Bác sỹ trẻ cạo đầu vào tâm dịch Bắc Giang: 'Em khỏe lắm, để em tham gia đóng góp sức mình'
Đó là tâm sự của bác sỹ trẻ Đặng Minh Hiệu (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) khi đề nghị với đồng nghiệp mình để được vào 'điểm nóng' tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 29/5, hình ảnh chia sẻ về bác sỹ trẻ Đặng Minh Hiệu (sinh năm 1993, bác sỹ khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cạo sạch tóc để chuẩn bị cùng đồng nghiệp tiến vào vùng dịch Bắc Giang đã gây xúc động mạnh mẽ với đông đảo người dùng mạng xã hội.
Chia sẻ về quyết định cắt tóc, cạo trọc đầu trước khi lên đường đến tâm dịch Bắc Giang, bác sỹ Đặng Minh Hiệu chia sẻ: “Mình đã từng làm việc tại khu vực vùng đệm của bệnh viện, mang trên mình các trang phục bảo hộ kít mít 24/24h nên mình hiểu được sự bất tiện của nó. Khi biết tin sẽ công tác tại khu điều trị cho người bệnh COVID-19, mình muốn mình phải sạch sẽ nhất, thoải mái nhất, an toàn nhất, ít tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhất. Đó là cách để mình chuẩn bị tốt nhất cho công tác chuyên môn trong thời gian sắp tới tại tâm dịch”.
Và tối cùng ngày, bác sỹ Hiệu cùng hai đồng nghiệp là bác sỹ Huỳnh Phương Nguyệt Anh (sinh năm 1987) và dược sỹ Trương Văn Đạt (sinh năm 1988) đã lên đường tiến về Bắc Giang chuẩn bị cho những ngày chung sức cùng ngành y tế địa phương này chống dịch.
Dịp này, các thầy thuốc trẻ cũng mang theo các vật phẩm thiết thực để trao tặng Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Dã chiến tỉnh Bắc Giang phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trang thiết bị y tế gồm 6.000 khẩu trang N95, 2.000 kit test nhanh SARS-CoV-2 do Tập đoàn Đầu tư tài chính Green+ tài trợ.
ThS. Trương Văn Đạt – Bí thư Đoàn Trường Đại học Y dược TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM cho biết, khi vận động, kêu gọi quyên góp ủng hộ cho các mặt trận chống dịch, đã có rất nhiều Mạnh thường quân sẵn sàng hăng hái hỗ trợ mọi nguồn lực. Điều họ cần là niềm tin và cái tâm của đơn vị tiếp nhận. Nhờ đó đã thực hiện được rất nhiều chương trình thiện nguyện, công tác xã hội có ý nghĩa, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, góp phần đáng kể vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cùng với đó, sự tham gia đồng hành của các y bác sỹ đóng vai trò rất quan trọng, vì chính đội ngũ này là những người thực hiện, triển khai cũng như chuyển tải sự hỗ trợ của Mạnh thường quân đến người dân.
Theo anh Đạt, các bạn trẻ đa số đều bận bịu với công việc chuyên môn, phải làm thêm để trang trải cuộc sống,… Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bạn trẻ đã không ngại khó khăn xung phong đồng hành cùng với tổ chức Đoàn trong rất nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện, phong trào.
ThS. Trương Văn Đạt chia sẻ lại lời bác sỹ Đặng Minh Hiệu nói với anh trước giờ lên đường đến tâm dịch: “Em thật sự muốn đóng góp sức mình. Em khỏe lắm. Thấy nhiều bác sỹ, nhân viên y tế quá vất vả, anh có thể hỗ trợ để em tham gia”. Còn bác sỹ Nguyệt Anh thì trả lời phát một “Đồng ý luôn” khi nhận cuộc gọi đề nghị tham gia tổ công tác vào tâm dịch lần này.
“Bác sỹ Hiệu, bác sỹ Nguyệt Anh là hai thầy thuốc trẻ đã thôi thúc cũng như tạo cho tôi một niềm tin về ý chí và tinh thần xung kích của người trẻ”, anh Trương Văn Đạt khẳng định.
Trong thời gian tới, Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM và Đoàn Trường Đại học Y dược TPHCM sẽ tiếp tục vận động và hỗ trợ các bác sỹ xung phong, tình nguyện hỗ trợ Bắc Giang. Dự kiến sẽ có thêm 10 bác sỹ và 20 điều dưỡng tham gia trong đợt tới.
Những ngày qua, Bắc Giang trải qua một cuộc chiến thật sự với đại dịch COVID-19. Đợt bùng phát dịch xảy ra trong các khu công nghiệp lớn khiến cho công tác dập dịch cam go hơn bao giờ hết. Số ca nhiễm tại Bắc Giang tăng cao chóng mặt, lây lan nhanh. Cùng lúc xuất hiện nhiều ổ dịch COVID-19, trong đó có 2 ổ dịch tại Khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu - nơi có hơn 100.000 công nhân. Lực lượng tuyến đầu có nhiều đêm thức trắng chạy đua với thời gian; việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh nghiệm, nhân lực và vật tư y tế.