Bạch Thông: Người chăn nuôi lợn gặp khó

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm sâu khiến người chăn nuôi ở Bạch Thông gặp nhiều khó khăn.

Từng biết đến là “vua” nuôi lợn vùng đất Lục Bình, nhưng đến nay cả chục ngăn chuồng nuôi của gia đình anh Hà Văn Tâm, thôn Bắc Lanh Chang đang bỏ trống. Một phần do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, phần khác nuôi lợn thời điểm này không hiệu quả do giá bán thấp, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Để bảo đảm kinh tế gia đình, anh Tâm đã chuyển dần qua nuôi ốc nhồi giống.

Người chăn nuôi lợn ở Bạch Thông đang gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ.

Còn tại xã Tân Tú, một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi khá mạnh của huyện Bạch Thông, nhiều gia đình cũng bỏ trống chuồng trại vì sợ dịch bệnh và giá thành sản xuất cao, nuôi lợn lỗ vốn. Ông Hoàng Văn Vựng, thôn Khuổi Sla, xã Tân Tú cho biết: Lúc cao điểm gia đình ông nuôi tới 70 con lợn thịt, trung bình mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau lần xuất chuồng vào cuối tháng 4 năm nay, ông đã phải tạm dừng chăn nuôi lợn vì giá bán lợn hơi giảm mạnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng từng ngày. Trước đây trong thôn có hàng chục hộ chăn nuôi lợn nhưng đến nay chỉ còn 03 hộ nuôi với số lượng nhỏ lẻ. Nhà nấu rượu, nếu bỏ bỗng rượu đi thì phí nên ông Vựng quyết định mua 04 con lợn giống về nuôi cầm chừng đợi giá cám công nghiệp về mức cũ sẽ tái đàn mạnh.

Năm 2020, dịch tả lợn châu Phi khiến hàng chục con lợn của gia đình chị Đinh Thị Hạnh, thôn Bản Lạnh, xã Tân Tú bị ảnh hưởng, thiệt hại không nhỏ. Sang năm 2021, khi dịch có dấu hiệu tạm lắng, chị Hạnh tái đàn với 15 con lợn thịt. Nhưng khó khăn lại liên tiếp đến với các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Bạch Thông. Nếu như năm trước giá bán lợn hơi có thời điểm lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg thì nay giảm xuống còn 45.000 - 48.000 đồng/kg, trong khi giá cám thức ăn chăn nuôi tăng từ 50.000 - 60.000 đồng/bao các loại. Không đủ khả năng chăn cám công nghiệp, giai đoạn cuối chị Hạnh tăng cường sử dụng thân chuối và các loại rau củ làm thức ăn rồi nhanh chóng bán đàn lợn. Tính toán sơ bộ, sau 04 tháng chăn nuôi, mỗi con lợn chị cũng lỗ vài trăm nghìn đồng. Khó khăn là thế nhưng chị Hạnh cho biết mình vẫn tiếp tục chăn nuôi khi mọi chuyện thuận lợi hơn, chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để giảm giá thức ăn chăn nuôi và tạo điều kiện cho người dân vay thêm vốn để tái đàn.

Không chỉ người chăn nuôi lợn gặp khó khăn, ngay cả các cửa hàng, đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện Bạch Thông cũng chịu chung cảnh ngộ. Chị Hoàng Thị Xuân, chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi tại thị trấn Phủ Thông chia sẻ: “Hơn 10 năm tôi kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhưng chưa bao giờ bán ế ẩm như năm nay. Những năm trước mỗi tháng bán được 15 - 20 tấn thức ăn chăn nuôi nhưng hiện nay chỉ còn 01 tấn/tháng, các mặt hàng khác bán cũng rất chậm. Nguyên nhân do dịch bệnh phức tạp khiến nhiều hộ không dám tái đàn, mặt khác giá thức ăn chăn nuôi tăng nhanh nên nhiều người chuyển sang chăn nuôi theo kiểu truyền thống. Trung bình mỗi bao cám công nghiệp tăng 50.000 - 60.000 đồng so với năm trước, có loại tăng đến hơn trăm nghìn đồng. Tôi mong dịch bệnh chóng qua, giá thức ăn giảm xuống để công việc kinh doanh trở lại bình thường”.

Chăn nuôi lợn là lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế của nhiều gia đình và toàn huyện Bạch Thông với tổng đàn hiện có hơn 15.000 con. Tuy nhiên, người chăn nuôi ở Bạch Thông đang gặp khó khăn kép vì dịch bệnh, giá bán thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Vì vậy, cấp ngành chức năng của huyện cần sớm có thêm những chính sách hỗ trợ giúp người dân khôi phục sản xuất khi dịch bệnh qua đi. Trong đó, quan tâm đến hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, khuyến khích các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.../.

X.N

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202110/bach-thong-nguoi-chan-nuoi-lon-gap-kho-613393d/