Bác tin cấm nhập khẩu ớt của Việt Nam sang Hàn Quốc

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung khẳng định: 'Tính đến thời điểm trước ngày 27/6, các cơ quan chức năng của Bộ chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của Hàn Quốc về việc cấm nhập khẩu các lô hàng ớt của Việt Nam cũng như thu hồi các lô hàng ớt xuất khẩu của Việt Nam'.

Chiều 29/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Trung trao đổi với báo chí liên quan đến thông tin sản phẩm ớt khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Hàn Quốc.

Theo ông Trung, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT đã lập tức chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật tiến hành kiểm tra, xác minh ngay để có thông tin chính xác trả lời cho các doanh nghiệp cũng như cơ quan báo chí.

Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với đối tác phía Hàn Quốc là Cơ quan An toàn thực phẩm Hàn Quốc, làm việc với Văn phòng SPS Việt Nam để làm rõ thông tin.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung khẳng định: "Tính đến thời điểm trước ngày 27/6, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của Hàn Quốc về việc cấm nhập khẩu các lô hàng ớt của Việt Nam cũng như thu hồi các lô hàng ớt xuất khẩu của Việt Nam".

Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc thông tin lô hàng của Công ty TNHH Long Thành sản xuất năm 2022 có mức dư lượng tricyclazone vượt quá mức cho phép của Hàn Quốc. (Ảnh minh họa)

Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc thông tin lô hàng của Công ty TNHH Long Thành sản xuất năm 2022 có mức dư lượng tricyclazone vượt quá mức cho phép của Hàn Quốc. (Ảnh minh họa)

Ông Trung thông tin thêm, những năm qua, để xúc tiến xuất khẩu ớt sang các thị trường, trong đó có Hàn Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã nhiều lần hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các yêu cầu của phía đối tác. Một trong các điều kiện tiên quyết các lô ớt trước khi xuất khẩu phải đưa mẫu vào các phòng xét nghiệm kiểm tra để loại trừ việc còn tồn dư các hóa chất mà phía Hàn Quốc cấm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, các doanh nghiệp đều biết, bản thân các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nào phải có trách nhiệm tìm hiểu nghiêm túc yêu cầu của các nước nhập khẩu và đáp ứng đúng các yêu cầu đó. Hiện nay, cả 8 phòng lab của Việt Nam đều được phía Hàn Quốc thẩm định để làm các mẫu xét nghiệm để được xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung khẳng định, theo thống nhất giữa cơ quan chức năng hai nước, sau khi đã xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc, nếu có bất kỳ vi phạm gì sẽ được thông báo ngay, do vậy thông tin lan truyền vừa qua là không chính xác.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu ớt, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng, tiềm năng xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc, hay Malaysia, Trung Quốc đều rất tốt, việc xuất khẩu thuận lợi, không có vấn đề gì xảy ra. Sản lượng xuất khẩu ớt của Việt Nam mỗi năm khoảng 4.000 - 5.000 tấn, kim ngạch trên dưới 10 triệu USD.

"Không chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc, Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán với phía Trung Quốc để hoàn thiện ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch, khi đó, sản lượng ớt xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tăng", ông Hoàng Trung khẳng định.

Trước đó, ngày 27/6, Văn phòng SPS Việt Nam có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật về thông báo của Hàn Quốc đối với sản phẩm ớt đỏ khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Theo đó, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cho biết, lô hàng của Công ty TNHH Long Thành sản xuất năm 2022 có mức dư lượng tricyclazone trong các mẫu ớt đỏ khô dao động 0,02 - 0,04 mg/kg, vượt quá mức cho phép của Hàn Quốc 0,01 mg/kg.

Phía Hàn Quốc đã cho thu hồi sản phẩm ớt đỏ khô do ba công ty nước này phân phối từ Công ty Long Thành, gồm Công ty TNHH thương mại Geosan, Công ty TNHH nông nghiệp Bokine, Công ty TNHH nông nghiệp Yangil.

"Đến ngày 27/6, Văn phòng SPS Việt Nam không nhận được bất cứ thông báo nào về việc Hàn Quốc cấm nhập khẩu sản phẩm ớt của Việt Nam như thông tin trên mạng xã hội", đại diện Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định.

NY

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/bac-tin-cam-nhap-khau-ot-cua-viet-nam-sang-han-quoc-i698618/