Bác sỹ Hà Tĩnh cảnh báo những nguy hiểm do say nắng, sốc nhiệt
Theo các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, say nắng có thể gây đột quỵ và nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tử vong.
Hiện nay, Hà Tĩnh đang phải đối mặt với đợt nắng nóng trên diện rộng và kéo dài. Nhiệt độ cao nhất ở các khu vực phổ biến 37 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Điều này, không chỉ gây khó khăn trong sản xuất, kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là nguy cơ xảy ra say nóng, say nắng và sốc nhiệt.
Bác sỹ Nguyễn Sỹ Trình - Phó Trưởng khoa Cấp cứu - chống độc (BVĐK tỉnh) cho biết: “Say nắng dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Khi bị sốc nhiệt do say nắng, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp, buồn nôn… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, hôn mê… Say nắng có khả năng dẫn đến đột quỵ và nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong”.
Trên thực tế, trong các đợt nắng nóng kéo dài vừa qua, các cơ sở y tế đều tiếp nhận các trường hợp bị say nóng, say nắng và kiệt sức do làm việc dưới thời tiết nắng nóng.
Theo thông tin từ BVĐK tỉnh, từ đầu tháng 6 đến nay, Khoa Cấp cứu - chống độc đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị say nóng, say nắng ở mức độ nhẹ với các triệu chứng như: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... Hầu hết các bệnh nhân này đều làm việc ngoài trời trong thời gian dài. Bên cạnh các trường hợp nhẹ, bệnh viện cũng đã tiếp nhận một số trường hợp diễn biến nặng.
Trong đó, một bệnh nhân ở xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) bị sốc nhiệt khi đi làm nhưng không được cấp cứu kịp thời nên dẫn đến bị đột quỵ. Hiện nay, sau khi được các bác sỹ BVĐK tỉnh cấp cứu, điều trị tích cực, bệnh nhân đã dần hồi phục ý thức.
Một trường hợp khác ở huyện Hương Khê, bị say nắng dẫn đến sốc nhiệt nặng, khi vào cấp cứu tại bệnh viện đã xuất hiện các triệu chứng như: hôn mê sâu, suy đa tạng và phải thở máy. Diễn biến bệnh rất nặng nên BVĐK tỉnh đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để được điều trị kịp thời.
"Trong khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu. Do đó, khi cấp cứu say nắng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường. Khi gặp người bị say nắng, say nóng, chúng ta phải ngay lập tức đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí, đồng thời gọi hỗ trợ. Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể như: cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân, sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi; đắp khăn lạnh, hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ. Cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được” - bác sỹ Nguyễn Sỹ Trình lưu ý.
Để phòng tránh nguy cơ xảy ra say nắng, sốc nhiệt, các bác sỹ khuyến cáo, người dân chú ý sắp xếp không gian nhà ở, nơi làm việc đảm bảo thoáng mát. Khi làm việc nên sử dụng quần áo bảo hộ lao động, mũ, găng tay, kính râm, mặc quần áo rộng, dễ thấm mồ hôi. Nếu phải lao động ngoài trời, cần điều chỉnh giờ làm việc hợp lý, tránh lao động nặng lúc nắng nóng đỉnh điểm, tác động bất lợi đến sức khỏe.
Người đang ở trong môi trường điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài. Thường xuyên bổ sung đủ nước, thực hiện ăn chín, uống sôi, thức ăn dạng lỏng, mềm, hạn chế đồ cay, nóng, dầu mỡ. Những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn.