Baemin cần làm gì để đánh bại GrabFood, Now, GoFood ở thị trường giao đồ ăn Việt Nam?
Mặc dù gia nhập thị trường muộn nhưng Baemin có những lợi thế đáng kể.
Sau khi đạt được thành công ở quê nhà, kỳ lân giao đồ ăn Hàn Quốc là Woowa Brothes đang nhắm tới đích mới là Việt Nam. Baemin – thương hiệu Việt Nam của Woowa đã ra mắt vào tháng 3 năm ngoái ở TP HCM và sau đó tiếp tục mở rộng ra Hà Nội vào tháng 6 năm nay.
Được thành lập năm 2012 với tư cách là một công ty giao thực phẩm, Woowa Brothers (woowa có nghĩa là thanh lịch trong tiếng Hàn) đã phát triển nhanh chóng và trở thành công ty cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến hàng đầu Hàn Quốc, tiếp nhận hơn 30 triệu đơn hàng mỗi tháng và mở rộng sang kinh doanh CloudKitchen (mô hình tập trung các quán ăn ngon được khách hàng đặt nhiều vào cùng một địa điểm).
Nhà sáng lập và CEO Kim Bong-jin (43 tuổi) của Woowa Brothers hiện đứng đầu liên doanh mới thành lập với Delivery Hero có trụ sở tại Singapore để tham gia vào thị trường giao đồ ăn đang bùng nổ ở châu Á – nơi những người chơi trong khu vực như Grab hay Gojek đã có nền tảng khá vững vàng.
Công ty này tự tin có thể lặp lại thành công tại Việt nam khi quốc gia này có nhiều nét văn hóa trương đồng với Hàn Quốc. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh dĩ nhiên không phải dễ dàng.
Để lôi kéo khách hàng và lái xe, Baemin liên tục tung ra những ưu đãi khác biệt như giảm 70.000 đồng cho đơn hàng từ 70.000 đồng trở lên; giảm 25%, 50% tùy theo số lần đặt hàng. Khách đặt đồ ăn qua ứng dụng Baemin tại Hà Nội đều hưởng ưu đãi lớn. Phí giao hàng hiện tại cố định 15.000 đồng, chỉ bằng 50% hầu hết các nền tảng khác.
Nếu muốn tăng trưởng thị phần, Baemin sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ lâu năm như: GrabFood, Loship, Now hay Go-Food. Những nền tảng này đều được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư nước ngoài, duy nhất Loship là startup nội địa.
Một số chuyên gia nhận định cách tiếp cận thị trường của Baemin khá truyền thống, khi đổ tiền vào khuyến mại và truyền thông quảng cáo. Những ứng dụng giao đồ ăn hoặc giao hàng vào Việt Nam theo cách này từng phải rút lui sau một thời gian ngắn.
Theo báo cáo của Euromonitor, trong năm nay thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam sẽ đạt giá trị hơn 38 triệu USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 11% một năm. Tuy nhỏ so với mảng F&B nói chung nhưng bù lại, Việt Nam thu hút các doanh nghiệp theo đuổi bởi tính trung thành của loại hình dịch vụ này khá cao.
Khảo sát của GCOMM cũng cho thấy tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người thành thị hiện khá cao, 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần mỗi tháng.
GrabFood, Now và GoFood hiện là những ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất ở Việt Nam. Ha nói rằng xem Now là đối thủ mạnh nhất về số lượng người bán có trên nền tảng.
Theo phân tích của tờ DealstreetAsia, mặc dù gia nhập thị trường muộn nhưng Baemin có những lợi thế đáng kể: Họ tập trung 100% vào mảng kinh doanh liên quan tới đồ ăn, không giống như Grab và Gojek vốn khởi đầu từ mảng gọi xe và sử dụng mạng lưới tài xế của họ để giao đồ ăn. Dẫu vậy, để thành công, Baemin sẽ cần phải đối mặt với rất nhiều thách thức khó khăn trước mắt.