Bạch Đằng mênh mang hồ...
Ấy là khi mắt tôi chạm mặt nước hồ Bạch Đằng từ phía góc đường Thanh Niên, rạch một cạnh góc vuông, như đặt chiếc ê ke làm vì rồi run run vạch một đường kéo sang Quán Gió.
Cái ánh mắt chạm nhẹ ấy đủ khiến tôi rùng mình, như chạm làn gió đẫm hơi nước từ hồ kéo lên, neo theo gió thu, phả vào da mặt.
Sớm thu phân, sương neo từ mặt nước hồ níu vào cây cỏ ven bờ khiến ranh giới giữa nước với mây, nước mặt hồ với bờ không phân định được. Thấp thoáng trong màn sương mờ ảo ấy là dáng những người đi bộ, chạy thể dục chen lẫn thanh âm những bản nhạc vui của các nhóm nhảy Aerobic, thể dục nhịp điệu. Hàng liễu ven hồ bên đường Thanh Niên vẫn buông mình xõa xuống mặt nước. Và công viên phía Quán Gió đường Trần Hưng Đạo vẫn thong thả những vòng xe.
Trước mênh mang hồ sớm nay, mấy ai biết cơn cớ của con hồ huyền ảo dường kia? Mấy ai biết, để có một Bạch Đằng hồ thơ mộng như giờ, mảnh đất này đã bao phen cựa mình, chuyển dòng đắp bãi. Chuyện ấy, chỉ người già mới biết. Mà muốn biết, chỉ có thể níu giữ trong hoang hoải những đôi mắt đã đục màu cùi nhãn của người già, những chứng nhân nhiều đời của thành phố trẻ.
Những miên man về hồ Bạch Đằng kéo tôi ngược về hàng trăm năm trước, khi cả TP Hải Dương trẻ bây giờ là điểm hợp lưu của hai con sông Thái Bình và sông Sặt xưa kia, trên một lưu vực thấp, trũng với hệ thống sông ngòi, đầm hồ dày đặc mà tấm bản đồ địa chính người Pháp lập năm 1891 đã lưu lại. Cội nguồn của hồ Bạch Đằng phải bắt đầu từ dòng chảy của sông Thái Bình, con sông vốn bắt nguồn từ Lục Đầu Giang chảy về phương Nam. Khi đến địa phận TP Hải Dương, sông Thái Bình quay ngang, chảy theo hướng Đông, tới bến Hàn đột ngột tách làm hai nhánh: Tây - Đông. Nhánh Tây đổi hướng Đông Nam chảy chéo qua ga đường sắt đến khu vực Bến Bè thuộc phố Hàng Bè, nay thuộc địa phận phố Tam Giang thì gặp sông Sặt (tên trên bản đồ là sông Cửu An) - dòng sông chảy qua địa phận Hưng Yên vào Hải Dương từ cống Chanh, xã Thúc Kháng (Bình Giang), nơi có làng chạm bạc Châu Khê nổi tiếng. Nhánh Đông tiếp tục chảy thêm một đoạn rồi cũng đổi dòng chảy xuôi về hướng Nam, nhập lại với nhánh Tây ở khu vực Cống Câu bây giờ. Khi đó nhánh Tây bị bồi lắng và thu hẹp dần. Năm 1898 để xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và cầu Phú Lương, người Pháp đã cho lấp phía thượng lưu, dựng kè ở hạ lưu của nhánh Tây. Nhánh sông này bị chặn, phía Nam đường sắt đến đường Tam Giang tạo nên những bãi lầy lớn.
Bản đồ Thành Đông do người Pháp lập năm 1909 vẫn thể hiện rõ tuyến đường sắt này và cả hình ảnh phố Hàng Bè chặn ngang nhánh Tây sông Thái Bình bị chặn. Vậy là hồ Bạch Đằng mờ sương kia đã manh nha ra đời khi đó.
Đến năm 1923, những bãi lầy của đoạn sông bị chặn để làm đường sắt chỉ còn một lạch nhỏ nối vào đất thành Đông. Năm 1985, để xây dựng công viên, nhiều thanh niên xung kích khi đó đã đào đất vượt lên. Hồ Bạch Đằng rộng 205.760m2 ở giữa, cùng với sự ra đời của hồ An Ninh rộng 13.800m2, hồ Quang Trung (còn gọi hồ Viện Mắt) rộng 7.000 m2, một hồ nước phía Nam đường Trần Hưng Đạo rộng 4.500m2 nay đã san lấp xây trụ sở phường Trần Hưng Đạo và Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Ngày qua ngày, khu vực quanh hồ từng bước được mở mang thành công viên Bạch Đằng xanh mướt và lộng gió, huyền ảo và thơ mộng như ngày nay.
Câu chuyện về cơn cớ sinh ra hồ Bạch Đằng được kéo về những năm 90 của thế kỷ XX. Tại sao ư? Đơn giản vì năm đó, khi là nữ sinh sư phạm, mẹ tôi có những tấm ảnh được chụp ở ven hồ mà có lần tôi vô tình tìm thấy trong cuốn album kỷ niệm của gia đình. Đó là tấm ảnh chụp mẹ tôi - một nữ sinh mặc áo trắng có đôi mắt sáng, vương nét buồn, ngồi ngả người cùng cô bạn gái dưới gốc phong lá đỏ, mái tóc dài xòa trên nền cỏ xanh với phía xa là mặt nước mênh mang sóng. Bức ảnh ghi ngày... tháng... năm 1991 tại hồ Bạch Đằng. Mẹ tôi tả lại: Ngày đó bên hồ vắng lắm, rất tĩnh. Cỏ mượt và mềm. Lá thông, lá phong rì rào trên cao. Trên hồ, thi thoảng có chiếc thuyền con của những người đánh cá. Gió mát, không gian tĩnh nên dù có phải đạp xe gần 4 km từ trường phía Chợ Mát vào, mẹ và các bạn vẫn chọn nơi đây làm chỗ học bài ôn thi. Cơ bản nữa là sau khi ôn bài, mẹ cùng bạn sẽ lội men hồ, lựa những khe kè đá để bắt tôm. Những con tôm dánh mình nhỏ, thịt chắc và ngọt, khi kho cùng muối trắng sẽ cong lại, đổi màu đỏ au... trở thành “đặc sản” trong bữa cơm sinh viên nghèo khi đó.
Hồ Bạch Đằng mênh mang nay không chỉ mang sứ mệnh điều tiết nước, thanh lọc không khí cho một phần rộng lớn của thành phố mà còn là điểm hẹn văn hóa của nhiều thế hệ người dân thành phố với bè bạn muôn phương. Hồ mang nét thi vị rất riêng của vùng đất xứ Đông lịch sử, mang hồn vía, hơi thở của mảnh đất hướng về phía mặt trời. Hồ không chỉ lưu lại những dấu ấn của mở mang, của phát triển mà còn là nơi ghi dấu, lưu giữ bao yêu thương của người Hải Dương trên mọi nẻo đường.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bach-dang-menh-mang-ho-360596.html