Bắc Sơn: Hiệu quả kinh tế từ cây cam đường CanhTin khácTrải thảm đón nhà đầu tưChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19
Khoảng 8 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã đưa cây cam đường Canh về trồng. Cây cam đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây cam đường Canh của gia đình bà Bế Thị Liên, khu Trần Đăng Ninh, thị trấn Bắc Sơn vào một ngày trung tuần tháng 12/2021. Trước mắt chúng tôi là hình ảnh của hơn 1.000 cây cam đường canh sai trĩu quả đang vào độ thu hoạch. Được biết, vườn cam này được bà trồng từ năm 2015, sau 2 năm chăm sóc, cuối năm 2017 vườn cam bắt đầu cho thu hoạch quả.
Bà Liên cho biết: Vườn cam của gia đình tôi canh tác theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Mỗi năm, gia đình tôi thu được trên 25 tấn quả, với giá bán dao động từ 35.000 đến 50.000 đồng/kg, đem lại thu nhập hơn 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thấy hiệu quả kinh tế, năm 2020, tôi trồng thêm 1.700 cây, hiện nay cây đang sinh trưởng phát triển tốt. Cùng đó, tôi đầu tư xây bể chứa nước và hệ thống ống dẫn nước tưới để thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc. Riêng vụ cam đường Canh năm 2021, gia đình tôi ước thu được khoảng 45 tấn, đem lại hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.
Không chỉ có hộ bà Liên, những năm qua, nhiều hộ dân trong huyện Bắc Sơn cũng đã đưa cây cam đường Canh vào trồng, đem lại thu nhập cao. Như mô hình của ông Dương Công Núi, ông Hoàng Đức Lai (xã Tân Lập); ông Vũ Văn Muôn, xã Vũ Sơn cho thu về trên 250 triệu đồng mỗi năm.
Qua tìm hiểu được biết, cây cam đường Canh được một số hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đưa vào trồng từ năm 2012. Đến năm 2015, phong trào trồng cam đường Canh phát triển mạnh trên địa bàn huyện. Theo những hộ trồng cam, việc trồng và chăm sóc loại cây này khó hơn so với những loại cây ăn quả khác như bưởi, quýt. Chính vì vậy, nhiều hộ đã chủ động đi học tập kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cam đường Canh ở các tỉnh như: Bắc Giang, Hưng Yên. Cùng đó, quan tâm áp dụng khoa học kỹ thuật vào nâng cao năng suất, chất lượng quả cam như: đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn.
Ngoài ra, để hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ năm 2019 đến nay, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hỗ trợ hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 29 hộ trồng cam đường Canh tại các xã: Vũ Sơn, Chiến Thắng, Tân Lập, Tân Hương, Bắc Quỳnh, Hưng Vũ, thị trấn Bắc Sơn với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, trong đó có cây cam. Riêng năm 2021, trung tâm đã phối hợp tổ chức được 8 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó, các hộ dân có thêm kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Từ trồng cam đường Canh, hộ trồng ít cũng đạt thu nhập được 20 triệu, hộ trồng nhiều có thể đạt hơn 1 tỷ đồng/ vụ.
Theo số liệu từ Chi cục Thống kê huyện Bắc Sơn, hiện toàn huyện có trên 165 ha cam, trong đó, trên 125 ha đã cho thu hoạch (trong tổng số diện tích trên có đến hơn 60% diện tích trồng cam đường Canh). Năng suất cam 3 năm trở lại đây đạt từ 32 tạ đến 40 tạ/ha. Riêng vụ cam năm 2021, sản lượng ước đạt 440 tấn.
Ông Hoàng Văn Thủy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp sản phẩm sạch ra thị trường, tạo thương hiệu cho sản phẩm, năm 2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai mô hình sản xuất cam đường Canh theo quy trình VietGAP, với diện tích 30,7 ha, 20 hộ tham gia tại các xã: Chiến Thắng, Vũ Sơn, Đồng Ý, Tân Lập, Bắc Quỳnh. Cùng đó, người dân đã quan tâm sản xuất cam theo hướng an toàn, chất lượng quả thơm, ngon, mẫu mã đẹp hơn, do đó, khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ cam đường Canh khá thuận lợi, trong đó thị trường lớn chủ yếu là ở các tỉnh, thành phố như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… Cứ đến vụ thu hoạch, các thương lái lại đến tận vườn thu mua với giá cả cao và ổn định. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền cho bà con sử dụng các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm để nhiều khách hàng trên toàn quốc biết đến và đặt hàng.
Hiệu quả kinh tế từ cây cam đường Canh đem lại đã giúp nhiều hộ dân của huyện Bắc Sơn có thu nhập cao, vươn lên khá giả. Thời gian tới, huyện Bắc Sơn tiếp tục hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật và định hướng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho bà con, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm cam đường canh trên địa bàn.