Bác sĩ Vũ Mộng Tuyết - Trọn một chữ Tâm với nghề
Xuất thân từ một gia đình trí thức, BS.CKI Vũ Mộng Tuyết không chỉ thực hiện trọn vẹn ước mơ của mình - cũng là ước nguyện của người cha quá cố để trở thành một bác sĩ giỏi mà còn là người đồng sáng lập, Tổng giám đốc điều hành một trong những hệ thống y tế tư nhân đầu tiên tại Việt Nam và tiếp đến nay là Bệnh viện Vạn Phúc City.
Hơn 24 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, bằng một chữ "Tâm" cùng lòng kiên định, ý chí vượt khó, quyết tâm phát triển hệ thống y tế hiện đại, BS.CKI Vũ Mộng Tuyết không chỉ cùng người bạn đời của mình làm thay đổi diện mạo của ngành y tế tư nhân mà còn mang lại cho người dân cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe uy tín. Đồng thời, bác sĩ Tuyết cũng trở thành tấm gương tiêu biểu cho thế hệ phụ nữ thời đại mới, truyền cảm hứng và hy vọng cho hàng triệu người phụ nữ.
Trong những ngày tháng 3 đặc biệt này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với BS.CKI Vũ Mộng Tuyết trong cơ ngơi mới nhất của mình, đó là Bệnh viện Vạn Phúc City tại TP.Thủ Đức (TPHCM), một bệnh viện hiện đại được xây dựng trên diện tích 15.000m2, với tổng diện tích sàn trên 37.000m2, được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng tiêu chuẩn dịch vụ chất lượng cao, sắp được đưa vào hoạt động trong thời gian tới đây.
PV: Thưa bác sĩ, cơ duyên nàođã đưa chị đến và gắn bó với nghề y?
BS.CKI Vũ Mộng Tuyết: Từ khi còn nhỏ tôi đã luôn ấp ủ ước muốn trở thành một người bác sĩ. Ước mơ đó có lẽ đã được nuôi dưỡng, vun đắp từ người bố đã từng là y sĩ ở một vùng quê nghèo. Nhờ sự ủng hộ, động viên của bố mẹ, và sự quyết tâm tôi đã đặt được những bước chân đầu tiên vào trường Đại học Y Dược TPHCM với 2 chuyên ngành khác nhau đó là cử nhân xét nghiệm, và hiện tại tôi là bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh.
Sau những năm đèn sách tại khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi về công tác tại Bệnh viện đa khoa Quận 8 với vai trò Trưởng phòng khám Nội thần kinh.
PV: Vậy lý do gì khiến chịrời bệnh viện công, nơi mà nhiều người mơ ước được gắn bó vào thời điểm đó để bước chân vào con đường y tế tư nhân đầy mới lạ với muôn vàn thử thách?
BS.CKI Vũ Mộng Tuyết: Có lẽ cơ duyên đó xuất phát từ một chữ "Tâm". Trong quá trình làm nghề, tôi đã chứng kiến rất nhiều người bệnh lớn tuổi, già yếu phải đến bệnh viện xếp hàng từ 4 giờ sáng để được gặp bác sĩ thăm khám. Khu nội trú thiếu thốn giường nằm, điều kiện cơ sở vật chất lúc bấy giờ rất khó khăn. Tôi ước gì mình có thể làm điều gì đó tốt đẹp hơn để giúp cho các bệnh nhân. Và chính những khát khao được làm nhiều hơn cho người bệnh luôn thôi thúc tôi thay đổi.
Thời điểm đó, Ban lãnh đạo bệnh viện cũng đã có kế hoạch cử tôi đi đào tạo cán bộ nguồn với một tương lai rộng mở trước mắt. Thế nhưng, trong một lần tình cờ đọc được một cuốn sách về kinh tế y tế, tôi đã thấy như mình tìm được chân lý trong cuộc đời. Tôi hiểu rằng, dù ở đâu cũng là một bác sĩ chữa bệnh cho mọi người, vậy thì tôi sẽ lựa chọn cách thức có thể giúp được nhiều người nhất, và tôi quyết định ra làm y tế tư nhân.
Quyết định từ bỏ bệnh viện công để ra làm phòng khám tư ở những năm 2000 đã khiến nhiều người bất ngờ, tiếc nuối thay cho tôi. Bố tôi, một người luôn hết lòng ủng hộ con gái từ khi bắt đầu bước vào ngành y, cũng đã không ít lần phải hỏi tôi: "Con đã chắc chắn với quyết định của mình chưa?" Tôi hiểu những lo lắng ấy, nhưng tôi cũng hiểu quyết định của mình.
Rất may mắn là tôi luôn có bác sĩ Đào Cảnh Tuất, là người chồng, cũng là người đồng nghiệp, người cộng sự luôn ở bên cạnh đồng hành, động viên tôi tiến về phía trước, hiện thực hóa ước mơ của tôi.
PV: Do đâu chị và chồng lại chọn Bình Dương để xây dựng cơ sở y tế tư nhân đầu tiên?
BS.CKI Vũ Mộng Tuyết: Những năm ấy, Bình Dương bắt đầu có khu công nghiệp Sóng Thần, công nhân từ khắp nơi đổ về làm việc. Thế nhưng, việc chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm ngàn người dân và công nhân tại các khu công nghiệp lúc đó chỉ trông chờ vào trạm y tế cơ sở. Chứng kiến nhiều bệnh nhân chịu thiệt thòi vì không được tiếp cận với y tế kịp thời, không đủ điều kiện tài chính để được chăm sóc sức khỏe tốt, vợ chồng tôi quyết tâm chọn Bình Dương là nơi khởi nghiệp với phòng khám tư nhân nhỏ đầu tiên mang tên An Bình. Và Bình Dương cũng là mảnh đất chúng tôi yêu thương, gắn bó hơn 20 năm bởi tình người nơi đây, chứng kiến sự phát triển của hệ thống Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc với những thành viên tiếp theo: Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 1, 2; Phòng khám Đa khoa Vạn Phúc 1,2.
PV: Việc thành lập một phòng khám tư nhân vào thời điểm y tế nước nhà còn gặp không ít khó khăn, người dân chủ yếu chỉ được tiếp cận với y tế công, chị đã gặp những khó khăn, thử thách như thế nào?
BS.CKI Vũ Mộng Tuyết: Khó khăn thì rất nhiều nhưng đầu tiên phải kể đến khó khăn về mặt cơ sở vật chất, rồi hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế tư nhân cũng chưa có. Lúc đó thực sự trong tay tôi không có nhiều tiền, phải cố gắng dồn toàn lực để xây dựng cơ sở, tiến hành các thủ tục, tự tay mình làm tất cả các việc khi có thể, kể cả công việc dọn dẹp, vệ sinh đến đón tiếp bệnh, khám bệnh.
Thứ hai đó là vấn đề nhân sự. Thời điểm đó, không mấy người sẵn lòng bỏ bệnh viện công để làm cho một phòng khám tư. Để có đội ngũ nhân sự có tay nghề tốt đáp ứng nhu cầu công việc, chúng tôi nghĩ đến việc cần phải đào tạo và đã tự bỏ tiền để cử nhân sự đi học từ đầu, bồi dưỡng nâng cao năng lực, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của phòng khám.
PV: Vừa trực tiếp điều hành một hệ thống y tế tư nhân, vừa tham gia công tác khám chữa bệnh, nhưng vẫn có thể nuôi dạy tốt được hai người con trai đang tuổi lớn. Bí quyết nào giúp chị cân bằng được sự nghiệp và gia đình?
BS.CKI Vũ Mộng Tuyết: Một người thầy đã từng nói với tôi "Mỗi người đều có sứ mệnh và hành trình khác nhau, nếu bạn muốn thành công thì phải có chiến lược, kế hoạch cho hành trình ấy, và kiên trì đến cùng để thành công tức là phải nhẫn".
Là một người phụ nữ thời đại mới, tôi luôn muốn bước ra khỏi vùng an toàn, tự chủ bản thân, quản lý và phát triển sự nghiệp. Đồng thời, tôi luôn tự lên kế hoạch cho bản thân từng ngày từng tháng từng năm, phải luôn vui vẻ và cân bằng tốt, cứ làm hết sức mình và phải học để phát triển bản thân và sự nghiệp vì "tất cả là từ sự học mà ra". Từ những trách nhiệm gánh trên vai, tôi biến nó thành động lực, luôn cảm thấy hạnh phúc thực sự nếu làm tròn trách nhiệm của mình.
Bên cạnh sự nghiệp, với những tháng ngày vất vả, làm việc miệt mài và nhìn hai con từng bước trưởng thành, tiếp nối sự nghiệp của chúng tôi, trở thành các bác sĩ chữa bệnh cứu người, tôi tự nhủ có lẽ đó mới là thành công nhất của hai vợ chồng tôi.
PV: Chị có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ muốn cống hiến cho nghề y?
BS.CKI Vũ Mộng Tuyết: Nghề y là một nghề cao quý, là một trách nhiệm rất lớn, làm sao phải gìn giữ được sinh mạng con người. Đã dấn thân vào con đường này, bản thân mỗi người phải luôn trau dồi "chữ Tâm", rèn luyện "chữ Trí", cố gắng học tập không ngừng để tiến bộ mỗi ngày, áp dụng khoa học hiện đại để phát triển tốt công việc của mình. Hãy luôn kiên trì, vượt khó dù trong hoàn cảnh nào, phải rèn luyện, nuôi dưỡng đạo đức của mình, đặt lên cao chữ đức chữ "Tâm".
Xin cảm ơn sự chia sẻ của bác sĩ!