Bác sỹ gây mê hồi sức, người thầm lặng bên những ca phẫu thuật

BHG - Nói về sự thành công của mỗi ca mổ, phẫu thuật tại các bệnh viện, chúng ta hay nhắc đến các bác sỹ trực tiếp mổ, phẫu thuật. Nhưng có những bác sỹ âm thầm, rất ít người biết tới vai trò của họ, song lại góp phần cực kỳ quan trọng trong các ca mổ, đó là các bác sỹ gây mê hồi sức (GMHS).

Không ít bệnh nhân còn lạ lẫm khi trước ca phẫu thuật, có một bác sỹ âm thầm kiểm tra, xem xét tình trạng bệnh nhân về các điều kiện đáp ứng cho gây mê, gây tê. Qua đó, để đảm bảo cho các ca phẫu thuật, ca mổ được tiến hành thuận lợi, đó chính là những bác sỹ GMHS. Qua tìm hiểu được biết, gây mê, gây tê là một trong những biện pháp không thể thiếu để làm nên thành công của mỗi ca mổ, phẫu thuật cần đến biện pháp này.

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đức Minh thực hiện gây tê tủy sống cho bệnh nhân trước ca phẫu thuật.

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đức Minh thực hiện gây tê tủy sống cho bệnh nhân trước ca phẫu thuật.

Bác sỹ chuyên khoa I GMHS, Nguyễn Xuân Thanh, thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Minh cho biết, anh có 22 năm làm GMHS ở 3 bệnh viện khác nhau trong tỉnh. Để có một ca phẫu thuật thành công, có vai trò không thể thiếu của quy trình gây mê hoặc gây tê. Quy trình này là quy trình nghiêm ngặt, bởi nó là một trong những yếu tố quyết định thành công của ca phẫu thuật. Đồng thời, nó là một việc làm hết sức nhân văn, giảm thiểu sự đau đớn cho bệnh nhân. Trước, trong và sau mỗi ca phẫu thuật, vai trò của các bác sỹ, kỹ thuật viên gây mê là rất quan trọng, bác sỹ gây mê phải đồng hành sát sao với các bác sỹ phẫu thuật, mổ và sau các ca mổ, phẫu thuật họ vẫn phải tiếp tục theo dõi sự hồi phục của người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân liên quan đến giảm đau. Từ đó, đảm bảo cho quá trình phẫu thuật diễn ra an toàn, người bệnh có thể bình phục sớm nhất sau phẫu thuật.

Theo các chuyên gia y tế, GMHS quyết định 50% sự thành công trong các ca phẫu thuật. Vì thế, ở các bệnh viện trong tỉnh hiện nay đều có bác sỹ GMHS. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện có 6 bác sỹ GMHS, ở Bệnh viện Đa khoa Đức Minh thành phố Hà Giang cũng có 2 bác sỹ GMHS… Ngoài ra, còn có đội ngũ kỹ thuật viên phụ mê, hỗ trợ các bác sỹ GMHS. Khi các bệnh viện ngày càng mở rộng ứng dụng các phương pháp phẫu thuật, vai trò của các bác sỹ GMHS lại càng quan trọng.

Một ca mổ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh có vai trò song hành của bác sỹ gây mê hồi sức.

Một ca mổ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh có vai trò song hành của bác sỹ gây mê hồi sức.

Trao đổi với bác sỹ chuyên khoa I GMHS Mai Ngọc Anh, Khoa Phẫu thuật GMHS, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh cho biết, thực tế bệnh nhân và người ngoài ngành y tế thường ít biết đến vai trò của bác sỹ GMHS, bởi thời gian tiếp xúc ngắn. Nhiệm vụ của bác sỹ GMHS là phải làm sao đảm bảo để bệnh nhân có thể trạng tốt nhất trước, trong và sau các ca mổ. Đó là việc luôn phải theo dõi, nỗ lực duy trì các chỉ số sinh tồn ổn định, giúp các y, bác sỹ có điều kiện thực hiện phẫu thuật tốt nhất cho bệnh nhân. Bởi, chỉ có tạo cho bệnh nhân cảm thấy yên tâm, không đau đớn, ở thể trạng ổn định, giãn và mềm cơ mới có thể giúp các y, bác sỹ phẫu thuật tốt nhất.

Theo các y, bác sỹ có nhiều năm kinh nghiệm về GMHS, trong các ca mổ cấp cứu nặng, những ca mổ có yếu tố nguy cơ về tim mạch, hô hấp…, luôn đòi hỏi kinh nghiệm, sự tập trung của bác sỹ GMHS để đảm bảo ca mổ an toàn. Có những ca bệnh gặp khó khăn cho việc gây mê nội khí quản như trường hợp bệnh nhân sẹo dính cổ, béo phì, cổ ngắn, hệ vận động cổ kém… Hoặc có những trường hợp sốc phản vệ, ngừng tuần hoàn, những trường hợp cấp cứu nặng khác, do đó cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa bác sỹ GMHS và bác sỹ phẫu thuật để giải quyết tốt các tình huống khó có thể phát sinh trong các ca phẫu thuật.

Hiện nay, các phương pháp gây mê, tê thường được áp dụng, như: Gây mê nội khí quản, mê tĩnh mạch, mát thanh quản, gây mê phục vụ khám nội soi; gây tê tủy sống, gây tê đám rối, gây tê vùng, giảm đau trong đẻ và các thủ thuật khác. Để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, thời gian qua nhiều bác sỹ GMHS ở một số bệnh viện còn được đào tạo, bồi dưỡng về giảm đau sau mổ, đem đến sự thoải mái nhất cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong các ca phẫu thuật có những khó khăn có thể gặp phải đối với các bác sỹ GMHS, đó là việc phản ứng với thuốc mê, thuốc tê và thậm chí là bệnh nhân dị ứng với găng tay của bác sỹ. Bác sỹ chuyên khoa I, Trưởng Khoa Phẫu thuật GMHS, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đỗ Văn Tuyến, người có 28 năm thâm niên với công việc GMHS cho biết: Trong những ca phẫu thuật, có trường hợp sốc, phản ứng với thuốc mê, thuốc tê, điều này nếu không lường trước sẽ khó để phát hiện trong quá trình phẫu thuật. Vì thế, trước mỗi ca phẫu thuật, bác sỹ GMHS sẽ phải khám, sàng lọc kỹ những bệnh nhân có tiền sử với dị ứng, đồng thời luôn phải chuẩn bị các phương án sẵn sàng giải quyết những vấn đề có thể phát sinh.

Để biết rõ về vai trò của bác sỹ GMHS, chúng tôi có dịp trực tiếp quan sát một ca mổ u sơ tuyến tiền liệt cho bệnh nhân Lý.T.K, dân tộc Dao, trú tại huyện Quản Bạ, do thầy thuốc Nhân dân Trần Đức Quý thực hiện. Song hành cùng bác sỹ Quý trong ca mổ còn có bác sỹ GMHS Nguyễn Xuân Thanh và cộng sự tại Bệnh viện Đa khoa Đức Minh trong việc duy trì các chỉ số, điều kiện của bệnh nhân phục vụ cho ca mổ. Ca mổ thành công, bệnh nhân trước, trong và sau ca mổ trong trạng thái thoải mái, đặc biệt là việc giảm đau sau mổ, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Qua đó, thấy được vai trò quan trọng và sự thầm lặng của đội ngũ y, bác sỹ GMHS với công việc.

Bài, ảnh: Huy Toán

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202407/bac-sy-gay-me-hoi-suc-nguoi-tham-lang-ben-nhung-ca-phau-thuat-7f56f2c/