Kinh tế 6 tháng đầu năm: 'Chạy đà' cho mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%

TS. Lê Duy Bình từ Economica Vietnam cho rằng, có cơ sở để tin tưởng mục tiêu tăng trưởng cả năm sẽ đạt khoảng 6,5%. Đặc biệt, nền kinh tế sẽ phát triển bền vững nếu như đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục đóng vai trò là trụ cột trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý 2/2022 trong giai đoạn năm 2020-2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024.

Trao đổi với Mekong ASEAN về con số này, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, mức tăng trưởng 6,42% trong nửa đầu năm nay là cơ sở để có thể tin tưởng vào mục tiêu tăng trưởng cả năm sẽ đạt được khoảng 6,5%.

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam đã xuất hiện nhiều điểm sáng, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% cho cả năm nay. Cụ thể, xuất khẩu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Trong quý 2/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, cấp mới và góp vốn mua cổ phần tính đến cuối tháng 6/2024 đạt trên 15 tỷ USD, tăng 13% YoY.

Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

"Tôi tin triển vọng kinh tế năm 2024 vẫn có thể đạt được theo mục tiêu tăng trưởng đề ra 6-6,5%. Trong đó, các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất nhập khẩu, đầu tư công, tiêu dùng trong nước… sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong thời gian tới," TS. Lê Duy Bình nhận định.

Tuy nhiên, trong dài hạn, theo vị chuyên gia này, Việt Nam sẽ phải nỗ lực trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch nền kinh tế sang mô hình dựa trên hiệu suất, dựa trên năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.

Cần tìm kiếm không gian tăng trưởng mới, động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhằm tạo bứt phá trong thời gian tới, ông Bình nói.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam

Đặc biệt, TS Lê Duy Bình nhấn mạnh, nền kinh tế sẽ phát triển bền vững nếu như đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục đóng vai trò là trụ cột trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Do đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng an toàn, thân thiện để doanh nghiệp gia tăng niềm tin và sự hứng khởi trong kinh doanh. Đồng thời, đầu tư công, được xem như vốn mồi của nền kinh tế cần tạo ra sức lan tỏa lớn hơn và cần được sử dụng như đòn bẩy để thúc đẩy đầu tư tư nhân.

TS. Lê Duy Bình cũng đề cập, lạm phát có dấu hiệu gia tăng trong 6 tháng đầu năm. Áp lực lạm phát theo chu kỳ và tính thời vụ sẽ thường tiếp tục gia tăng vào những tháng cuối năm, đặc biệt là những tháng giáp Tết.

"Như vậy, câu chuyện hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất, lãi suất và lạm phát, lạm phát và tăng trưởng vẫn là một bài toán khó mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính toán để tìm được điểm cân bằng trong thời gian tới," TS. Lê Duy Bình lưu ý.

NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG 6-6,5%

Từ góc độ cơ quan thống kê, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, ăn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả tích cực của hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho rằng Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% của năm 2024 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Theo bà Hương, các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đề cập đến 6 nhiệm vụ quan trọng đối với nền kinh tế.

Thứ nhất, tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục… theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ hai, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

Thứ ba, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới đang dần phục hồi. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.

Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.

Thứ tư, các Bộ, ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài.

Tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế - xã hội cũng như các địa phương trong vùng.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành, nghề mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp. Phát huy vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kinh-te-6-thang-dau-nam-chay-da-cho-muc-tieu-tang-truong-6-65-30860.html