Bác sỹ, thầy thuốc nhân dân Châu Đương với quyết tâm sớm chấm dứt bệnh lao
'Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững' là mục tiêu được Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk và cá nhân bác sỹ, thầy thuốc nhân dân Châu Đương, Giám đốc bệnh viện Lao Đắk Lắk hướng tới.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác phòng chống, nhưng bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
12 tuổi, nhưng Rmah HLia, dân tộc Jarrai, ở thôn Buôn Dang, xã EA’HLeo, huyện EA’HLeo, tỉnh Đắk Lắk đã phải nghỉ học từ 3 năm trước vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố em sinh năm 1980, nhưng đã mất vì bệnh Lao cách đây 3 năm. Mẹ em - người phụ nữ 46 tuổi phải một mình gánh vác, nuôi 7 đứa con, nên chị em của Rmah HLia đứa thì chưa từng đến trường, còn lại thì chỉ học đến lớp 3, lớp 4, lớp 5 thì nghỉ, ở nhà làm nương rẫy và đi làm mướn xa nhà để phụ giúp kinh tế gia đình. Hiện trong số chị em của Rmah HLia chỉ còn 1 đứa đang theo học lớp 4. Mới đây, được cán bộ y tế xã thông báo có buổi khám sàng lọc lao miễn phí, mẹ con em đã gác lại công việc nương rẫy, đến Nhà văn hóa Cộng đồng buôn Trang của xã để khám sàng lọc Lao miễn phí.
“Chồng mình ho lao, đi điều trị nhưng do hút thuốc, uống rượu lại nên đau lại, mất 3 năm rồi. Mình không đi khám, không có tiền, nhà khó khăn quá. Đến đây, người ta mời đến khám cho đỡ bệnh. Bác sỹ giúp đỡ cho mẹ con mình, mình cảm ơn”, chị Rmah H’ Phiar - mẹ Rmah HLia chia sẻ.
May mắn hơn, nhờ phát hiện bệnh lao và đang tiến triển trong điều trị. Thế nhưng, hơn ai hết, anh Nguyễn Hồng Dũng, ở thôn 4, xã EA’HLeo - bệnh nhân đang phải chiến đấu với căn bệnh này thấu hiểu được sự mệt mỏi, những cơn ho quặn thắt, thậm chí ho ra máu, những đêm dài không sao ngủ được khiến sức khỏe suy giảm, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng. Song, khi được hỏi mắc bệnh lao trong hoàn cảnh nào, anh Dũng đều lắc đầu không biết.
“Ho quá, có đờm tự mua thuốc uống tưởng bớt, cuối cùng trời chỉ hơi lạnh là ho quay lại. Khi nhiễm nặng quá tôi mới ra trạm xá thì được trạm xá giới thiệu lên huyện xét nghiệm đờm với chụp phim, xong họ báo về là bị lao phổi. Y tá của thôn cũng đến động viên, nói là siêng uống thuốc để nhanh hết bệnh. Lúc đó 51 kg xuống còn 42 kg, giờ thì lên được 47kg, có thuốc mấy tháng nay thì đỡ”, anh Dũng cho biết.
Mới đây, lần đầu tiên hơn 2.700 người dân, ở 6 xã của huyện EA’HLeo, tỉnh Đắk Lắk đã được tư vấn, khám sàng lọc và điều trị bệnh Lao miễn phí ngay tại cộng đồng thôn, bản của mình. Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI), thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bệnh viện phổi Đắk Lắk tổ chức.
Ông Rbum Y Punh (dân tộc Jarrai), ở buôn Sum Am xã EA’ HLeo chia sẻ, nhận được thông tin từ cán bộ y tế xã 2 ngày trước, 3 thành viên trong gia đình ông đã gác lại việc nương rẫy, đến để được thăm khám bệnh lao. Không chỉ được cấp phát thuốc miễn phí, các thành viên trong gia đình còn được tư vấn, chụp X.Quang, tiêm Mantoux để phát hiện sớm bệnh Lao tiềm ẩn và cách phòng chống.
“Tôi được chụp X-Quang, lấy mẫu máu và đờm để xét nghiệm xem có bệnh lao không. Bác sỹ dặn 2 ngày nữa đến trạm y tế xã lấy kết quả. Nếu có bệnh thì được hỗ trợ điều trị miễn phí. Ngoài ra, họ còn tuyên truyền về nhà phải vệ sinh nhà cửa, khu vực xung quanh sạch sẽ, ăn uống đúng bữa, đủ dinh dưỡng, làm việc điều độ và không rượu bia, thức đêm”, ông Rbum Y Punh nói.
Hiện nay bệnh lao vẫn đang là một trong những bệnh có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân Đắk Lắk. Tỷ lệ mắc bệnh lao toàn tỉnh vẫn ở mức 175 người/100.000 dân. Hiện vẫn còn nhiều bệnh nhân lao ở cộng đồng chưa được phát hiện, chưa được điều trị kịp thời.
Để phát hiện và dần tiến tới thanh toán, chấm dứt bệnh lao ở Đắk Lắk nói riêng, ở Việt Nam nói riêng vào năm 2030 theo cam kết quốc tế, công việc của những bác sỹ ngành lao còn ở phía trước. Trong đó, việc giữ chân bác sỹ có chuyên môn, yêu nghề, vì sức khỏe nhân dân mà tiếp tục công cuộc phòng chống lao là điều không dễ dàng. Việc này đang được bác sỹ, thầy thuốc nhân dân Châu Đương- Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk cùng đồng nghiệp và các cộng sự của mình kiên trì thực hiện.
“Bác sỹ Châu Đương là người tâm huyết, đặc biệt khi về phụ trách mảng lao, đã đưa chương trình này về tận cộng đồng như thế này thì nói chung là mến phục. Bác Đương làm Giám đốc Bệnh viện Phổi đã có chỉ đạo sâu sát với bệnh nhân nghèo, bệnh nhân ở tuyến xã muốn đi khám lao ở bệnh viện tỉnh, chỉ cần giấy giới thiệu của trạm y tế xã chuyển thẳng lên bệnh viện của tỉnh là được…thì sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm... Hộ nghèo thì được miễn phí. Bác là người đi từ cơ sở và nắm cơ sở rất vững”, bác sỹ Trần Văn Hiệu, trạm trưởng Trạm y tế xã EA’ HLeo cho hay.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình phòng, chống lao ở Việt Nam, ngành y tế Đắk Lắk nói chung, bác sỹ, thầy thuốc nhân dân Châu Đăng nói riêng đã và đang tăng cường thực hiện việc khám sàng lọc và điều trị tại cộng đồng. Công tác này cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều tổ chức cộng đồng trong và ngoài nước với quyết tâm sớm chấm dứt bệnh lao trong cộng đồng trong thời gian sớm nhất, đó cũng là mong mỏi lớn nhất của bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Châu Đương.
“Mình làm ở vị trí nào, bất cứ việc gì nhưng nếu nó mang lại hiệu quả cho cộng đồng thì đó là điều rất vinh dự cho bản thân. Tôi cũng mong là sẽ đem khả năng, năng lực, sức lực hiện có của mình góp một phần nào đó vào cho chương trình chống lao nói riêng, ngành y tế Đắk Lắk nói chung. Làm thế nào đó để cải thiện sức khỏe cho cộng đồng, nâng cao chất lượng sống và nâng cao tuổi thọ cho người dân Đắk Lắk để sớm chấm dứt bệnh lao trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”, bác sĩ Châu Đương nói.
Với những đóng góp và quyết tâm trong công tác phòng chống lao, bác sỹ, thầy thuốc nhân dân Châu Đương cùng đồng nghiệp và các cộng sự của mình quyết tâm để tỉnh Đắk Lắk có thể chấm dứt bệnh lao vào năm 2028, về đích trước 2 năm so với cam kết của Chính phủ Việt Nam với Tổ chức Y tế thế giới. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, rất cần sự chủ động và nâng cao ý thức phòng chống lao của mỗi người dân nói chung, bà con ở Đắk Lắk nói riêng./.