Bác sỹ Đỗ Văn Chiến: Quyết tâm và trách nhiệm hướng về bệnh nhân Covid-19
Bác sỹ CKI Đỗ Văn Chiến (40 tuổi, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng) được Sở Y tế tỉnh điều động về Đạ Tẻh hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Đến nay, bác sỹ Đỗ Văn Chiến cùng đồng nghiệp đã giúp cho nhiều bệnh nhân hoàn thành điều trị ra viện. PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn bác sỹ Đỗ Văn Chiến vừa hoàn thành nhiệm vụ tại Đạ Tẻh.
* PV: Thưa bác sỹ! Xin anh chia sẻ giây phút nhận quyết định điều động về Đạ Tẻh để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 như thế nào?
- Bác sỹ Đỗ Văn Chiến: Chiều tối 3/7, trong lúc tôi và đồng nghiệp đang trao đổi về phim X-quang của bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng thì một cuộc điện thoại cắt ngang cuộc trao đổi. Đó là cuộc điện thoại của bác sỹ Lê Văn Tiến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nội dung chỉ vỏn vẹn mấy từ thôi: “Bệnh nhân diễn tiến nặng, em chuẩn bị sáng sớm mai đi tăng cường Đạ Tẻh nhé”. Là một thành viên trong đội phản ứng nhanh phòng chống Covid-19 của bệnh viện, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà không một chút do dự nào, chỉ có băn khoăn đó là tôi không biết phải nói thế nào để cho hai con tôi hiểu thế nào là Covid-19, thế nào là “tăng cường” vì bé trai mới 6 tuổi và cô công chúa nhỏ mới 7 tháng tuổi.
Sáng sớm 4/7, tôi không kịp chào vợ và hai con vì mọi người đang còn ngủ, hành trang mà tôi mang theo chỉ là một chiếc ba lô nhỏ nhưng với một tinh thần quyết tâm, một trách nhiệm của người bác sĩ hướng về bệnh nhân.
Trên xe cùng tôi là bác sỹ Phùng Xuân Bách - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng và anh Phan Quốc Bảo - Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc có nhiều năm kinh nghiệm, đã từng chăm sóc những bệnh nhân trong các đợt dịch H5N1, H1N1...
Trên đường về Đạ Tẻh, điện thoại tôi luôn nhận được những lời động viên, chia sẻ của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh, những thông tin, diễn biến của bệnh nhân tại khu điều trị tại Đạ Tẻh. Điện thoại của bác sĩ Bách cũng liên tục được cập nhật về số ca F1, F2 đã được xét nghiệm..., tiếng còi xe cứu thương xen lẫn những tiếng đồng nghiệp báo cáo về tình hình dịch Covid-19 tại điểm nóng thôn Phú Hòa (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh).
Đến nơi, tôi không kịp đọc nội dung quyết định mà anh Trần Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh đưa cho tôi, bước vội vào Huyện ủy Đạ Tẻh, nơi lãnh đạo huyện đang họp khẩn để đưa ra các chỉ đạo, phân công cho công tác phòng chống dịch. Tại đây, tôi cùng lãnh đạo địa phương có cuộc trao đổi thật ngắn và cùng nhau vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của huyện.
Khu điều trị cách trung tâm huyện khoảng 10 km, vẫn còn một số anh em đang làm một vài công việc cuối để hoàn thiện khu điều trị trên tinh thần khẩn trương giữa cái nắng mùa hè của Đạ Tẻh.
* PV: Những ngày “chiến đấu” trong khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 ra sao thưa bác sỹ?
- Bác sỹ Đỗ Văn Chiến: Ngay khi đến khu điều trị, chúng tôi khẩn trương mặc đồ bảo hộ và vào khu điều trị trao đổi chuyên môn với bác sỹ Lan Hương và điều dưỡng Long đang trực tại đây. Sau khi nắm bắt tình hình, tôi cùng bác sỹ Hương, điều dưỡng Quốc và điều dưỡng Long đã lên thăm khám lại cho từng bệnh nhân và đặc biệt quan tâm đến bệnh nhân có diễn tiến viêm phổi. Chúng tôi đã trao đổi chuyên môn với lãnh đạo Sở Y tế, trao đổi với Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh về những trang thiết bị y tế cần thiết cho khu điều trị...
Tôi hiểu đây là những bệnh nhân đầu tiên của Lâm Đồng, lại điều trị mà không có người thân ở bên để chăm sóc, chia sẻ nên tâm lý bệnh nhân rất hoang mang, lo sợ. Chính vì vậy, các bác sỹ, điều dưỡng lúc này cũng chính là người thân của họ, thay người thân họ an ủi, chia sẻ những khó khăn của bệnh nhân, hỗ trợ cho bệnh nhân những vật dụng cá nhân và điều chỉnh chế độ ăn cho phù với với từng bệnh nhân.
Những ngày tiếp theo là cả một hành trình dài với nhóm điều trị chúng tôi. Trong bộ đồ bảo hộ kín và cái nắng mùa hè của Đạ Tẻh, các bệnh nhân diễn biến khác nhau được chia thành từng nhóm bệnh nhân để tiện việc theo dõi, điều trị. Đặc biệt, trường hợp bệnh nhân viêm phổi có biểu hiện suy hô hấp, chúng tôi phải theo dõi từng diễn biến bệnh kết hợp với trang thiết bị, thuốc sẵn có để kịp thời xử trí những bất thường của bệnh nhân, có những xét nghiệm chúng tôi phải gửi lên Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng ngay trong đêm để phục vụ cho công tác theo dõi và điều trị bệnh. Cũng nhờ vậy mà các bệnh nhân dần ổn định, từ ngày thứ 7, các triệu chứng bệnh dần thuyên giảm.
Sau 17 ngày điều trị, hai bệnh nhân Covid-19 đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 và 1 ngày sau đó bệnh nhân được xét nghiệm âm tính lần 2, đủ tiêu chuẩn để xuất viện về nhà cách ly theo quy định. Để chuẩn bị ra viện, hai bệnh nhân này đã được chúng tôi tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng, cách tự chăm sóc và theo dõi trong quá trình tự cách ly tại nhà. Hai bệnh nhân đã rất vui và bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự chăm sóc, điều trị tận tình của bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý trong suốt quá trình điều trị, điều đó làm cho chúng tôi cảm thấy thật vui, hạnh phúc.
* PV: Bác sĩ có thể cho biết kết quả bước đầu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Đạ Tẻh và một số kinh nghiệm?
- Bác sỹ Đỗ Văn Chiến: Đến nay, đã có 7/9 bệnh nhân Covid-19 trong khu điều trị đã được xuất viện để tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong suốt quá trình điều trị, chúng tôi đã luôn cập nhật phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế. Các bệnh nhân được theo dõi theo từng nhóm mức độ lâm sàng, để kịp thời xử trí không để bệnh nhân diễn tiến nặng, đề xuất chế độ ăn phù hợp cho từng bệnh nhân nhằm nâng cao sức khỏe, xem bệnh nhân là người thân của mình để kịp thời động viên, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân, cùng họ vượt qua những khó khăn trong suốt quá trình điều trị.
Xuyên suốt quá trình điều trị, mặc dù đơn vị điều trị ở xa trung tâm huyện, một số trang thiết bị, xét nghiệm còn thiếu nhưng đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng luôn nhận được sự chỉ đạo chuyên môn của Sở Y tế, sự động viên cả về tinh thần và vật chất của Huyện ủy, UBND, các đoàn thể của huyện, sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế Đạ Tẻh về trang thiết bị, thuốc...
* PV: Bác sĩ chia sẻ cảm xúc như thế nào khi hoàn thành nhiệm vụ nơi đây và những dự định tiếp theo?
- Bác sỹ Đỗ Văn Chiến: Sau hơn 20 ngày cùng nhóm điều trị Covid-19 tại Đạ Tẻh, ngày 26/7, chúng tôi đã về Đà Lạt cách ly theo đúng quy định để tiếp tục trở lại công việc tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc từ ngày 9/8. Tôi cảm giác rất vui vì các bệnh nhân Covid-19 đã không có những biến chứng nặng và dần hồi phục sức khỏe để đủ tiêu chuẩn xuất viện, vui vì được trở về với gia đình thân yêu, và vui khi nhớ những ngày cùng nhóm điều trị đã trải qua những khó khăn cùng bệnh nhân vượt qua đại dịch Covid-19. Hiện tại, trong chùm ca bệnh Covid-19 của Đạ Tẻh chỉ còn 1 bệnh nhân đang điều trị tại đây. Tôi vẫn trao đổi chuyên môn qua điện thoại với đồng nghiệp ở Đạ Tẻh, cập nhật tình hình về ca bệnh Covid-19 cuối cùng ở đây đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Sau đợt điều trị cho bệnh nhân Covid-19, tôi lại tiếp tục công việc điều trị cho những bệnh nhân trong Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và cùng đồng nghiệp góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch. Hết đợt cách ly và khi được trở về nhà, cô công chúa bé nhỏ của tôi đã hơn 8 tháng tuổi không thể biết được ba đã đi bao nhiêu ngày và con trai tôi chuẩn bị hành trang vào lớp 1, tôi mong ước bình dị như hàng triệu người dân Việt Nam về một xã hội bình thường mới, để được cùng con dự khai giảng năm học mới với hàng triệu học sinh trong cả nước, để không còn ai phải cách ly, chia lìa vì Covid-19.