Bác sỹ được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp nào?

Xin hỏi, theo quy định của pháp luật hiện hành, Bác sỹ được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp nào? – Câu hỏi của bạn Khánh Phúc (Ninh Bình).

Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Bác sĩ được từ chối khám chữa bệnh trong trường hợp nào?

Căn cứ vào Điều 40 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh như sau:

Điều 40. Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh

Người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:

1. Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;

2. Việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp;

3. Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi;

4. Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật;

5. Người bệnh, người đại diện của người bệnh quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 15 của Luật này không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Như vậy, theo quy định trên thì bác sỹ có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau:

- Nếu tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của mình hoặc không nằm trong phạm vi hành nghề, nhưng người hành nghề phải giới thiệu người bệnh đến cơ sở hoặc người hành nghề khác phù hợp.

Trong khi đó, người hành nghề vẫn phải thực hiện sơ cứu, cấp cứu, theo dõi và chăm sóc người bệnh cho đến khi người bệnh được tiếp nhận hoặc chuyển đến nơi khác.

- Khi việc khám chữa bệnh trái với quy định pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

- Khi người bệnh hoặc người nhà của họ có hành vi xâm hại đến thân thể, sức khỏe hoặc tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người bệnh bị bệnh tâm thần hoặc bệnh không làm chủ được hành vi.

- Khi người bệnh yêu cầu phương pháp khám chữa bệnh không đúng quy định chuyên môn kỹ thuật.

- Khi người đại diện của người bệnh không tuân thủ chỉ định chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được tư vấn và thuyết phục, và việc không tuân thủ này có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe hoặc tính mạng của người bệnh.

 Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Giấy phép hành nghề của bác sĩ có hiệu lực trong bao lâu?

Căn cứ vào khoản 2 Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về giấy phép hành nghề như sau:

Điều 72. Giấy phép hành nghề

1. Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 1 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc.

2. Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm.

3. Nội dung của giấy phép hành nghề bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:

a) Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với người hành nghề Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với người hành nghề nước ngoài;

b) Chức danh chuyên môn;

c) Phạm vi hành nghề;

d) Thời hạn của giấy phép hành nghề.

.....

Như vậy, theo quy định trên thì giấy phép hành nghề của bác sỹ có hiệu lực trong 5 năm.

Thái Yến

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bac-sy-duoc-tu-choi-kham-benh-chua-benh-trong-truong-hop-nao-post399781.html