Bài 1: Bám cơ sở, định hướng đúng
Nằm ở vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc, với đường biên giới dài hơn 90km, Gia Lai là vùng đất có địa bàn chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Trên quan điểm 'lòng dân yên, biên giới mạnh, dựa vào dân, lấy dân làm gốc', những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, nhất là các chi bộ thôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh; tập trung đầu tư và triển khai nhiều giải pháp toàn diện nhằm xây dựng vùng biên giới phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa… mạnh về quốc phòng an ninh trong tình hình mới.
Để chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, Tỉnh ủy Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị, đặc biệt là ba huyện biên giới Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông bám nắm cơ sở, nhất là cuộc sống của bà con các thôn làng vùng sâu, vùng xa. Qua đó làm tốt công tác tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng an ninh, giúp bà con địa phương lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, gắn bó và làm giàu trên quê hương biên giới của mình.
Tạo chuyển biến về nhận thức, chủ động “gỡ khó”
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trên cơ sở nội dung nghị quyết và kết quả có được từ bám nắm thôn làng, bám bà con địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng thực hiện nghiêm, hiệu quả các qui định của Đảng, trách nhiệm trong nêu gương “Với mình, với công việc và với người”. Thực hiện tốt công tác phân công các đồng chí ủy viên và các tổ công tác về tham gia sinh hoạt định kỳ tại các chi bộ. Trong công tác phát huy vai trò tiên phong gương mẫu “dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm”, vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Qua đó nắm bắt diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội và đảng viên trên địa bàn, kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, nhất là tranh chấp đất đai, quyền thừa kế… tạo sự đồng thuận xã hội. Công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được chú trọng thực hiện và đạt hiệu quả, tuyệt đối không để các “điểm nóng” vi phạm pháp luật diễn ra trên địa bàn.
Theo đồng chí Hồ Văn Niên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định rõ “Tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở; đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng”.
Quán triệt quan điểm của Đảng, thời gian qua việc nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa cấp thiết, vừa mang tính lâu dài, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Không những tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai còn tổ chức các đoàn công tác về các huyện biên giới kiểm tra liên tục về thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó tập trung kiểm tra ba vấn đề: Tạo chuyển biến về nhận thức, linh hoạt tháo gỡ khó khăn và hiệu quả công việc.
Về địa phương và tìm hiểu chúng tôi được biết, hằng năm Ban Thường vụ Huyện ủy ba huyện biên giới: Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông đã có kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể đối với các chi bộ thôn làng có ít đảng viên. Các cấp ủy viên phân công đảng viên chính thức có kinh nghiệm, có uy tín, am hiểu về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về sinh hoạt tại cơ sở để xây dựng lực lượng nòng cốt. Coi trọng phát triển đảng viên người DTTS, bồi dưỡng và phát huy năng lực cho đội ngũ cán bộ người địa phương; phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đoàn thể trong vận động, giúp đỡ bà con trên địa bàn cách thức làm ăn, đổi mới tư duy trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Làm tốt công tác bảo tồn giữ gìn, phát huy những văn hóa đặc trưng của bà con các dân tộc, như: múa xoang, cồng chiêng, kể khan, dệt thổ cẩm… củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Làm việc với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Cường - Bí thư Huyện ủy Đức Cơ cho biết: 5 năm qua, Huyện ủy đã làm tốt công tác bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo, sức mạnh chiến đấu của cấp ủy, chi bộ, nhất là các đồng chí Bí thư Chi bộ trong các thôn làng vùng bà con DTTS. Làm tốt công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên, công tác phát triển đảng viên mới; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đảng viên…; phát huy được vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong việc vận động người dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đây được coi là một điểm nhấn quan trọng để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an ninh.
Trong xây dựng nghị quyết, Đảng ủy đều xác định nội dung phương pháp cụ thể, kết quả và bài học kinh nghiệm, gắn với giải quyết các vấn đề thực tiễn, trọng yếu trên địa bàn như: Nâng cao chất lượng chi bộ thôn làng người DTTS, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề, giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu; bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ môi trường sinh thái... nên có thể dễ dàng thực thi và đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao.
Đồng chí Lê Thị Khánh Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, chia sẻ, việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt chi bộ, phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên gắn với làm tốt công tác kiểm tra, giám sát… ở các thôn, làng đã góp phần nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.
Thông qua đó đã phát huy vai trò của cán bộ đảng viên, nhất là đồng chí Bí thư Chi bộ trong lãnh đạo và tổ chức các hoạt động trong đời sống xã hội, thực sự là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân. Đến nay không còn tình trạng một số người dân nhẹ dạ cả tin vượt biên trái phép, xóa bỏ hoàn toàn cái gọi là “Tin lành Đê ga”, 100% các hộ dân đều đăng ký tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ biên giới và thực sự là “mỗi người dân là một cộc mốc sống”. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Chi bộ làng Chan, xã Ia Pnôn là một trong những chi bộ vùng DTTS có nhiều đột phá trong nâng cao chất lượng sinh hoạt. Chi bộ hiện có 16 đảng viên, tất cả là người DTTS.
Theo đồng chí Ksor Yêk, Bí thư Chi bộ, hàng tháng sinh hoạt chi bộ định kỳ, hay sinh hoạt chuyên đề các đảng viên chủ động tham gia ý kiến, đưa ra những vấn đề vướng mắc để thảo luận và kịp thời tháo gỡ; đồng thời đề xuất, góp ý để chi bộ thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời phát huy vai trò của đảng viên trong tổ chức sinh hoạt và triển khai thực hiện Nghị quyết; gần dân, vận động bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên đời sống người dân làng Chan ngày một phát triển.
Khởi sắc vùng biên
Vùng biên giới Gia Lai đang thật sự đổi thay. Đường dẫn về các thôn làng nối tiếp những rừng cao su bạt ngàn; những vườn điều, vườn cà phê trĩu quả hứa hẹn một cuộc sống bình yên, no đủ.
Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, đồng chí Đinh Văn Dũng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Prông cho biết: “Tiếp tục được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, UBND tỉnh vào địa bàn, nhất là công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới; kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư và hệ thống giao thông được kết nối, công trình thủy lợi Ia Mơ hoàn thành đưa vào vận hành khai thác với công suất tưới 12.000 ha (trong đó địa bàn huyện là 8.500 ha) là điều kiện thuận lợi để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; tiềm năng gió, cường độ mặt trời là lợi thế cạnh tranh để huyện nhà thu hút các dự án năng lượng tái tạo... Năm 2023, giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) của huyện tăng 13,89%, trong đó, ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,37%; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện (theo giá hiện hành) là 17.626 tỷ đồng, đạt 105,51% kế hoạch.
Tính đến nay, huyện Chư Prông có 33 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, 1 mã số cơ sở đóng gói và 32 mã số vùng trồng với diện tích hơn 1.379 ha cây ăn quả các loại. Ngoài ra, huyện có 1.993 ha cây trồng chủ lực tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đã có 7/19 xã và 10 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân có nhiều chuyển biến”.
Khi bóng chiều liêu xiêu bên vách núi, chúng tôi mới về tới làng Poong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ. Gặp chúng tôi từ đầu làng, ông Rơ Mah M’rao (65 tuổi, dân tộc Gia Rai), một trong những đảng viên tiêu biểu, người sản xuất giỏi của vùng biên giới Gia Lai chia sẻ: Làng Poong có hơn 235 hộ dân, nhà nào cũng trồng cà phê, tiêu, điều và cả cao su. Nhà ít cũng có 3 đến 4 ha, nhà nhiều thì có đến chục héc-ta, trong làng có đến hai phần ba số hộ là khá và giàu. Riêng gia đình mình đang sở hữu 20 ha cao su tiểu điền, gần 10 ha điều, 3 ha cà phê đang thu hoạch, năm sào lúa nước hai vụ, hơn 20 con bò, ngôi nhà ba tầng trị giá hơn hai tỷ đồng, hai xe ô-tô và một xe tải… bình quân mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân giàu lên của người dân nơi đây, ông Rơ Mah M’rao cười vui: Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là bà con dân làng tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ, nghe lời cán bộ đảng viên nói, làm theo cán bộ đảng viên làm, mà cán bộ đảng viên ở đây lại gương mẫu đi đầu trong các hoạt động. Biết nghe cán bộ vận động, người dân không bán đất, lại chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế gia đình, chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả, chủ động phát triển kinh tế, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Biên giới bình yên. Dòng Sê San cuộn đổ, những cơn gió nhẹ mang theo hương hoa cà phê thơm dịu. Xa xa, Nhà máy thủy điện Ia Ly, Sê San 4, Sê San 3A đang ngày đêm “biến cái nước của trời” thành những dòng điện phục vụ cuộc sống hàng triệu người dân không chỉ ở Tây Nguyên mà còn lan ra cả nước. Ði dọc vùng biên giới trên địa bàn huyện Ia Grai đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Ðức Cơ và huyện Chư Prông, ở đâu cũng thấy một màu xanh trù phú, phát triển.
(Còn nữa)
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/long-dan-yen-bien-gioi-manh-a26627.html