Bác sĩ tương lai cần có kiến thức đúng về dịch nCoV để hành động đúng
Những thông tin mới nhất, mang tính khoa học, chính xác và toàn diện về dịch bệnh nCoV đã được các chuyên gia của WHO, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Viện Vệ sinh dịch tễ TW… cung cấp cho các thầy, cô và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội hôm qua.
Theo GS.TS Tạ Thành Văn- Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, với vai trò là cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành y tế, với đặc thù riêng của sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội là học tập tại các cơ sở y tế, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh, do đó sinh viên y cần phải có kiến thức, thái độ, kỹ năng đúng để có thể tự bảo vệ bản thân, có khả năng giải thích, hướng dẫn cách phòng tránh cho người bệnh và cộng đồng đồng thời chung tay cùng ngành y tế nước nhà phòng chống dịch.
Với sự hỗ trợ của WHO tại Việt Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Viện Vệ sinh dịch TW, hôm qua Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức buổi truyền thông Phòng chống dịch bệnh do nCoV gây ra với mục tiêu cung cấp các thông tin chính xác và đầy đủ về dịch bệnh nCoV gây ra, tác hại, cách phòng ngừa cho cán bộ, học viên và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, để từ đó hành động đúng trong phòng, chống lây nhiễm cho cá nhân và cho cộng đồng
Buổi truyền thông dù diễn ra cuối giờ chiều nhưng ngoài sự tham gia của hàng trăm cán bộ, giảng viên học viên, sinh viên tại Hội trường lớn còn được truyền trực tiếp đến 2 giảng đường khác của Trường Đại học Y tại Hà Nội và phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa.
GS.TS. Tạ Thành Văn cho biết thêm, ngay khi có thông tin về bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên ở Việt Nam, một số trường đại học cho sinh viên kéo dài kỳ nghỉ Tết thêm 1 tuần, nhưng Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội đã quyết định sinh viên của Trường vẫn đi học bình thường.
“Vì đặc thù của sinh viên Đại học Y là học tập tại các cơ sở y tế, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh, nên phải có kiến thức, thái độ, kỹ năng đúng để tự bảo vệ bản thân, có khả năng giải thích, hướng dẫn cách phòng tránh cho người bệnh và cộng đồng, đồng thời chung tay cùng ngành y tế phòng, chống dịch”- GS.TS Tạ Thành Văn bày tỏ.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y cũng chia sẻ, ngày nay, bệnh tật không phải là vấn đề của riêng một quốc gia nào nữa. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông mạng phát triển vượt trội so với phương tiện truyền thông truyền thống, trong khi các biện pháp kiểm duyệt, sàng lọc chưa hiệu quả, khiến cộng đồng rất khó phân biệt thông tin thật - giả, đúng - sai.
Chính vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường muốn mỗi học viên, sinh viên và cán bộ viên chức Trường Đại học Y Hà Nội, khi đã được trang bị những hiểu biết, kiến thức đúng đắn về bệnh dịch này, sẽ không chỉ là những nhà chuyên môn, mà còn là những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng, để phổ biến sâu rộng những thông tin và những biện pháp chuyên môn chuẩn mực, nhằm đối phó với bệnh dịch.
“Thày và trò Trường Đại học Y Hà Nội khẳng định trách nhiệm với cộng đồng, với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân, luôn sẵn sàng khi nhân dân và ngành y tế cần” – GS.TS Tạ Thành Văn khẳng định
Tại buổi truyền thông, BS. Satoko Otsu - Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp, Văn phòng WHO tại Việt Nam đã thông tin về tình hình dịch do nCoV cùng những khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế Việt Nam trong dự phòng lây nhiễm.
Nhấn manh trước tại đây, BS. Satoko Otsu thẳng thắng, đây là lúc chúng ta đối diện với thực tế chứ không phải để sợ hãi. Là lúc chúng ta phải dựa vào các bằng chứng khoa học chứ không phải tin đồn
Đại diện WHO tại Việt Nam cũng đánh giá cao việc tăng cường giám sát, chẩn đoán các ca bệnh và thấy rõ sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, sự đoàn kết của các ban ngành song hành cùng Bộ Y tế để đối phó với dịch.
TS. Phạm Quang Thái – Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TW thông tin, chưa bao giờ hệ thống chính trị của Việt Nam minh bạch thông tin như dịch nCoV. Lần đầu tiên các xét nghiệm được công bố ngay lập tức. Việt Nam hiện có 10 người mắc nCoV, nhưng chưa có ca tử vong. Chỉ có một người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi bị nặng, còn lại đều bệnh nhẹ.
TS. Thái cho biết thêm, chỉ trong 1 ngày, đường dây nóng của Bộ Y tế có hơn18.000 cuộc gọi, trong đó rất nhiều người hỏi về tình hình mắc nCoV và muốn xét nghiệm thì ở đâu. Nhưng hiện chưa có xét nghiệm dịch vụ, chỉ có người đi từ vùng dịch về được xét nghiệm tại các Viện.
Tại buổi truyền thông, BS. Vũ Quốc Đạt –giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội đưa ra thông tin hiện nay rất nhiều người sai lầm khi dùng khẩu trang. Virus corona không lây qua không khí, mà lây qua giọt bắn, nên người bệnh dùng khẩu trang có thể ngăn được phần lớn giọt bắn.
Do đó, khẩu trang dùng để nhằm hạn chế sự phát tán của người bệnh, chứ không phải người khỏe dùng để tránh được bệnh. WHO cũng đã khuyến cáo những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang.
“Không nên dùng khẩu trang rộng rãi cho người lành, vì có thể còn nhiễm bệnh do sử dụng không phù hợp, như không rửa tay ngay sau khi đeo khẩu trang, khi sờ vào mặt ngoài khẩu trang; dùng khẩu trang suốt một ngày…” – BS. Đạt nhấn mạnh.
Truyền thông tại đây, PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Trưởng bộ môn vi sinh Trường Đại học Y Hà Nội khẳng định, các bệnh viện của Việt Nam đều chuẩn bị sẵn sàng để điều trị khi có bệnh nhân mắc nCoV. Tới đây sẽ mở rộng số bệnh viện được xét nghiệm.
“Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 1.000 giường, có các phòng áp lực âm cố định và lưu động, để cách ly người bệnh. Các bệnh viện khác không có phòng áp lực âm, sử dụng khu vực cách ly vẫn hiệu quả”- PGS.TS Nguyễn Vũ Trung nói.