Bắc Sơn: Tăng cường quản lý hoạt động các cơ sở may gia công

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Bắc Sơn phát triển nhiều cơ sở may gia công tạo việc làm cho lao động nông thôn. Để các cơ sở hoạt động hiệu quả, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước cũng như đảm bảo chế độ, quyền lợi cho người lao động, các cấp chính quyền huyện đã tăng cường quản lý các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này.

Nếu như năm 2022, cả huyện Bắc Sơn chỉ có 12 cơ sở may gia công thì đến nay đã có 24 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực này. Các cơ sở may đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 500 lao động nông thôn, với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, qua khảo sát của chính quyền huyện, lao động tại các cơ sở may chủ yếu là lao động thời vụ, chưa ký hợp đồng lao động (HĐLĐ); một số cơ sở có ký kết hợp đồng với người lao động nhưng nội dung thỏa thuận trong hợp đồng chưa đầy đủ theo quy định; hoặc ký HĐLĐ có thời hạn dưới 1 tháng, không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT)… Cùng với đó, một số cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Người lao động tại HTX Trung Đoàn, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn gia công túi

Người lao động tại HTX Trung Đoàn, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn gia công túi

Công ty Cổ phần Dệt may HTP Bắc Sơn, thị trấn Bắc Sơn hoạt động từ năm 2023, đến nay có 50 lao động, trong đó chủ yếu là ký HĐLĐ thời vụ, chưa đóng nộp BHYT, BHXH…

Ông Trịnh Văn Phúc, Giám đốc công ty cho biết: Do lao động chủ yếu là người địa phương, tranh thủ thời gian nông nhàn, làm việc theo thời điểm và thời vụ, không có tính ổn định nên việc ký kết hợp đồng dài hạn để thực hiện các chế độ như đóng BHXH, BHYT... còn gặp khó khăn.

Tương tự, HTX Trung Đoàn, thị trấn Bắc Sơn được thành lập từ năm 2022, hoạt động chính là may gia công túi siêu thị xuất khẩu. Hiện nay, HTX có 30 lao động, mặc dù đều đã ký kết HĐLĐ thời hạn 1 - 3 tháng nhưng HTX cũng chưa đóng nộp BHXH, BHYT cho người lao động.

Trước thực tế đó, để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở cũng như việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động, chính quyền huyện Bắc Sơn đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan tham mưu thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, làm việc với các cơ sở may gia công. Gần đây nhất, tháng 5/2024, đoàn công tác của HĐND huyện đã kiểm tra, khảo sát thực tế tại 10 cơ sở may gia công đang hoạt động trên địa bàn huyện. Tại thời điểm kiểm tra chỉ có 3 cơ sở có lao động tham gia BHXH, BHYT... nhưng đóng chưa đầy đủ cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia, tỷ lệ lao động tham gia ít so với số lao động thực tế; 7 cơ sở còn lại chưa tham gia BHXH, BHYT... cho người lao động. Các cơ sở cũng chưa xây dựng kế hoạch, biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động hằng năm; chưa xây dựng nội quy lao động, niêm yết các nội quy, quy trình vận hành các loại máy...

Bà Dương Thị Ngọc Nguyên, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương Binh, Xã hội và Dân tộc huyện Bắc Sơn cho biết: Khi kiểm tra, đoàn công tác đã yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm túc các chính sách đối với người lao động và các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; vận động các doanh nghiệp, HTX thành lập công đoàn cơ sở khi đủ điều kiện để chăm lo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Cùng đó cơ quan BHXH huyện đã đẩy mạnh thực hiện quy trình khai thác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT... tại các cơ sở may chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ cho người lao động. Qua đó, một số chủ cơ sở đã dần nhận thức đầy đủ vấn đề và từng bước triển khai đóng BHXH cho người lao động.

Ông Tô Văn Trung, Phó Giám đốc HTX Trung Đoàn chia sẻ: HTX đã và đang tích cực vận động người lao động tham gia đóng BHXH. Đồng thời, HTX cũng chủ động hỗ trợ ăn trưa, tiền thưởng vào các dịp lễ, tết cho người lao động và tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Không chỉ HTX Trung Đoàn, hiện các cơ sở may gia công trong huyện đã từng bước khắc phục hạn chế, thực hiện các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động như: gắn bảng nội quy tại nơi làm việc; lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy; triển khai các biện pháp chăm lo cho người lao động như hỗ trợ bữa ăn trưa, tiền thưởng chuyên cần; hỗ trợ nhân các dịp ngày lễ, ngày tết; từng bước triển khai đóng BHXH, BHYT... cho người lao động.

Bà Phùng Thị Thanh Nga, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn nhấn mạnh: UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các quy định của pháp luật; nghiêm túc xử lý những cơ sở vi phạm. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra các cơ sở hoạt động may gia công để chấn chỉnh những vấn đề còn hạn chế, nhất là quy định liên quan đến người lao động.

Các cơ sở may gia công đi vào hoạt động đã tạo thêm việc làm và thu nhập cho lao động địa phương. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các cơ sở cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật cũng như chế độ, chính sách đối với người lao động để đảm bảo lợi ích hài hòa, hướng đến phát triển bền vững.

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/bac-son-tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-cac-co-so-may-gia-cong-5018302.html