Bác sỹ không chỉ chữa bệnh mà cần hướng thiện cho học viên cai nghiện
Với gần 30 năm tuổi nghề, y sỹ Nguyễn Thị Lý tâm niệm, với các học viên cai nghiện mình không chỉ có nhiệm vụ chữa bệnh, mà cần phải có phương pháp hướng thiện để họ nhận thức được sai lầm trong quá khứ, có ý thức tránh xa ma túy và làm lại cuộc đời.
Phải tạo được sự tin tưởng!
Y sỹ Nguyễn Thị Lý, SN 1973, cán bộ Phòng Y tế và phục hồi sức khỏe - Cơ sở Cai nghiện ma túy số 7, Hà Nội đã có thâm niên gần 30 năm trong nghề y. Tốt nghiệp trường Trung cấp Quân y 1 từ năm 1991, nhưng tới năm 2005 chị mới tham gia công tác cai nghiện ma túy cho người nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 cho đến ngày nay. Có chồng cũng công tác trong ngành thương binh xã hội, chị Lý càng thấu hiểu hơn những nỗi vất vả của nghề cũng như nỗi day dứt, niềm khát khao được trở lại xã hội sau khi từ bỏ được ma túy của các học viên cai nghiện. Chị cảm thấy quyết định chọn nghề của mình là hoàn toàn chính xác.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Lý không khỏi nghẹn ngào bởi học viên vào đây cai nghiện đều mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Có người không có mái ấm gia đình toàn vẹn, có người học hành tử tế, người có địa vị xã hội nhất định nhưng điểm chung của họ là đều lỡ sa ngã vào ma túy.
Các bệnh nhân là học viên cai nghiện luôn có những chiêu trò, mánh khóe như giả vờ ốm đau để trốn lao động hoặc trốn khỏi cơ sở. Y sĩ Nguyễn Thị Lý còn nhớ như in một trường hợp học viên nam cố tình giả vờ ốm ngất ở trong phòng, khi bác sĩ đến thấy trong miệng còn ngậm cả kem đánh răng, dù cấu hay véo tai vẫn không tỉnh. Đến khi bác sĩ tát vào mặt thì bất ngờ học viên này vùng dậy và chạy ra cửa đóng chốt cửa phòng lại. Chị phải nhờ sự trợ giúp của đồng nghiệp mới khống chế được học viên này khỏi bỏ trốn.
Ở trong môi trường đặc thù, học viên cũng đa dạng về thành phần, tuổi tác, trình độ xã hội nên các y bác sĩ tại cơ sở cũng cần có những phương pháp tiếp cận, điều trị và can thiệp phù hợp. Chị Lý kể, có những học viên trước đây cũng có tiền án, tiền sự hay lý lịch bất hảo nhưng khi tiếp xúc với họ, bản thân mình là nhân viên y tế cứ chọn cách nói chuyện nhẹ nhàng theo hướng tâm sự.
Cái chính là phải động viên tinh thần cho họ bằng cách xưng hô: Mẹ - con, cô – em để cho họ có niềm tin vào cuộc sống. Đồng thời, khi tạo được thiện cảm của họ, học viên sẽ coi mình như người nhà. Do đó, khi mình giảng giải bài học về cuộc sống, về tác hại của ma túy với con người cũng như các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy, học viên họ sẽ tiếp thu nhanh và dễ nhớ hơn.
"Lạt mềm buộc chặt"
“Tùy vào hoàn cảnh của từng học viên, tôi sẽ có cách tiếp cận riêng theo phương châm "lạt mềm buộc chặt". Cơ bản là mềm mỏng chứ không nên bực mình, cáu giận. Tuy nhiên, ở một số trường hợp cần phải cứng rắn thì mình phân tích phải có lý lẽ trên cơ sở nội quy quy định của cơ sở thì học viên mới nghe. Dù làm chuyên môn về y tế nhưng chúng tôi vẫn luôn đồng hành và giáo dục các bài học về giá trị sống cho các học viên.
Mỗi ngày mình đều mỉm cười và tâm sự với học viên về cuộc sống, gia đình, giá trị của sức lao động khiến cho học viên cảm thấy được tôn trọng. Khi đó, học viên sẽ nhìn thấy được những lỗi lầm của mình đã mắc trong quá khứ để tránh xa ma túy, không đi vào vết xe đổ trước đây. Ngoài ra, học viên được chúng tôi giải thích về tác hại của ma túy cũng như cách nhận biết chúng.
Câu chuyện về một nữ học viên mới 18 tuổi hỏi một câu rằng tại sao cháu mới chỉ dùng ma túy có một lần duy nhất mà đã bị nghiện và bị công an bắt. Tôi đã phân tích cho học viên đó sự nguy hại của ma túy cũng như quy định của pháp luật về việc cấm sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài ra, y bác sỹ chúng tôi cũng dạy cả cho học viên cách sử dụng bao cao su hay các biện pháp an toàn tình dục để phòng tránh lây nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm khác. Nhiệm vụ của mình không chỉ là chữa bệnh mà cần phải hướng thiện cho học viên”, y sỹ Lý chia sẻ.
Nữ y sỹ cũng tâm sự, vào làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy số 7 đã nhiều năm cũng là chừng ấy thời gian chị được tôi rèn, bồi dưỡng thêm nhiều kỹ năng, nhất là cách ứng xử và tiếp xúc với học viên. Mỗi học viên khi vào cai nghiện đều có những hoàn cảnh riêng, địa vị khác nhau nhưng bị sa ngã vào ma túy. Đó là “vết đen” của họ trong quá khứ, chính những cán bộ y bác sỹ như chị và các đồng nghiệp có nhiệm vụ phải định hướng tư tưởng đúng đắn trở lại để họ tỉnh ngộ và làm lại cuộc đời. Có như thế, mối quan hệ giữa cán bộ với học viên mới được duy trì.
Nhiều năm qua, khi trở về với xã hội, nhiều học viên vẫn gọi điện, nhắn tin hỏi thăm sức khỏe của các cán bộ, y bác sỹ tại cơ sở khiến chị Lý và các đồng nghiệp cảm thấy ấm lòng và thấy được ý nghĩa nhân văn của công việc mình đang làm.