơ của các KOL và nghiêm khắc xử lý theo quy định của pháp luật để làm gương cho những kẻ khác.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bac-si-tran-khoa-rut-ong-tho-hay-rut-niem-tin-430752.html