BaF Việt Nam: Lãnh đạo và bên liên quan đăng ký giao dịch trái chiều
Công ty liên quan Chủ tịch CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF – sàn HoSE) đăng ký mua vào nhưng các lãnh đạo cấp cao khác lại đồng loạt đăng ký thoái vốn.
Cụ thể, CTCP Siba Holdings, tổ chức liên quan ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 4.557.250 cổ phiếu BAF để nâng sở hữu từ 37,32% lên 40,5% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 26/12/2022 đến ngày 20/1/2023.
Ngược lại, bà Bùi Hương Giang, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đăng ký bán ra 499.750 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 3,6% về 3,25% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 26/12/2022 đến ngày 20/1/2023.
Cũng trong thời gian từ 26/12/2022 đến ngày 20/1/2023, ông Phan Ngọc Ân, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc đăng ký bán toàn bộ 2.477.500 cổ phiếu BAF để giảm sở hữu từ 1,73% về còn 0% vốn điều lệ.
Từ ngày 26/12/2022 đến ngày 20/1/2023, ông Lê Xuân Thọ, thành viên HĐQT cũng đăng ký bán 795.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 839.200 cổ phiếu (0,58% vốn điều lệ) về 44.200 cổ phiếu (0,03% vốn điều lệ).
Như vậy, tổng cộng bà Bùi Hương Giang, ông Phan Ngọc Ân và ông Lê Xuân Thọ đăng ký bán 3.772.250 cổ phiếu BAF, thấp hơn lượng cổ phiếu mà tổ chức liên quan Chủ tịch HĐQT đăng ký mua.
Ở một diễn biến khác, ông Ngô Cao Cường, Kế toán trưởng CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam vừa bị bán giải chấp 24.500 cổ phiếu BAF để giảm sở hữu từ 66.900 cổ phiếu về còn 42.400 cổ phiếu, giao dịch được thực hiện từ ngày 14/11 đến ngày 21/11/2022.
Điểm đáng lưu ý, ngày 5/12, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam mới công bố thông tin Kế toán trưởng bị bán giải chấp và ngày 6/12, thông tin mới được công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Như vậy, kết thúc 9 phiên giao dịch, Kế toán trưởng CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam mới công bố thông tin bị bán giải chấp.
Theo điểm đ, Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất giao dịch (trường hợp giao dịch kết thúc trước thời hạn đăng ký) hoặc kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về kết quả giao dịch đồng thời giải trình nguyên nhân không thực hiện được giao dịch hoặc không thực hiện hết khối lượng đăng ký (nếu có) theo mẫu quy định tại Phụ lục XV hoặc Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này”.
Như vậy, căn cứ quy định luật pháp hiện hành, Kế toán trưởng CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam có dấu hiệu báo cáo kết quả giao dịch trễ hơn so với quy định.
Được biết, cổ phiếu BAF chỉ là một cổ phiếu mới niêm yết trên sàn HoSE hơn 1 năm, cổ phiếu niêm yết ngày 3/12/2021. Trong đó, Chủ tịch là ông Trương Sỹ Bá, đồng thời ông cũng là Chủ tịch Tập đoàn Tân Long.
BaF Việt Nam phát hành trái phiếu riêng lẻ để góp vốn vào đơn vị thành viên
Ở một diễn biến khác, Nông nghiệp BaF Việt Nam dự kiến phát hành tối đa 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và phát hành tại thị trường trong nước. Trong đó, thời gian dự kiến triển khai là trong quý IV/2022 đến quý I/2023.
Trái phiếu có kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định là 5,25%/năm. Nếu tổ chức mua trái phiếu không chuyển đổi, trái chủ sẽ nhận bổ sung thêm 5,25%/năm cho các kỳ tính lãi, nâng lãi suất thực đợt phát hành lên 10,5%/năm.
Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 280 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh từ 120 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng; 110 tỷ đồng sẽ góp vốn để tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 2 từ 20 tỷ đồng lên 130 tỷ đồng; và góp lần lượt 70 tỷ đồng vào 3 Công ty là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh và Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh.
Đơn vị mua trái phiếu là International Finance Corporation (IFC) – thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB).
Dòng tiền âm trong 9 tháng đầu năm 2022
Trong quý III/2022, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.919,65 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 158 tỷ đồng, tăng 258,5% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 199,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 143,54 tỷ đồng lên 215,59 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 149%, tương ứng tăng thêm 3,1 tỷ đồng lên 5,18 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 149,7%, tương ứng tăng thêm 26,22 tỷ đồng lên 43,73 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 15,46 tỷ đồng lên 14,28 tỷ đồng (cùng kỳ ghi nhận âm 1,18 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 4.889,15 tỷ đồng, giảm 46,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 286,24 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Xét về cơ cấu doanh thu, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu bán nông sản giảm 54,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 4.632,4 tỷ đồng về 3.933,8 tỷ đồng; doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng 95% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 465,5 tỷ đồng lên 955,4 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 43% về 5.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 24,8% lên 402 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, BaF Việt Nam hoàn thành được 71,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, BaF Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 240,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 156,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 461,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 741,04 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, BaF Việt Nam đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.
Được biết, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2019 tới năm 2021, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm vượt 240,6 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2019 với giá trị âm 230,48 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/12, cổ phiếu BAF giảm 350 đồng về 18.200 đồng/cổ phiếu.