Bác sĩ trẻ tận hiến vì cộng đồng
Với dáng vẻ chỉnh tề trong bộ áo blouse trắng vào mỗi sáng, bác sĩ Lê Trọng Duy (1995) hiện đang làm việc trong Phòng khám Y học Cổ truyền tại Trạm Y tế phường 17, Q. Bình Thạnh, TP. HCM luôn dành thời gian lắng nghe và tư vấn kỹ lưỡng cho từng bệnh nhân, mang lại cảm giác an tâm và tin tưởng cho mọi người. Chính sự tận tụy và đam mê này đã giúp anh được nhiều bệnh nhân yêu mến.
Con đường khó nhưng đầy ý nghĩa
Khi còn là sinh viên, anh phải đối mặt với sự lựa chọn nghề nghiệp khó khăn. Trong thời điểm mà các ngành nghề như tài chính, kế toán và công nghệ thông tin thu hút được nhiều sự chú ý thì Trọng Duy đã quyết định chọn con đường ít được chú ý hơn nhưng vẫn đầy tiềm năng này.
Được đào tạo tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, anh phải đối mặt với khối lượng kiến thức khổng lồ và thời gian học tập căng thẳng. Việc học cả y học hiện đại và y học cổ truyền yêu cầu anh không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn phải thực hành liên tục, đòi hỏi sự chăm chỉ và tinh thần kiên cường.
Trong thời gian còn là sinh viên, anh cũng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện trong Hè của Đoàn Thanh niên địa phương. “Do đặc thù ngành nên mình thường xuyên hiến máu và kêu gọi bạn bè đồng nghiệp hiến máu cùng, đến nay mình cũng tham gia hiến được 19, 20 lần”, Bác sĩ Trọng Duy chia sẻ. Ngoài ra, anh cũng là thành viên của CLB dạy bơi miễn phí BCC tại Hà Nội. Đây là một câu lạc bộ dạy bơi phòng đuối nước cho người dân phi lợi nhuận.
Anh chia sẻ: “Thời gian đầu, khi mình đi thực tập, bệnh nhân người ta biết đây là thực tập sinh, chuyên môn kinh nghiệm không có nhiều nên người ta từ chối, trong khi nhiệm vụ trên khoa giao xuống, mình vẫn phải làm. Người ta canh giờ nào bác sĩ đến, người ta mới có mặt. Dần dần, mình vẫn thể hiện mình là người có ích, quan tâm đến sức khỏe bệnh nhân thì người ta mới dần mở lòng và đón nhận”.
Ra trường, Trọng Duy lên đường nhận công việc tại vùng đất mới TP. HCM. Quyết định của anh không chỉ là một sự lựa chọn mà còn là một sự cam kết với giá trị và lý tưởng cá nhân. Với tâm niệm, nghề thuốc không chỉ đơn thuần là một nghề mà còn là sứ mệnh nên anh quyết tâm theo đuổi con đường này.
Suốt những năm tháng còn trên giảng đường, Trọng Duy đã luôn nhớ đến các lời dạy từ các thầy thuốc danh tiếng trong lịch sử như Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh, cũng như các quy định của Bộ Y tế về đạo đức nghề nghiệp. “Với nghề thầy thuốc, mình phải biết buồn vui với những bệnh nhân đã tin tưởng dành niềm tin tìm đến mình để chữa bệnh và mình coi cái đấy là sứ mệnh, trách nhiệm của mình. Mình phải cứu giúp họ hết lòng mà không cầu lợi, kể công”, Bác sĩ Trọng Duy nói.
Tâm huyết trong từng phương pháp chữa bệnh
Con đường của Trọng Duy không chỉ là sự nỗ lực cá nhân mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Anh tiếp cận bệnh nhân bằng Tây y trước, sau đó xác định bệnh nhân có những tình trạng sức khỏe ổn định rồi thì mới tiếp tục "đào sâu" hơn qua y học cổ truyền, khai thác hỗ trợ cho bệnh nhân bằng cả hai mặt.
Anh cũng nhận thức rằng, y học cổ truyền đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại vẫn chưa được thực hiện hoàn hảo: “Y học cổ truyền không có nhiều sự tìm tòi như Tây y, vì không có nhiều công cụ hỗ trợ. Muốn phát triển thì mình phải bám sát Tây y, kết hợp nhuần nhuyễn giữa Tây y và Đông y. Thế hệ của bác sĩ y học cổ truyền trẻ là một sứ mệnh rất lớn, làm sao "chỉ mặt đặt tên" được các vị thuốc chưa có trong danh mục thuốc".
Dù là bác sĩ y học cổ truyền, anh vẫn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như tiêm chủng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và các công việc khác. Anh luôn hoàn thành những nhiệm vụ này với sự tận tâm và trách nhiệm cao nhất. Điều này không chỉ chứng tỏ sự cống hiến của anh đối với nghề nghiệp mà còn thể hiện sự linh hoạt và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Vì thế mà từ bệnh nhân đến các bác sĩ, y tá trong trạm y tế đều dành sự tôn trọng và quý mến anh.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/bac-si-tre-tan-hien-vi-cong-dong-post1661603.tpo