Bắc Sơn: Tăng thu nhập từ trồng đào cảnhTin khácTrải thảm đón nhà đầu tưChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19
Trong những năm qua, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng đào cảnh đem lại, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã tập trung phát triển mô hình này. Qua đó, đem lại thu nhập ổn định, góp phần và phát triển kinh tế địa phương.
Xã Chiến Thắng là một trong những xã có diện tích đào cảnh lớn nhất của huyện Bắc Sơn. Hiện nay, toàn xã có 5/8 thôn trồng đào cảnh với diện tích 68 ha. Ông Hoàng Quang Phiệt, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian qua, nhiều hộ dân trong xã đã phát triển mạnh nghề trồng đào cảnh đem lại thu nhập cao, có những hộ thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm, tổng giá trị kinh tế từ trồng đào cảnh đem lại trên15 tỷ đồng/năm. Người dân nhận thấy giá trị kinh tế từ trồng đào cảnh đem lại, họ đã chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng loại cây này.
Đơn cử như tại thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng. Trong số 83 hộ dân thì có đến 70 hộ trồng đào cảnh. Ông Nguyễn Văn Đán là hộ trồng đào cảnh đầu tiên của xã, hằng năm, từ trồng đào, gia đình ông thu nhập trên 500 triệu đồng. Ông Đán chia sẻ: Từ năm 2007, qua tham quan học tập kinh nghiệm trồng đào tại các tỉnh như: Hà Nội, Bắc Giang, tôi đã quyết định trồng đào cảnh tăng thu nhập cho gia đình. Trung bình, tôi duy trì số lượng tại vườn khoảng 3.000 cây, mỗi năm, tôi xuất bán hơn 200 gốc đào cảnh. Thời điểm này tôi đang chăm sóc, thực hiện các công đoạn như đôn gốc, vặt lá để ra hoa đúng dịp tết. Hiện đã có một số thương lái và khách hàng đặt mua cây với giá từ 1,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/cây.
Không chỉ tại xã Chiến Thắng, nghề trồng đào cảnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Bình quân mỗi năm, tổng thu nhập từ bán cây đào giống, cây đào thành phẩm của người dân trồng đào trên địa bàn huyện đạt khoảng 40 tỷ đồng. Được biết, người dân nơi đây phát triển nghề trồng đào cảnh từ khoảng năm 2007. Tuy nhiên, nghề này phát triển mạnh từ năm 2015 trở lại đây. Theo số liệu từ Chi cục Thống kê huyện Bắc Sơn, hiện toàn huyện có trên 115 ha đào cảnh, gồm các loại đào thất thốn, đào phai, đào bích, đào cánh tiên, (tăng hơn 20 ha so với năm 2020). Trong đó, đào cảnh được trồng nhiều tại các xã: Vũ Sơn, Vũ Lễ, Chiến Thắng, Long Đống.
Theo các hộ trồng đào tại huyện Bắc Sơn, để đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán, ngay từ tháng 10 âm lịch, các hộ đã bắt đầu thực hiện các công đoạn tuốt lá, bó bầu cho cây đào. Cùng đó, điều tiết lượng nước tưới để giữ không cho đào nở quá sớm.
Ông Hoàng Văn Thủy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Cây đào cảnh của huyện Bắc Sơn không chỉ tiêu thụ tại tỉnh mà đã phát triển thị trường rộng rãi ra các tỉnh khác như: Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên… Hiện nay, tỉnh đang xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Lạng Sơn”, qua đó sản phẩm đào sẽ được bảo hộ, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Điều này chính là tín hiệu vui đối với các hộ trồng đào trên địa bàn huyện, là động lực cho các hộ tiếp tục tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ để người dân mở rộng diện tích trồng và đạt hiệu quả cao.
Trồng đào cảnh đã giúp người dân có thêm thu nhập và từng bước nâng cao đời sống, qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 44 triệu đồng/người/năm tăng 12 triệu đồng so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 16,42% (năm 2018) xuống còn 9,17% (năm 2020).
Thời điểm này, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, các hộ trồng đào trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã và đang tất bật thực hiện các công đoạn chăm sóc đào để phục vụ thị trường tết. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo các hộ trồng đào, giá bán đào cảnh có thể sẽ giảm hơn so với những năm trước, nhưng vẫn sẽ đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con.