Bác sỹ của bản
Trong ánh nắng xuân lấp lánh phủ vàng trên những cành sa mộc, người dân thôn Nậm Tông ngồi bên nhau kể lại câu chuyện cũ với hình ảnh đẹp về tình người, về tinh thần đoàn kết, đùm bọc, thương yêu. Và khi nhắc đến bác sỹ Sin Thị Tâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc, ai cũng thấy cảm xúc dâng tràn.
Năm 2021, khi đang là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà (nơi có điều kiện công tác thuận lợi chỉ đứng sau thị trấn Bắc Hà), nắm được thông tin Trạm Y tế xã Nậm Lúc cần bổ sung nhân lực, bác sỹ Tâm đã viết đơn tình nguyện nhận nhiệm vụ tại địa bàn khó khăn hàng đầu của huyện.
Những khó khăn không làm chùn bước chân yêu nghề của người thầy thuốc, bác sỹ Tâm đã dành nhiều thời gian đến khắp các thôn, bản của Nậm Lúc để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Nhờ có chuyên môn sâu, vững vàng và lòng nhiệt thành, bác sỹ Sin Thị Tâm trở thành điểm tựa tinh thần của người dân nơi đây, nhiều người không chỉ coi chị là thầy thuốc mà còn như người một nhà.
Nậm Tông là điểm khó khăn, xa xôi nhất của xã Nậm Lúc, với 15 hộ, 80 nhân khẩu, đường lên thôn chỉ là cấp phối, dốc ngược, hễ mưa là lầy lội. Vậy nhưng, người dân Nậm Tông đã quen thuộc với hình ảnh nữ bác sỹ trẻ vẫn thường xuyên có mặt ở thôn để hướng dẫn bà con cách phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em; tuyên truyền người dân giữ vệ sinh, đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh...
Đưa mắt nhìn về phía xa, bác sỹ Tâm nhớ lại: “Khoảng gần 14 giờ ngày 10/9, tôi và các lực lượng chức năng trong xã nhận được tin Trưởng thôn Nậm Tông báo vụ sạt lở đất khiến nhiều người mất tích".
Cung đường độc đạo dẫn lên Nậm Tông đã bị chia cắt, đoàn công tác quyết định tìm đường rừng, vượt qua rất nhiều điểm sạt lở, những quãng đường bùn lầy, quyết tâm lên thôn càng sớm càng tốt. Chị Tâm kể, có những lúc, cung đường khiến chị mệt tưởng chừng không thể bước tiếp, túi y tế trên vai thêm nặng nhưng trái tim người thầy thuốc đã thôi thúc, tiếp sức cho chị rảo bước.
Nhiều giờ liền, bác sỹ Tâm tập trung sơ, cấp cứu bệnh nhân bị thương, trong đêm tối, công việc vẫn miệt mài dưới ánh sáng dành dụm của những chiếc đèn pin, điện thoại. Để cứu sống bệnh nhân thì không chỉ trông chờ vào những loại thuốc đơn giản, bông gạc, thuốc sát trùng, bác sỹ Tâm đề nghị mọi người nhanh chóng làm cáng để đưa các bệnh nhân xuống núi đến cơ sở y tế cấp cứu. Việc di chuyển xuống chân núi rất khó khăn vì đường dốc và trơn trượt nhưng bằng sức mạnh của tinh thần đoàn kết, vì cộng đồng, cán bộ và những người dân địa phương đã đưa các bệnh nhân đến cơ sở y tế an toàn.
Lo cho sức khỏe của chị, nhiều người khuyên nên xuống núi nhưng bác sỹ Tâm đã kiên quyết từ chối và quyết tâm ở lại để cùng tìm kiếm người mất tích, bởi nếu ai đó được cứu sống mà không có bác sỹ kịp thời hỗ trợ thì cơ hội sống sót có lẽ lại rời xa họ.
Anh Lý A Hải, Trưởng thôn Nậm Tông xúc động nói: “Bác sỹ Tâm là ân nhân mà bản Nậm Tông luôn ghi nhớ. Nếu không có bác sỹ Tâm sơ, cấp cứu kịp thời, có lẽ, trong số 11 người dân bị thương hôm đó sẽ có người hôm nay không còn thấy ánh sáng mặt trời”.
Ngồi kế bên, anh Ma A Chểnh kể lại, hôm đó, khi đang dọn sân thì bỗng nghe thấy tiếng nổ lớn, mặt đất rung chuyển, đất đá ào xuống vùi lấp ngôi nhà. Anh Chểnh may mắn chạy thoát và bị thương nhẹ ở chân. Sau khi định thần, anh quay lại tìm vợ, con. Cả vợ, con anh đều bị thương do đất đá đè vào, trong đó, chị Lý Thị Chu (vợ anh Chểnh) bị đa chấn thương, gãy 4 xương sườn, nhiều vết thương phức tạp ở chân, đùi. “Trưởng thôn Lý A Hải đi báo tin, tìm cứu viện mãi không thấy về, mỗi tiếng trôi qua, bà con trong thôn vô cùng lo lắng. Đến gần 19 giờ, từ xa khi thấy bóng dáng bác sỹ Tâm trong đoàn cán bộ, chúng tôi mừng lắm. Vợ tôi là 1 trong 4 người bị thương nặng nhất. Bác sỹ Tâm đã giúp giảm đau, rửa vết thương, băng bó cho vợ con tôi và động viên gia đình. Bác sỹ còn thức thâu đêm sơ cứu, chăm sóc bà con trong thôn” - anh Chểnh chia sẻ.
Trong số 11 người dân bị thương có chị Tráng Thị Lai khi đó đang mang thai ở tháng thứ 7. Đây là trường hợp mà bác sỹ Tâm lo lắng nhất, bởi chị Lai lúc này sức khỏe rất yếu do đất, đá sạt vào gây ra nhiều vết thương trên cơ thể.
Vừa qua, chị Tâm trở lại Nậm Tông để dự đám cưới của một đôi trẻ. Hay tin, chị Tráng Thị Lai bế con ra gặp và rưng rưng nước mắt nói lời cảm ơn. Bế em bé trên tay, chị Tâm thấy niềm hạnh phúc trào dâng, bởi sau thiên tai, thôn Nậm Tông đã bắt đầu nhịp sống mới, những đôi trẻ nên duyên, nhiều em bé chào đời bình an, mạnh khỏe, tất cả là minh chứng sống động của sự hồi sinh.
Những ngày tết Nguyên đán Ất Tỵ, thôn Nậm Tông khoác lên mình chiếc áo mới với niềm tin về cuộc sống ấm no, đủ đầy. Trước đó, để người dân Nậm Tông đón tết ấm áp hơn, cán bộ và Nhân dân xã Nậm Lúc đã chung tay mua hoa, cây cảnh mang đến khu tái định cư cùng gieo những mầm xanh hy vọng. Hôm đó, bác sỹ Sin Thị Tâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc cũng tự tay trồng những bầu hoa dừa cạn trên vùng đất mới.
Trên con đường rải thảm bê tông đến thôn Nậm Tông, nắng buông vàng như tơ, những khóm hoa được cán bộ, Nhân dân xã Nậm Lúc chung tay trồng trước sân đã đua nhau khoe sắc. Theo lời mời dành cho khách quý của bà con ngày đầu năm, bác sỹ Tâm đến bản cùng bà con đón mừng năm mới. Trong ân tình sâu nặng, trái tim bác sỹ bỗng thôi thúc nhịp đập rộn ràng, đó là nhịp của tình yêu, hạnh phúc, ngọt ngào được chảy từ huyết quản người thầy thuốc vùng cao.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bac-sy-cua-ban-post397011.html