Bác sĩ yêu cầu giáo viên 'trả lại 4 điểm Toán cho học sinh'
Một cậu bé tiểu học ở Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng y tế sau khi bị giáo viên trừ điểm vì đưa ra chẩn đoán y khoa trong một câu hỏi Toán học.
Người mẹ của cậu bé đã đăng bài kiểm tra của con lên nền tảng mạng xã hội này. Câu hỏi đề cập đến một biểu đồ thể hiện nhiệt độ của một người giảm từ 39,5 độ C xuống còn 36,7 độ C trong vòng 3 ngày.
Câu hỏi yêu cầu: "Em có thể thu thập thông tin gì từ biểu đồ?".
Cậu bé đã trả lời: "Bệnh nhân sắp khỏi bệnh".
Giáo viên cho rằng câu trả lời này là sai và trừ 4 điểm trong bài kiểm tra. Sau khi người mẹ đăng bài kiểm tra lên mạng, các bác sĩ tại Trung Quốc đã đồng loạt vào bình luận, yêu cầu giáo viên "trả lại 4 điểm cho cậu bé".
Nhiều chuyên gia y tế ủng hộ cậu bé bằng cách đăng ảnh bản thân mặc áo blouse trắng hoặc cầm chứng chỉ hành nghề để chứng minh uy tín của mình.
"Có thể, nhiệt độ của bệnh nhân giảm do sử dụng thuốc, nhưng chủ yếu cho thấy bệnh đang được kiểm soát và bệnh nhân đang hồi phục. Xin hãy trả lại điểm cho đứa trẻ", một bác sĩ nhi khoa viết.
Bên cạnh đó, một số người cũng đánh giá câu trả lời của cậu bé rất sáng tạo và khuyến khích người mẹ hỗ trợ con trai trở thành bác sĩ. Bài đăng của phụ huynh đã thu hút 110 triệu lượt xem trên Weibo.
Mẹ của cậu bé tiết lộ câu trả lời giáo viên đưa ra là "nhiệt độ của bệnh nhân ổn định trong một khoảng thời gian nhất định".
"Làm sao một câu hỏi như vậy có thể mong đợi một câu trả lời 'theo khuôn'?", một người đặt câu hỏi.
"Câu trả lời khuôn mẫu đang giết chết sự sáng tạo của trẻ em", một người khác nói.
Nhiều cư dân mạng cũng chỉ trích kiểu học thuộc lòng trong giáo dục, trao cho giáo viên quyền lực tuyệt đối và không khuyến khích học sinh tư duy sáng tạo hay chấp nhận câu trả lời khác biệt.
Ở Trung Quốc, việc trở thành học sinh giỏi thường đồng nghĩa với việc ghi nhớ các câu trả lời theo mẫu. Từ những năm 1990, quốc gia này đã bắt đầu chuyển sang "giáo dục toàn diện", bao gồm các phẩm chất trí tuệ, thể chất và đạo đức.
Năm 2021, Trung Quốc ban hành chính sách "giảm tải kép", nhằm giảm lượng bài tập về nhà và học thêm cho học sinh tiểu học và trung học, đồng thời giảm áp lực từ giáo dục lấy thi cử làm trung tâm.