Bạch Thông: Phát huy giá trị di tích lịch sử trong giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch
Những năm qua, huyện Bạch Thông luôn coi trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ; đồng thời cũng coi đây là lợi thế phục vụ phát triển du lịch.
Di tích lịch sử Nà Tu nằm cạnh quốc lộ 3, thuộc xã Cẩm Giàng, nơi Bác Hồ tặng thanh niên xung phong 4 câu thơ bất hủ vào năm 1951. Với ý nghĩa đó, khu di tích này đã trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, bồi đắp lý tưởng, ý chí cho các thế hệ thanh niên phấn đấu, vươn lên. Để xứng tầm với quy mô, cũng như giá trị lịch sử mang lại, năm 2016 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đầu tư gần 40 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng công trình Di tích lịch sử Nà Tu để phục vụ cho nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.
Bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số, tháng 10 năm nay, Tỉnh đoàn Bắc Kạn phối hợp cùng Tổng Công ty viễn thông Mobifone xây dựng mô hình số hóa Khu di tích lịch sử Nà Tu, đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho khách tham quan bằng công nghệ ảnh 3D.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phủ Thông chia sẻ: Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học khá khô khan, khó tiếp thu. Để khắc phục điều này, những năm gần đây nhà trường thường khuyến khích các em học sinh tham gia "Tiết học ngoài nhà trường". Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn.
Cách thị trấn Phủ Thông 300m, nằm trên điểm giao nhau giữa quốc lộ 3 với tỉnh lộ 258, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông có ý nghĩa rất lớn đối với cách mạng nước nhà. Di tích Đồn Phủ Thông ngày nay đã được tôn tạo, sửa chữa trên nền diện tích rộng 5.000m2. Đối diện với Đồn là Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn. Năm 1996, nơi đây đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, công trình gồm nhà truyền thống, bia đá di tích, cây xanh, cây cảnh, 02 công trình ghi tên liệt sĩ. Di tích lịch sử Nà Tu và Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông là những địa chỉ đỏ cách mạng luôn hấp dẫn thế hệ trẻ, Nhân dân trong tỉnh và du khách đến tham quan.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, hướng dẫn viên tại Khu di tích lịch sử Nà Tu cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu tham quan, tìm hiểu các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Bạch Thông ngày một nhiều. Trung bình mỗi tháng đôi lần tôi đưa khách đi tham quan các điểm di tích trong huyện. Vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, Ngày Thương binh - Liệt sĩ thì nhu cầu của người dân, du khách tăng lên gấp nhiều lần. Nếu làm tốt hơn công tác quảng bá, giới thiệu thì các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Bạch Thông sẽ trở thành những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bạch Thông còn có các di tích lịch sử cấp tỉnh như: Chùa Hoa Sơn, xã Vi Hương; Di tích lịch sử Khau Cưởm, Ngườm Hẩu, xã Sỹ Bình; Di tích lịch sử nhà ông Hoàng Văn Lường, xã Quân Hà. Huyện còn có Lễ hội Lồng tồng Hà Vị, tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng và Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng hằng năm.
Đồng chí Đỗ Thị Hiền, Bí thư Huyện ủy Bạch Thông cho biết: Nhận thức được vị thế, những giá trị to lớn, giàu tính nhân văn của các di tích lịch sử, văn hóa, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa. Thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực đã tạo môi trường lành mạnh, giúp cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, xác định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, ý thức được trách nhiệm của bản thân để phấn đấu trong học tập và rèn luyện, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đồng thời, huyện cũng tập trung xây dựng những di tích lịch sử, văn hóa trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với người dân, du khách trong và ngoài tỉnh./.