Bác sỹ Hà Tĩnh hướng dẫn tập luyện thể thao đúng cách mùa nắng nóng
Tập luyện thể dục thể thao quá sức, không đúng cách trong những ngày nắng nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ở Hà Tĩnh, người chơi thể thao càng phải cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe.
Anh Lê Hải Phong (32 tuổi, ở TP Hà Tĩnh) là người có thói quen chơi thể thao thường xuyên với các môn vận động mạnh như bóng đá, bóng chuyền. Những ngày thời tiết Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt, sau mỗi trận đấu cuối chiều, anh Phong cùng đồng đội thường giải nhiệt bằng bia lạnh.
Tập luyện thể thao mùa nắng nóng cần lưu ý một số vấn đề để đảm bảo sức khỏe.
“Tuần trước, giải nhiệt bằng một chầu bia sau trận bóng đá xong thì mọi người lại thách nhau đấu tiếp bóng chuyền. Có chút men vào nên ai cũng hào hứng chấp nhận lời thách đấu, thế là chúng tôi đánh bóng đến tận đêm khuya. Nhưng sau những trận bóng liên tiếp, tôi có dấu hiệu kiệt sức, buồn nôn và chóng mặt. Sau lần đó, thật sự là cũng khá lo lắng và phải điều chỉnh chế độ tập luyện”.
Với người vận động thường xuyên như anh Phong còn gặp những vấn đề về sức khỏe khi tập luyện không đúng cách thì nguy cơ đối với người già, người ít vận động càng lớn.
Năm nay đã hơn 70 tuổi, ông Nguyễn Đình Lan (Lộc Hà – Hà Tĩnh) thường xuyên dậy sớm vì không ngủ được. Những ngày nắng nóng gần đây, ông lại càng thức giấc sớm hơn. 4h30, ông Lan và vợ đã cùng nhau ra công viên gần nhà để đi bộ và vận động nhẹ.
Người tập cần lựa chọn hình thức, thời gian và cường độ tập luyện vừa phải.
Thế nhưng, “mấy hôm dậy sớm hơn thường lệ, tôi lại thấy huyết áp tăng cao” – ông Lan cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, bác sỹ CKI Nguyễn Bá Trọng – Khoa Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Mệt mỏi khi luyện tập thể thao là trạng thái bình thường do cơ thể giảm sút tạm thời khả năng hoạt động thể lực. Hiện tượng này sẽ mất đi sau khi được nghỉ ngơi thích hợp. Tuy nhiên, luyện tập không đúng cách trong mùa nắng nóng có thể khiến cơ thể say nắng, sốc nhiệt, rối loạn thần kinh, điện giải...”.
Bác sỹ Trọng cũng cho biết, tập luyện trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cơ thể dễ gây mất nước, điện giải, nếu không được nghỉ, bù nước và dinh dưỡng đầy đủ, sẽ chuyển sang mệt mỏi quá sức, không thể hồi phục tự nhiên và gây ra những vấn đề nguy hiểm như đột quỵ…
Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng điều trị cho một bệnh nhân có triệu chứng sốc nhiệt.
Ở Hà Tĩnh đã từng ghi nhận những trường hợp đột quỵ khi tập luyện thể thao mùa nắng nóng, đặc biệt có những nạn nhân tuổi còn rất trẻ.
Theo số liệu báo cáo từ Khoa Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), thời điểm bước vào mùa nắng nóng năm nay, số lượng bệnh nhân điều trị tại khoa đã tăng khoảng 20%, trong đó có nhiều bệnh nhân bị sốc nhiệt, say nắng do làm việc hoặc luyện tập thể thao liên tục dưới nền nhiệt cao.
Để hạn chế, đề phòng các nguy cơ gây hại cho sức khỏe khi luyện tập thể thao mùa nắng nóng, bác sỹ Trọng khuyến cáo người dân nên tập luyện với thời gian, cường độ vừa phải. Tùy vào mức độ vận động của các môn thể thao khác nhau, nhưng thời gian khuyến cáo là khoảng 20 – 30 phút cho một lần tập; thời điểm tốt nhất là khoảng 5 - 6h sáng và buổi chiều muộn.
Người già, trẻ em, người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp... phải đặc biệt cẩn trọng khi tập luyện thể thao trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Đối với người già, trẻ em, người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp càng phải hạn chế tập luyện với cường độ cao, dưới trời nắng. Thay vào đó, ưu tiên các môn thể thao trong nhà như bóng bàn, bóng chuyền, Gym, Yoga…
Bên cạnh đó, người tập cần bổ sung nước, chất điện giải, dinh dưỡng đầy đủ trước, trong và sau quá trình tập luyện.
“Tuyệt đối không chơi thể thao, vận động mạnh sau khi sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…” – bác sỹ Trọng lưu ý.