Bác sĩ trẻ và hành trình làm chủ kỹ thuật mới
Trên con đường nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ y, bác sĩ trẻ. Họ tiên phong mang các dịch vụ y tế chất lượng, hiện đại về phục vụ trên quê hương.
Ôm đứa con gái bé bỏng 5 tháng tuổi vừa trải qua cuộc phẫu thuật tim ít xâm lấn qua đường nách xử lý bệnh thông liên thất lớn chuẩn bị ra viện, chị N.T.T. (thị trấn Bút Sơn, Hoằng Hóa) cảm giác trút được một gánh nặng lớn trong đời. Chị nói trong xúc động: “Tôi cứ nghĩ con gái sẽ phải trải qua cuộc phẫu thuật với vết mổ dài ở xương ức. Sinh con ra mà không cho con được lành lặn, làm bố mẹ như tôi thật có lỗi”. Trước đó, chị N.T.T. đã sốc lặng người, cảm xúc như bị “rơi xuống vực” khi phát hiện con bị thông liên thất lớn, sợ hãi khi nghĩ con mình sẽ phải trải qua đại phẫu với vết mổ không bao giờ xóa nhòa. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật diễn ra với vết mổ đường nách rất nhỏ. Sau phẫu thuật, em bé ăn uống tốt, nhanh chóng bình phục sức khỏe, khoảng 1 tuần đã được xuất viện.
Con chị N.T.T. là một trong 35 ca được các bác sĩ Khoa Tim mạch, Lồng ngực (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) chữa tổn thương tim bằng kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách bên phải, với một đường mổ rất nhỏ.
Kỹ thuật phẫu thuật tim ít xâm lấn được bác sĩ trẻ Nguyễn Trung Nam (Khoa Tim mạch, Lồng ngực) tiên phong triển khai, anh là 1 trong 3 bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật liên quan đến tim tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Theo các đồng nghiệp thì Nam là một bác sĩ nhiệt tình, chịu khó và “ham” kiến thức mới. Năm 2018, phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách được triển khai tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đó bác sĩ Nam luôn theo dõi và khát khao được mang kỹ thuật mới này về triển khai tại Thanh Hóa. Nhìn thấy sự nỗ lực của một bác sĩ trẻ đầy nhiệt huyết, lãnh đạo bệnh viện đã tạo điều kiện để anh ra Bệnh viện Nhi Trung ương tu nghiệp. Rất nhanh, bác sĩ Nam đã nắm vững được kỹ thuật phẫu thuật tim ít xâm lấn và bắt đầu triển khai tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa từ giữa năm 2021. Trước đó, tất cả bệnh nhi mắc bệnh lý tim bẩm sinh, đều chỉ có một đường mổ duy nhất là đường rạch giữa ngực, cưa xương ức, để lại vết sẹo thành ngực lớn và thời gian hậu phẫu dài, trẻ phải chịu nhiều đau đớn sau mổ. Nhiều trẻ về sau cảm thấy mặc cảm về vết mổ lớn, mất thẩm mỹ.
Việc chuyển giao kỹ thuật mới là một thách thức với các bác sĩ bấy giờ, vì chữa bệnh tổn thương tim nhi rất khó khăn. “Nếu không thể khắc phục được tất cả tổn thương của bệnh nhi như đường mổ giữa, thì việc mổ qua đường nách sẽ thất bại. Bởi vậy, không phải trường hợp nào chúng tôi cũng chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp này. Tiêu chí đầu tiên của chúng tôi là bảo đảm an toàn tính mạng cho bệnh nhi và mọi tổn thương trong tim được chữa như phẫu thuật đường giữa thì mới chỉ định kỹ thuật này”, bác sĩ Nam chia sẻ.
Đến nay, 100% ca phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách triển khai tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đều thành công, không có ca nào biến chứng nặng và tử vong.
Mang kỹ thuật mới, khó về triển khai trên quê hương, là điều mà bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Ngần, Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh – Tế bào (Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa) đã và đang làm rất tâm huyết. Dù mới thành lập (năm 2019), nhưng đến nay Khoa Giải phẫu bệnh – Tế bào đã phát triển được toàn bộ kỹ thuật thường quy và gần hết các kỹ thuật khó, chuyên sâu so với tuyến Trung ương. Có được kết quả này là sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện, trong đó bác sĩ trẻ như chị Ngần là những người tiên phong.
Hiện, tại khoa có nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: sinh thiết tức thì, xét nghiệm hóa mô miễn dịch... Trong đó, kỹ thuật sinh học phân tử xác định đột biến đường gen, một trong những kỹ thuật chuyên sâu (rất ít bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện) sẽ được triển khai trong năm 2023 này.
Khoa Giải phẫu bệnh - Tế bào là nơi thực hiện các xét nghiệm sinh thiết, tế bào học theo yêu cầu của bộ phận lâm sàng. Kết quả chẩn đoán đóng vai trò quan trọng trong tầm soát, phát hiện các tổn thương tiền ung thư, chẩn đoán sớm các bệnh lý ung thư, giúp chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả. Bác sĩ giải phẫu bệnh cũng được gọi là “bác sĩ của bác sĩ” bởi họ là những người đưa ra kết luận cuối cùng về chẩn đoán bệnh. Thế nhưng, chị Ngần và những đồng nghiệp chưa một lần được người bệnh “nhớ mặt biết tên”.
Theo chia sẻ của bác sĩ Ngần: “Thế giới của mô và tế bào cũng sinh động, muôn hình muôn vẻ không kém thế giới của con người. Tế bào và mô cũng đa dạng, phức tạp y như một xã hội thu nhỏ. Mỗi tế bào, mỗi mô lại có đặc điểm, tính cách riêng. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra những tế bào bất thường, là nguyên nhân gây ra các bệnh lý để từ đó có phương án khắc chế chúng”. Phát hiện ra những tế bào bất thường, bên cạnh tài năng của một bác sĩ, máy móc hiện đại hỗ trợ, còn phải nhờ đến những kỹ thuật chuyên sâu. Bởi vậy, chị Ngần luôn khuyến khích bác sĩ trong khoa đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại bệnh viện tuyến trên. Tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước nhằm cập nhật kiến thức, kỹ năng mới trong giải phẫu học.
Sự nhiệt huyết của những bác sĩ trẻ như chị Ngần, anh Nam đã và đang mang lại cho ngành y những thay đổi tích cực. Những kỹ thuật mới, chuyên sâu do các bác sĩ trẻ thực hiện chuyển giao đã giúp nhiều bệnh nhân được thụ hưởng lợi ích y tế trên chính quê hương, giảm chi phí điều trị. Qua đó, xây dựng thương hiệu cho bệnh viện, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.