Bạch Thái Bưởi - Huyền thoại doanh nhân đất Việt
'Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam' câu khẩu hiệu đã được triển khai thành một cuộc vận động xây dựng văn hóa tiêu dùng và thúc đẩy ý chí tự tôn dân tộc. Ít tai biết khẩu hiệu này đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 bởi một nhà tư sản ái quốc - doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Đến tận ngày nay, người ta vẫn tôn vinh ông là một trong những người đầu tiên khẳng định vị thế của doanh nhân Việt.
Doanh nhân huyền thoại
Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874, trong một gia đình nông dân nghèo họ Đỗ tại làng An Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là thủ đô Hà Nội). Cha ông mất sớm, nên ông phải giúp mẹ sinh sống bằng nghề bán hàng rong. Thời ấy có một nhà phú hào họ Bạch thấy ông thông minh, lanh lợi, nên nhận làm con nuôi và đổi lại họ Bạch, nhờ vậy mà ông có cơ hội ăn học.
Bạch Thái Bưởi được đi học chữ quốc ngữ, chữ Pháp, rồi ông xin làm chân ký lục (nhân viên thư ký) cho một hãng buôn người Pháp ở phố Tràng Tiền (Hà Nội), sau đó sang làm với một hãng thầu công chánh.
Chính ở những nơi này, cậu ký Bưởi đã học được cách tổ chức, quản lý sản xuất và tiếp xúc với thiết bị, máy móc. Nhờ tư chất thông minh, năm 21 tuổi, Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ cử ông sang Pháp dự hội chợ Bordeaux.
Tận dụng cơ hội này, Bạch Thái Bưởi nỗ lực tìm hiểu, học hỏi cung cách buôn bán, cách tổ chức và quản lý sản xuất, nghệ thuật khuếch trương thương nghiệp…Trên chuyến tàu trở về nước, trong đầu Bạch Thái Bưởi đã định hình rõ con đường phía trước mà ông sẽ đi, đó là con đường kinh doanh.
Khi về nước, ông liền xin thôi việc và bắt tay xây dựng cơ nghiệp riêng. Khi mà việc làm ăn với người Pháp chẳng bao giờ nằm trong suy nghĩ của những nhà buôn đất Hà Thành, Bạch Thái Bưởi đã cho thấy con mắt nhìn xa trông rộng của mình.
Bạch Thái Bưởi đã nhìn ra cơ hội kiếm tiền bằng cách trở thành đối tác chính cung cấp tà vẹt cho dự án xây dựng đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ là đường sắt xuyên Việt Bắc – Trung – Nam và chiếc cầu bắc qua sông Cái (sông Hồng) là cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay).
Dồn tất cả vốn liếng, trong suốt 3 năm, ông lặn lội khắp núi rừng tìm gỗ tốt làm tà-vẹt bán cho Sở Hỏa xa Đông Dương. Năm 1902, cầu Doumer được khánh thành, thiên hạ khắp nơi đổ về xem cầu như đi trẩy hội. Khi ấy, Bạch Thái Bưởi đã trở nên rất giàu có.
Con đường trở thành Vua tàu thủy Việt Nam, Chúa sông Bắc Kỳ
Khoảng năm 1908 - 1909, Bạch Thái Bưởi đã quyết định chuyển hướng sang kinh doanh vận tải đường thủy, nơi mà những thương nhân Hoa Kiều gần như đang độc quyền chiếm lĩnh. Ông lập công ty Hàng hải Bạch Thái Bưởi, thuê lại 3 chiếc Phenix, Dragron và Fai Tsi Long.
Ông đổi tên chúng thành: Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long để kinh doanh vận tải đường thủy trên hai tuyến Nam Định – Bến Thủy (Nghệ An) và Nam Định – Hà Nội. Công việc làm ăn phát đạt cũng là lúc Bạch Thái Bưởi đối mặt với các chiêu bài cạnh tranh từ các công ty của người Hoa và người Pháp. Họ dùng chiêu “đua vốn”, hạ giá vé gấp 2 lần. Bạch Thái Bưởi không khoan nhượng, lại hạ thêm một giá nữa.
Cứ thế, giá vé tuyến Hà Nội - Nam Định từ 40 xu ban đầu kéo xuống còn 5 xu. Liên minh Hoa - Pháp có vốn mạnh và quyết tâm tiêu diệt Bạch Thái Bưởi. Trong tình thế đó, Bạch Thái Bưởi đã tung ra thứ vũ khí mà liên minh Hoa - Pháp vĩnh viễn không bao giờ có được: ông là người Việt Nam và kinh doanh trên đất nước Việt Nam.
Đất nước ta khi đó mang thân phận của một nước thuộc địa nhưng dân ta vẫn kiên cường, mang một lòng tương thân tương ái, một tinh thần dân tộc từ tiếng trống Mê Linh. Và Bạch Thái Bưởi đã cho đổi tên các con tàu của mình thành Lạc Hồng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi...
Cùng với đó, ông cũng tổ chức diễn thuyết về lòng tự hào dân tộc, nói lên khí phách người Việt Nam, nói lên niềm khao khát được chấn hưng công nghiệp, làm giàu cho đất nước Việt Nam. Ngoài ra, ông còn cho treo một cái ống trên tàu, hòng nhắn gửi một nhà từ thiện nào đó giúp đỡ bằng cách bỏ tiền vào, để ông giảm lỗ, để có thêm tiền mà cạnh tranh với ngoại bang.
Người dân nước Việt bỏ tàu của Pháp, của Hoa, mà ùn ùn đi tàu của Bạch Thái Bưởi. Đoàn tàu của ông lớn mạnh dần khi mua ngược lại những con tàu phá sản của người Hoa, đồng thời còn mua một xưởng đóng và sửa chữa tàu.
Đến năm 1919, doanh nghiệp Bạch Thái Bưởi đóng con tàu Bình Chuẩn huyền thoại với chiều dài 42 mét, cao 3,6 mét, tải trọng 600 tấn và công suất đạt 450 mã lực. Đó là con tàu hiện đại đầu tiên hoàn toàn do người nước Nam làm ra. Bạch Thái Bưởi được ghi nhận là vị doanh nhân Việt Nam đã đánh bật liên minh ngoại quốc ở nơi mà ngỡ rằng sẽ không có chỗ cho người Việt chen chân vào.
Có rất nhiều giai thoại khác kể về ông, nhưng tựu chung lại, những câu chuyện về Bạch Thái Bưởi đều trở thành niềm khích lệ lớn cho lớp doanh nhân đời đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20.