Bắc Sơn: Tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bòTin khácKết nối các nguồn lực chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mơíDanh sách cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu 'Công dân Lạng Sơn ưu tú' lần thứ nhất, năm 2021

Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự chủ động của người dân, mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán chăn thả trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Những ngày đầu tháng 8/2021, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình bà Dương Thị Đợi, thôn Bình Thượng, xã Chiêu Vũ – một trong những hộ điển hình của xã trong chăn nuôi trâu bò vỗ béo đem lại thu nhập cao. Dẫn chúng tôi đi tham quan thực tế, bà Đợi cho biết: Năm 2014, được xã tuyên truyền và tập huấn, tôi đã biết phương pháp chăn nuôi bò vỗ béo và áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình. Chăn nuôi bò theo phương pháp này giúp tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, mỗi ngày, tôi chỉ mất vài tiếng cho bò ăn và vệ sinh chuồng trại. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán từ 4 đến 6 con trâu, bò với giá từ 40 đến 50 triệu đồng/con. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, tôi đã bán được 10 con bò, thu lãi trên 100 triệu đồng.

Người dân thôn Bình Thượng, xã Chiêu Vũ chăm sóc đàn trâu

Người dân thôn Bình Thượng, xã Chiêu Vũ chăm sóc đàn trâu

Không chỉ gia đình bà Đợi, thời gian qua, phong trào nuôi trâu, bò theo hướng bán chăn thả tại xã Chiêu Vũ phát triển khá mạnh. Đây là một trong những xã có số lượng trâu, bò lớn của huyện. Hiện nay, xã có hơn 200 hộ tại 6/6 thôn chăn nuôi trâu bò vỗ béo với tổng đàn trên 1.200 con, đem lại thu nhập trung bình từ 100 đến 150 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Dương Tiến Anh, Chủ tịch UBND xã Chiêu Vũ cho biết: Xác định chăn nuôi trâu, bò đem lại thu nhập cao cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng mô hình. Theo đó, hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật lồng ghép về chăn nuôi trâu, bò; tập huấn kỹ thuật ủ thức ăn chăn nuôi nhằm chủ động nguồn thức ăn từ tự nhiên.

Không chỉ riêng xã Chiêu Vũ, hiện nay, mô hình này được nhân rộng ra nhiều xã khác như: Tân Lập, Vũ Lễ, Nhất Hòa, Chiến Thắng,… Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bắc Sơn, tính đến đầu tháng 8/2021, toàn huyện có 7.485 con bò, 7.027 con trâu. Toàn huyện có trên 1.000 hộ phát triển mô hình nuôi trâu, bò bán chăn thả.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi, hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện Bắc Sơn thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con (trung bình từ 15 đến 20 lớp/năm). Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại bệnh cho đàn trâu, bò. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiêm phòng cho trâu, bò được 19.963 lượt con phòng các bệnh như: lở mồm, long móng; viêm da nổi cục; cấp phát hóa chất 2.064 lít, phun khử trùng vệ sinh chuồng chăn nuôi với diện tích 3.169.310 m2/18.363 lượt hộ/156 thôn.

Anh Hà Trung Thành, thôn Vũ Lâm, xã Vũ Lễ cho biết: Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm, gia đình tôi nuôi từ 15 đến 20 con bò. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn ở xã cũng như được cán bộ thú ý tuyên truyền, tôi rất chú trọng tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại. Từ đó, đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt. Đem lại thu nhập bình quân mỗi năm trên 150 triệu đồng.

Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Nhận thấy việc phát triển chăn nuôi trâu, bò đem lại hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền cho người dân phát triển theo hướng bán chăn thả và trồng cỏ voi để phục vụ nhu cầu chăn nuôi. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa, hướng đến phát triển các vùng chăn nuôi tập trung. Đồng thời, làm tốt công tác dự báo thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi.

Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, cùng sự chủ động của người dân, mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 32 triệu đồng/người/năm (năm 2018) lên 44 triệu đồng/người/ năm (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 16,42% (năm 2018) xuống còn 9,17% (năm 2020).

NGUYỄN PHÚC - MAI LINH

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/442422-bac-son-tap-trung-phat-trien-chan-nuoi-trau-bo.html