Bác sỹ trẻ lấp những 'khoảng trống nhân lực' ở vùng cao Nghệ An
Tính đến nay, y tế tuyến xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới có 361/460 (78%) xã có bác sỹ bền vững, đang thiếu 99 bác sỹ để đạt 100% xã có bác sỹ bền vững làm việc.
Hiện nay, tại tỉnh Nghệ An đã có sự chuyển dịch tích cực trong việc lựa chọn đơn vị dự tuyển của các bác sỹ mới ra trường giữa các tuyến tỉnh, huyện, xã nhưng sự thay đổi đó đang còn thấp.
Đặc biệt, tại các huyện miền núi, nhiều đơn vị thông báo tuyển dụng bác sỹ 2-3 lần nhưng không có hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Ông Trần Minh Tuệ - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế về công tác đào tạo nhân lực y tế toàn tỉnh với thuận lợi và khó khăn.
5 năm: Chỉ tuyển được 17 bác sỹ
Phân tích về công tác y tế tại tỉnh Nghệ An, ông Tuệ cho hay hệ thống y tế công lập của toàn tỉnh thống nhất từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn, bên cạnh đó hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đứng thứ ba của cả nước (sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).
Tại tỉnh Nghệ An hiện có 13 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 trung tâm y tế tuyến tỉnh làm nhiệm vụ y tế dự phòng, 460 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 15 bệnh viện tư nhân, 3.000 cơ sở khám chữa bệnh hành nghề y dược tư nhân.
Đáng lưu ý lực lượng bác sỹ, dược sỹ đại học và sau đại học vẫn tiếp tục thiếu tại các đơn vị đóng trên vùng miền núi, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Đặc biệt, tại nhiều trạm y tế, đơn vị đặc thù vẫn khó tiếp nhận nguồn nhân lực là các y bác sỹ. Nhiều đơn vị, cơ sở y tế tại các huyện vùng núi khó khăn thông báo tuyển dụng bác sỹ 2-3 lần nhưng không có hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Tính đến nay, y tế tuyến xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới có 361/460 (78%) xã có bác sỹ bền vững, đang thiếu 99 bác sỹ để đạt 100% xã có bác sỹ bền vững làm việc.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An Trần Minh Tuệ, từ năm 2015 đến 2019 trên địa bàn tỉnh chỉ tuyển dụng được 17 bác sỹ (chiếm 2%) làm việc tại tuyến xã, trong tổng bác sỹ được tuyển dụng trong toàn tỉnh, trong khi đó có 30 bác sỹ nghỉ việc (trung bình mỗi năm có gần 6 bác sỹ nghỉ việc tại y tế tuyến cơ sở.
Những đơn vị đóng trên các huyện miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đơn vị đặc thù, tuyến trạm y tế xã, phường, thị trấn đang gặp nhiều khó khăn trong việc bổ sung nguồn bác sỹ, dược sỹ đại học, sau đại học cũng như nâng cao trình độ chuyên môn do điều kiện vật chất, môi trường làm việc khó khăn, vất vả, thu nhập thấp.
Nguyên nhân là do nhiều cơ sở y tế tuyến cơ sở có nguồn thu thấp dẫn đến đời sống của y bác sỹ, dược sỹ gặp rất nhiều khó khăn cần có một chính sách thích hợp, hấp dẫn để thu hút, hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sỹ công tác tại các đơn vị là cần thiết, phù hợp với điều kiện phát triển ngành y tế hiện nay. Vì vậy, nguồn nhân lực bổ sung tại tuyến cơ sở hiện nay được bổ sung chủ yếu từ đào tạo liên thông, hợp đồng bác sỹ đã nghỉ hưu.
Đổi thay dịch vụ chất lượng ở tuyến huyện
Ngày 10-11/3, đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc tại Trung tâm y tế huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) nhằm đánh giá hoạt động bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn (Dự án 585) và rà soát tiếp nhận bác sỹ trẻ tình nguyện đủ tiêu chuẩn tham gia dự án 585 trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại buổi làm việc Phó giáo sư Nguyễn Vũ Trung - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Phó Giám đốc Dự án 585 nhấn mạnh việc nâng cao trình độ cán bộ y tế tuyến huyện, đặc biệt là các huyện vùng núi và khó khăn là nhiệm vụ của ngành y tế. Việc nâng cao chất lượng y tế tuyến tuyến huyện khi triển khai được các kỹ thuật cao sẽ giúp nhân dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng ngay tại nơi sinh sống, như vậy mặt khác cũng sẽ giúp giảm tải cho tuyến trên.
Trước tình hình thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao tại các huyện khó khăn trên địa bàn, tỉnh Nghệ An đã được thụ hưởng Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.”
Tính đến nay, tỉnh Nghệ An có 11 bác sỹ trẻ được tham gia dự án, trong đó có 4 bác sỹ chuyên ngành xét nghiệm, ngoại khoa, nội khoa, sản khoa được tuyển dụng vào các bệnh viện Trung ương về công tác tại các huyện nghèo, huyện Tương Dương (2 người), huyện Quế Phong (1 người), huyện Quỳ Châu (1 người). Có 7 bác sỹ trẻ là người địa phương được cử đi học chuyên khoa 1 (Trung tâm y tế huyện Tương Dương: 2 người, huyện Quế Phong: 1 người, Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu: 1 người, Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn: 3 người.
Tương Dương - là một trong 62 huyện nghèo tỉnh Nghệ An và của cả nước gồm có 7 dân tộc khác nhau (Thái, H’ Mông, Ơ Đu, Tày Pojoong, Khơ Mú, Đan Lai, Kinh), giao thông đi lại khó khăn.
Ông Trần Văn Công - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương phân tích thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiên tai diễn biến thất thường, dịch bệnh ngày càng tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát, cấu trúc bệnh ngày càng biến đổi là những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ tại cơ sở vừa thiếu, vừa yếu đăc biệt là thiếu bác sỹ chuyên khoa, kỹ thuật viên.
Thời gian qua, Trung tâm y tế huyện Tương Dương đã có 4 bác sỹ của Dự án 585 về làm việc, trong đó có 2 bác sỹ từ địa phương cử đi đào tạo tiếp nhận 2 bác sỹ trẻ về tình nguyện tại đơn vị (từ ngày 15/02/2019 và ngày 15/1/2020. Các bác sỹ trẻ tham gia làm việc, sinh hoạt tại khoa, trực chuyên môn, trực tiếp khám chữa bệnh, tham gia hỗ trợ cấp cứu và triển khai các kỹ thuật chuyên môn được đào tạo. Các bác sỹ trẻ đã tham gia hỗ trợ các bác sỹ tại bệnh viện cập nhật kiến thức về chuyên môn mới thông qua các buổi đi buồng bệnh tại khoa.
Đội ngũ bác sỹ trẻ tham gia dự án đã áp dụng các kiến thức chuyên môn được đào tạo, cập nhật vào khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh tại đơn vị công tác, tạo điều kiện cho nhân dân các huyện nghèo được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới như thực hiện các kỹ thuật cao trong xét nghiệm, mổ nội soi…
Bác sỹ trẻ Phạm Thị Xoan sau hơn 1 năm về công tác tại Trung tâm y tế huyện Tương Dương đã làm được 84 kỹ thuật, trong đó chuyển giao cho đơn vị: 11 kỹ thuật, thực hiện theo phân tuyến: 46 kỹ thuật, thực hiện theo chương trình đào tạo: 27 kỹ thuật. Các kỹ thuật cao được bác sỹ trẻ Xoan chuyển giao cho đơn vị sau khi đến công tác như: Nhuộm và soi tươi tìm nấm, kí sinh trùng; Xét nghiệm tế bào học sàng lọc sớm K cổ tử cung bằng nhuộm Giemsa; Tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu ngoại vi; Xét nghiệm tế bào học chẩn đoán trong nước dịch sinh học ( dịch não tủy, dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch khớp ..) bằng phương pháp thủ công…
Về địa phương, sau hơn 1 năm làm việc tại Trung tâm y tế huyện Tương Dương, bác sỹ trẻ Nguyễn Thành Luân (chuyên khoa ngoại) đã làm được 44 kỹ thuật, trong đó chuyển giao cho đơn vị 2 kỹ thuật: phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa, phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng. Nhờ vậy, bệnh nhân được các bác sỹ thực hiện phẫu thuật nội soi ngay tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trên như Bệnh viện đa khoa tỉnh (Cách gần 200km).
Mong mỏi tăng chỉ tiêu cho địa phương
Ông Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An nhấn mạnh Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn là một chính sách đúng đắn, hiệu quả cao trong việc nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ bác sỹ của ngành y tế Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Sở Y tế Nghệ An đề nghị tiếp tục duy trì và tăng thêm chỉ tiêu cho các bác sỹ trẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 2021, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã rà soát và lập hồ sơ cử 8 bác sỹ đăng ký tham gia dự án đợt 1.
Trong buổi làm việc với địa phương về dự án, Tiến sỹ Nguyễn Thế Hiển - Điều phối viên Dự án 585 cho hay trong Dự án Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có 354 bác sỹ đã và đang được đào tạo tại 3 trường gồm: Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y- Dược Huế và Trường Đại học Y- Dược Hải Phòng. Đến nay, với 11 khóa bác sỹ trẻ đã tốt nghiệp, dự án đã bàn giao 244 bác sỹ cho 76 huyện nghèo thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Theo tiến sỹ Hiển, trong giai đoạn mới với nhà tài trợ mới của Dự ná, năm 2021, dự án sẽ đào tạo 50 chỉ tiêu bác sỹ trẻ phân bổ cho 7 tỉnh.
Cũng tại buổi làm việc, đoàn công tác đã tiến hành phỏng vấn, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của 8 bác sỹ trẻ thuộc 4 huyện nghèo (Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn) của tỉnh Nghệ An, trao đổi với lãnh đạo các trung tâm y tế huyện về kế hoạch cử các bác sỹ trẻ đi học và sự hỗ trợ của địa phương khi các bác sỹ hoàn thành khóa đào tạo nhằm đảm bảo phát huy được hết các năng lực được đào tạo.
Vị lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An đề nghị tiếp tục duy trì và tăng thêm các chỉ tiêu cho các bác sỹ trẻ tỉnh Nghệ An được tham gia dự án. Đặc biệt, trong công tác cán bộ cần có cơ chế chính sách phù hợp đối với cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ về công tác ở vùng sâu, vùng xa, cho cán bộ y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như các ngành khác.
Phó giáo sư Nguyễn Vũ Trung - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Phó Giám đốc Dự án 585 cho hay để dự án hoạt động hiệu quả, đề nghị các Trung tâm Y tế tại tỉnh Nghệ An cần có báo cáo thực trạng rất chi tết về trang thiết bị, mặt bệnh từ đó đề xuất ưu tiên về nhân lực. Việc làm trên nhằm tránh tình trạng điều kiện cơ sở vật chất không theo kịp nhân lực, từ đó dẫn đến không phát huy hết được năng lực của bác sỹ trẻ./.