Bắc Sơn – Lạng Sơn: Nơi hội tụ vẻ đẹp miền sơn cước với đặc sản nhuộm tro ngon khó cưỡng
Cách TP.Lạng Sơn khoảng 100 km về phía tây, huyện Bắc Sơn nằm gọn giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp tạo nên khung cảnh bình yên và đẹp đến nao lòng. Dòng sông nhỏ uốn lượn giữa cánh đồng lúa chín vàng bên núi non đã tạo nên một không gian đậm chất thơ, say lòng du khách. Chẳng những vậy, nơi đây còn có những món ăn ngon được đôi bàn tay khéo léo hòa quyện, kết hợp hương vị của thiên nhiên để tạo thành.
Là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, với thành phần đa sắc tộc, mỗi dân tộc đều có những bản sắc riêng biệt tạo nên một bức tranh văn hóa vô cùng đặc sắc. Sự cộng cư của các dân tộc Tày, Nùng… tạo nên sự giao thoa văn hóa đa dạng. Không những thế, Bắc Sơn nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phong phú. Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch cho Bắc Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung.
Cảnh vật nên thơ
Đỉnh Nà Lay Lạng Sơn được ví như “thiên đường săn ảnh” ở xứ Lạng. Từ trên đỉnh núi xinh đẹp này, bạn có thể “tắm mình trong sương”, phóng tầm mắt để thưởng ngoạn phong cành tuyệt vời với nhiều ô ruộng đẹp mang những màu sắc khác nhau khi vào mùa gặt. Bên những thửa ruộng là dòng sông nhỏ uốn quanh co tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp mang phong cảnh hữu tình nằm giữa thung lũng Bắc Sơn.
Hình ảnh đồng lúa chín ở thung lũng Bắc Sơn được nhìn từ trên đỉnh núi Nà Lay xuống.
Đỉnh Nà Lay không quá cao như những đỉnh núi khác ở khu vực Tây Bắc nước ta. Với chiều cao hơn 600 mét so với mực nước biển, hành trình trekking Nà Lay không thể nào làm khó được những tín đồ yêu thiên nhiên, thích xê dịch. Nếu đã từng leo núi, bạn sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để lên đến đỉnh. Là một ngọn núi không quá cao lại nằm cạnh bên thung lũng Bắc Sơn xinh đẹp nên đường lên đỉnh Nà Lay tương đối dễ đi. Để lên được đỉnh núi, bạn phải băng qua quãng đường dài khoảng 1200 bậc thang đá cheo leo, dựng đứng. Tùy vào sức khỏe và thời tiết mà du khách sẽ có trải nghiệm khác nhau trong hành trình leo núi. Dù đã được mở đường với những bậc thang đá nhưng cung đường lên đỉnh Nà Lay Lạng Sơn vẫn còn vẹn nguyên nét đẹp hoang sơ. Xung quanh cây cỏ um tùm, đất đá chen nhau, tạo nên khung cảnh hết sức huyền bí. Dù hành trình chinh phục đỉnh núi không quá vất vả nhưng chắc hẳn bạn sẽ có nhiều trải nghiệm đáng nhớ trên đường đi. Thời điểm bình minh bắt đầu ló dạng, thung lũng Bắc Sơn dần lộ diện qua làn sương mờ ảo, những bản làng, những đồng lúa và những dãy núi dần hiện rõ trước những thảm mây trắng bồng bềnh. Khi mặt trời lên cao, từng tia nắng vàng ươm trông như những sợi tơ mỏng manh, nhẹ nhàng khắp các rừng cây, vách núi, mang đến một khung cảnh sớm mai ấm áp và cũng đầy lộng lẫy.
Rời đỉnh Nà Lay, đến với làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc xã Quỳnh Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 2km về phía Bắc. Toàn bộ ngôi làng nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn với hơn 400 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, cùng hướng về hướng Nam với thế tựa lưng vào núi. Toàn bộ làng Quỳnh Sơn như một bức tranh đa sắc màu với màu của núi, màu của đồng ruộng mênh mông, màu của dòng suối Quỳnh Sơn trong xanh uốn lượn và hơn thế nữa là sự hòa quyện của đời sống con người với vẻ đẹp của tự nhiên.
Dòng sông nhỏ chảy quanh co trong thung lũng Bắc Sơn, tạo nên cảnh đẹp thơ mộng.
Hang KeengTao (nằm trên địa bàn thôn Hoan Trung 1, xã Chiến Thắng, Bắc Sơn) với chiều dài trên 300 m, vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, kỳ ảo, gây ấn tượng đặc biệt với du khách.Ở đây, dòng nước tự nhiên từ lòng núi chảy xuyên qua hang tạo thành dòng suối Mỏ Mắm ngày đêm róc rách khiến cho không gian trở nên sinh động, hấp dẫn vô cùng.Bước vào hang, cảm nhận đầu tiên là không khí mát mẻ đầy sảng khoái. Trong lòng hang, nhũ đá mang nhiều hình thù kỳ dị được kết hợp với hệ thống chiếu sáng dịu nhẹ khiến sự lung linh huyền ảo tăng lên bội phần. Không ít du khách ồ lên đầy kinh ngạc trước những dải thạch nhũ từ trên vòm đá cao rủ xuống…
Món ngon nhuộm tro
Đến với Bắc Sơn, nếu chúng ta không được thưởng thức những món ăn như Xôi Cẩm – Bánh Chưng Đen của người dân tộc Tày thì thật sự là niềm vui chưa chọn vẹn. Bởi lẽ, những món ăn này khiến cho con người ta không thể nào quên khi đã một lần được thưởng thức. Chúng được tạo nên bởi những bàn tay khéo léo, sự kết hợp hài hòa những hương vị của đất trời, thiên nhiên để ra một món ăn mang đậm bản sắc của người dân tộc Tày nơi đây.
Với người dân tộc Tày nơi đây, món bánh chưng đen không thể nào thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên khi tết đến, xuân về.Các thế hệ người Tày Bắc Sơn ngay từ nhỏ đã được xem các bà, các mẹ gói bánh chưng đen nên việc làm này đã trở thành nét đẹp truyền thống, được lưu giữ từ đời này sang đời khác.
Bánh chưng đen được người dân tộc Tày làm từ gạo nếp cái hoa vàng, chúng được ngâm với tro của cây lúa nếp cái hoa vàng tạo thành mầu đen.
Bánh chưng đen được làm từ những nguyên liệu như bánh chưng truyền thống. Tuy nhiên, một nguyên liệu đặc biệt tạo nên sự khác biệt của bánh chưng đen so với bánh chưng truyền thống, đó là tro của rơm nếp, đây chính là nguyên liệu tạo cho bánh màu đen bóng lạ mắt, quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy, khi ăn có mùi thơm và vị mát chứ không nóng như bánh chưng thông thường. Ngay từ thời điểm vụ mùa tháng 10 (âm lịch), người dân Bắc Sơn đã chọn những mớ rơm nếp thơm ngon để mang về rửa sạch, phơi khô rồi mang đốt lấy tro, sau đó đem về giã, lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu sắc đặc biệt cho bánh.
Loại gạo để làm bánh chưng đen phải là gạo nếp cái thơm, hạt tròn, mẩy, không gẫy (đặc biệt, nếu bánh chưng đen được làm từ loại gạo nếp cái hoa vàng được trồng ở xã Bắc Sơn, thì bánh sẽ càng thơm ngon và thêm đậm đà, mang hương vị riêng mà chỉ nơi đây mới có), gạo đem vo thật kỹ, xóc với muối rồi đem tro nếp trộn lẫn với gạo, hai nguyên liệu này sau khi được trộn, thì người làm bánh phải xoa thật đều để tro ngấm kỹ vào gạo, càng xoa được lâu, tro càng ngấm vào hạt gạo, khi ăn càng có vị thơm. Sau khi trộn gạo với tro, dùng lá dong để gói, nhân bánh được làm bằng đỗ xanh, thịt mỡ, bánh chưng đen được gói thủ công, dài khoảng 28 – 30 cm. Sau đó bánh được ngâm qua nước lạnh rồi xếp vào nồi, đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4-5 tiếng thì vớt ra.
Xôi Cẩm được người dân tộc Tày làm từ gạo nếp cái hoa vàng, ngâm với nước của cây lá cẩm dã ra tạo thành màu tìm đen rất đẹp mất và thơm ngon.
Xôi cẩm là món ăn đặc trưng được làm từ gạo nếp Bắc Sơn nhuộm màu tím đẹp mắt của lá Cẩm. Từng hạt gạo được chọn lọc kỹ trước khi sử dụng. Lá Cẩm được giã nát vắt lấy nước. Sau khi làm sạch gạo, người dân đem gạo ngâm với nước lá cẩm khoảng 4-6 tiếng cho màu tím của lá cẩm ngấm vào từng hạt gạo. Sau đó đồ chín. Món xôi cẩm đạt chất lượng phải đảm bảo xôi có màu tím đều, hạt gạo bóng, xôi dẻo thơm không nát. Xôi cẩm thường được ăn với muối lạc hoặc muối vừng. Mùi thơm dẻo của xôi quyện vào vị bùi của muối lạc, đượm hương thơm của lá cẩm tạo nên món xôi đặc biệt mang hương vị riêng của Bắc Sơn.