Bác sĩ trẻ nơi tuyến đầu và hành trình chinh phục gần 1.000 ca phẫu thuật
Quyết tiếp chuyện tôi vào một tối muộn, sau ca phẫu thuật ruột thừa cho một bệnh nhân người Mông. Quyết bảo, đây chắc là ca thứ gần một nghìn kể từ khi em về bệnh viện tuyến huyện vùng cao công tác. Ba năm qua, từ hành trình khó khăn ban đầu làm người dân tin vào những tiến bộ của y tế hiện đại, Quyết đã góp phần cùng ngành y tế tuyến huyện Bắc Hà điều trị, phẫu thuật nhiều ca 'cân não', mang lại cơ hội điều trị kịp thời ngay từ tuyến đầu.
1. Nguyễn Chiến Quyết là một trong bảy bác sĩ đầu tiên tham gia đề án dự án “Thí điểm đưa Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn” của Bộ Y tế(Dự án 585) về công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà – một trong 62 huyện nghèo của cả nước vào tháng 7-2017. Lúc đó, Quyết có nói với tôi, đây là cơ hội em được trở về với nơi em được sinh ra, để được cống hiến một phần sức mình cho người dân quê hương.
Và Quyết đã làm được thật, những điều mà nhiều bác sĩ khác phải nể phục. Ba năm qua, Quyết thực hiện gần 1.000 ca mổ về chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, ngoại nhi, trong đó có các ca mổ cấp cứu nặng như chấn thương bụng, vỡ tạng, đa chấn thương, tiền sản giật, rau bong non... Nhiều ca phẫu thuật, thực hiện bằng kinh nghiệm khám lâm sàng bản thân Quyết tích lũy được nhiều năm. “Ngày nhiều nhất em mổ tới chín ca”, Quyết kể.
Những ngày đầu tại Bắc Hà với một bác sĩ được đào tạo chuyên khoa tại một bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai có nhiều thứ vô cùng bỡ ngỡ. Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà thực nhiệm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bà con nhân dân huyện Bắc Hà và một số xã của các huyện lân cận như Si Ma Cai (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang) với trên 250 giường bệnh và số lượng bệnh nhân tương đối đông. Tuy nhiên, số lượng các bác sĩ của bệnh viện còn thiếu đồng thời các trang thiết bị y tế cũng chưa được đầy đủ đồng thời bệnh nhân đa phần là người dân tộc thiểu số nghèo, kiến thức chăm sóc sức khỏe còn thiếu vì thế công tác khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn.
Ca phẫu thuật đầu tiên khi chuẩn bị làm quen với địa bàn mới, Quyết được PGS, TS Phạm Hoàng Hà, Bệnh viện Việt Đức cho chủ động thực hiện ca phẫu thuật thoát vị bẹn cho một bệnh nhi. Từ đó, Quyết bước vào một hành trình mới, mang theo những kỹ thuật được đào tạo bài bản trong suốt những năm đào tạo chuyên khoa 1 về chuyên ngành Ngoại khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Từ đây, muôn vàn khó khăn bắt đầu hiển hiện. Nhiều quyết định phẫu thuật hay không của các bác sĩ tại đây cơ bản đều dựa vào lâm sàng để chẩn đoán chứ không dựa vào chẩn đoán hình ảnh vì tại bệnh viện tuyến huyện chỉ có siêu âm, chụp X-quang và các xét nghiệm máu, không có chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ… Việc mổ ruột thừa, chẩn đoán viêm ruột thừa chủ yếu dựa vào khám lâm sàng. Tình trạng bị viêm phúc mạc, chửa ngoài tử cung cũng có khám kết hợp với thử quick. Máy siêu âm cũ, trình độ bác sĩ đọc hình ảnh còn hạn chế khiến cho nhiều ca bệnh, Quyết và các đồng nghiệp phải quyết định hoàn toàn bằng khám lâm sàng.
“Có ca bệnh chắc chắn chẩn đoán ruột thừa nhưng bác sĩ siêu âm không đọc được, không xác định được vị trí chính xác. Khi chúng tôi nội soi ổ bụng thì không thấy ruột thừa nên buộc phải mổ mở. Mổ mở ra, cũng phải tìm tới cả tiếng đồng hồ mới thấy ruột thừa. Ca phẫu thuật đó kéo dài 3 giờ đồng hồ - là một trong những phẫu thuật dài tại một bệnh viện tuyến huyện”, Quyết chia sẻ.
Tuy nhiên, một ca bệnh được coi là kỳ tích của ê kíp bác sĩ tại một bệnh viện tuyến huyện này là cấp cứu cho một ca bệnh nhân bị tai nạn giao thông khiến chấn thương sọ não. Tai nạn nặng nề khiến bệnh nhân vỡ một mảnh sọ và có một viên sỏi nằm trong não, máu chảy ồ ạt. Vết thương sọ não hở, bệnh viện không có chụp cắt lớp vi tính, không chẩn đoán được tình trạng nguy kịch của tổn thương não cũng không thể chuyển bệnh nhân đi trong tình trạng nguy kịch. “Chúng tôi đắn đo giữa việc xử lý cho bệnh nhân hay chuyển tuyến. Chúng tôi đã hội chẩn và xin ý kiến của cấp trên và quyết định vì tình trạng bệnh nhân rất nặng nên xử lý tại chỗ”, Quyết kể lại.
Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu, lấy được dị vật, bệnh nhân được hồi sức kịp thời, tỉnh táo. Sau khi đánh giá tình trạng bệnh nhân khá hơn, Bệnh viện Bắc Hà tiếp tục điều trị nên không chuyển lên tuyến trên nữa. Sau đó, bệnh nhân đã bình phục và xuất viện hoàn toàn khỏe mạnh.
2. Không chỉ thiếu những trang thiết bị cận lâm sàng hiện đại, Quyết còn khó khăn trong giao tiếp với bệnh nhân. Thách thức với một bác sĩ trẻ như Quyết là thuyết phục được bệnh nhân mà phần lớn là người dân tộc thiểu số tin vào y học hiện đại.
Quyết kể lại, ngày em mới về Bắc Hà vài tháng, khoảng 4 giờ sáng một đêm đông lạnh, một sản phụ chưa đến tuổi vị thành niên nhập viện trong tình trạng nguy kịch. “Sản phụ đã được đỡ đẻ ở nhà, nhưng sản phụ còn quá nhỏ tuổi, mới có 15 nên đẻ khó”, Quyết nói. Nhập viện, sản phụ có triệu chứng suy thai buộc phải mổ cấp cứu nhưng giải thích kiểu nào, người nhà cũng không tin và không nghe. “Họ bắt phải cho sinh thường vì cứ đến viện là đẻ được. Họ đều nghĩ mổ là điều gì đó rất ghê gớm. Lúc này, sản phụ đã có biểu hiện của tiền sản giật, bắt buộc phải mổ”. Quyết vò đầu bứt tai nhờ các nhân viên người mông tư vấn cho gia đình. Vừa thuyết phục, ê kíp trực đêm đó vừa hối hả chuẩn bị để cấp cứu kịp thời cho sản phụ. Và thật may, sản phụ sinh con an toàn.
Một trong những ca phẫu thuật mà Quyết cũng không bao giờ quên – một ca bệnh nhân nữ tập xe máy bị ngã dẫn tới vỡ lách, vỡ gan, sốc mất máu. Ê kíp bác sĩ chạy đua với thời gian để hồi sức, vừa mổ cấp cứu và cắt lách và phần gan bị vỡ, khâu vết thương gan cho bệnh nhân. Nhưng lúc này, khó khăn ập đến khi không có máu truyền cho người bệnh. Huy động người nhà, có nhiều người có nhóm máu phù hợp nhưng đến đoạn cho máu, không một ai đồng ý. “Họ bảo, chỉ sợ chẳng may bệnh nhân chết thì sẽ mang dòng máu của họ đi”. Các y, bác sĩ bất lực, đành quay ra huy động toàn bộ nhân viên bệnh viện đi hiến máu.
Sau ca phẫu thuật đầy thách thức, bệnh nhân bình phục sức khỏe. “Sau đó, người nhà cũng hối hận vì quan niệm không cho máu là sai”, Quyết nói.
Ở vùng đất xa xôi này, Quyết càng thấm sự thiếu hiểu biết của người dân, nhất là người dân tộc. Có nhiều trường hợp bệnh nhân đau bụng, nhưng không đến viện mà chọn cách ở nhà chữa bệnh bằng thầy cúng, thuốc nam… 3-4 ngày sau đến viện, tình trạng ruột thừa đã biến chứng thành áp xe ruột thừa, viêm phúc mạc. Việc phẫu thuật vì thế nguy hiểm tính mạng và bệnh nhân hồi phục nặng nề, điều trị lâu và có nhiều biến chứng. Tình trạng hôn nhân vị thành niên, thiếu kiến thức về thai sản cũng khiến nhiều sản phụ rơi vào tình trạng nguy kịch. Vì thế, sau mỗi ca bệnh, các bác sĩ lại giải thích cho người bệnh, người nhà và mọi người chung quanh biết để nếu có bệnh thì phải đến bệnh viện để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của mình.
3. Chia sẻ về những điều tự hào mình đã làm được trên quê hương mình, Quyết bảo, em và các đồng nghiệp đã cùng các đồng nghiệp tại bệnh viện thực hiện các kỹthuật mới vượt tuyến như: cắt ruột thừa nội soi, khâu lỗ thủng dạ dày nội soi, cắt u nang buồng trứng nội soi.... Quyết cũng tham gia trực cấp cứu, hỗ trợ các chuyên khoa khác như hồi sức cấp cứu, sản khoa, nhi khoa, cùng các bác sĩ sản mổ cấp cứu các trường hợp tiền sản giật nặng, rau bong non... Đặc biệt, tham gia điều trị cứu sống các bé sơ sinh non tháng nhẹ cân chỉ 900 gram; cứu nhiều ca sản phụ bị tiền sản giật... “Khi tham gia cấp cứu bệnh nhân nữ 24 tuổi tai nạn sốc mất máu – dập nát cằng chân trái, tôi cùng bác sĩ Nguyễn Như Tuấn Phó Giám đốc Bệnh viện đã phẫu thuật bảo tồn được chân trái cho bệnh nhân. Sau một tháng điều trị bệnh nhân ra viện có thể đi lại được”, Quyết nối.
Ba năm qua, bằng những kiến thức được học tập và kinh nghiệm thực tế, Quyết đã chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp, trong đó hướng dẫn cho một bác sĩ định hướng ngoại khoa các kỹ thuật về mổ cắt ruột thừa (mổ mở, nội soi), mổ thoát vị bẹn, nang thừng tinh, mổ đẻ, các tiểu phẫu xử lý vết thương phần mềm,… và chuyển giao các tài liệu về các kĩ thuật mổ, điều trị các bệnh ngoại khoa cơ bản; Hướng dẫn các điều dưỡng, y sỹ trong khoa cách chăm sóc và theo dõi bệnh nhân hậu phẫu, bảo đảm vô khuẩn trong ngoại khoa.
Bằng những gì đã cống hiến cho mảnh đất vùng cao này, Quyết đã được vinh danh là một trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm lần thứ VIII năm 2018.
Dự kiến tháng 7-2020, Quyết sẽ được trở về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai. Quyết chia sẻ, mặc dù những năm tháng tại Bệnh viện Bắc Hà bị tụt hậu về phương pháp điều trị mới hiện đại, nhưng bản lĩnh xử lý các bệnh cơ bản tự tin hơn trước. Hành trang này sẽ giúp Quyết thêm tự tin vào tay nghề của mình, để tiếp tục với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Trước khi lên Bệnh viện đa khoa Bắc Hà, Nguyễn Chiến Quyết được tuyển dụng thành viên chức Bệnh viện Bạch Mai, được cử đi học lớp Bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Ngoại khoa của dự án 585 tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Trong thời gian học bác sĩ chuyên khoa cấp I, Quyết đã cố gắng nỗ lực hết mình, đồng thời được sự hướng dẫn rất nhiệt tình, tâm huyết của các thầy cô Trường Đại học Y Hà Nội, Quyết tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I tháng 6-2017 đạt loại giỏi và được giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho học viên có thành tích cao trong học tập.