Bài 1: Bản Pa Dí có 'cây hai ngàn lá'

Chúng tôi gọi họ là những đốm lửa, mỗi dân tộc tự nhen lên và ở nơi miền cao nguyên hoặc biên viễn thì những đốm lửa ấy luôn rực sáng, bởi thứ ánh sắc mê hoặc đầy huyền bí của sắc màu thổ cẩm, của phong tục, bởi một thứ ánh sáng làm đốm lửa ấy sáng mãi là tinh thần đoàn kết dân tộc xây dựng bản làng giàu đẹp, văn minh. Chúng tôi muốn cho mọi người cùng thấy được những đốm lửa ấy đã tự nhen mình và tỏa sáng thế nào…

Men theo những vần thơ dung dị, chất thơ đầy hào sảng, về một mạch nguồn dân ca Pa Dí, xoải dọc đường thu Tây Bắc, ngược miền sương núi nhọn, chúng tôi đến quê hương “cây hai ngàn lá” khi cúc quỳ dọc ven đường lên Mường Khương chớm nở hoa vàng.

Mỗi khi nhắc đến tộc người Pa Dí, trong trí nhớ của tôi mường tượng ngay ra chiếc mũ hình mái nhà đội trên đầu của người phụ nữ. Hình ảnh ấy rất dễ gặp trong những chuyến vào bản làng của người Pa Dí, hoặc bất chợt gặp ở chợ phiên Mường Khương. Nếu như ở các cô gái Hà Nhì là những búi tóc giả tết rất to trên đầu, phụ nữ Dao đỏ là chiếc mũ rực rỡ với những tua rua đủ màu sắc… thì với phụ nữ dân tộc Pa Dí “lênh khênh” trên đầu là chiếc mũ dài cao và nhọn, mô phỏng hình mái nhà.

Đi tìm câu trả lời cho vẻ độc đáo của những “mái nhà” trên đầu của phụ nữ Pa Dí chúng tôi tìm đến nhà bà Pờ Chin Dín, ở Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương thì được lý giải rằng, người Pa Dí quan niệm “đàn bà xây tổ ấm” nên chiếc mũ đội đầu truyền thống mô phỏng mái nhà - nơi mà người phụ nữ trong gia đình có thiên chức “giữ lửa”…

Theo phong tục truyền thống của người Pa Dí, khi đón con dâu về nhà chồng, mẹ chồng thường may tặng con dâu một chiếc mũ truyền thống của dân tộc mình là mũ hình mái nhà với mong muốn người con dâu sẽ đem lại phúc lộc cho gia đình nhà chồng.

Tôi còn nhớ, dạo trước, có lần tôi được bà Pờ Chản Lền, người chuyên làm trang phục áo mũ dân tộc Pa Dí ở thôn Cốc Ngù, xã Nậm Chảy cắt nghĩa về chiếc “mái nhà” đặc biệt này rằng: Người Pa Dí thường dựa vào màu sắc trang phục và kiểu đội mũ mái nhà để phân biệt được giữa người trẻ và người già, người chưa có chồng và người đã có chồng. Nếu là may trang phục cho các cô gái thì người mẹ vẫn sử dụng vải chàm đen làm chất liệu chính để cắt may áo, váy và các phụ kiện đi kèm khác như khăn buộc tóc, mũ mái nhà. Chỉ thêu sử dụng màu sắc tươi sáng hơn chủ yếu dùng màu chỉ, xanh, đỏ, trắng, vàng...

Trở lại câu chuyện với bà Pờ Chin Dín, chúng tôi nghe bà kể hồi còn bé, bà đã yêu thích may vá, thêu thùa, nên khi mới 13 - 14 tuổi bà đã tự học may. Chính từ niềm yêu thích và đam mê, bà Dín mày mò rồi tự tập cắt vải, tự nhìn vào váy áo mẫu và thêu. Chỗ nào chưa biết, bà hỏi mẹ và chị gái. Cứ thế, tay nghề may vá của bà thành thạo theo năm tháng, lớn lên cùng bà… Ban đầu, bà tự may thêu quần áo cho chính mình, khi lập gia đình, bà lại may quần áo cho chồng, cho các con… Hễ rảnh rỗi bà lại lạch cạch bên chiếc máy khâu, miệt mài với cây kim, sợi chỉ.

Bà Dín còn tận tình hướng dẫn bà con Pa Dí may thêu. Ở Chúng Chải B, những ai yêu thích thêu, may bà đều nhiệt tình hướng dẫn, bởi bà trăn trở, mong muốn thế hệ sau không làm mai một truyền thống dân tộc.

Bộ trang phục dân tộc Pa Dí hoàn chỉnh gồm váy, áo, mũ có giá gần chục triệu đồng. Bà phải làm mất nhiều tháng, trong đó chiếc mũ hình mái nhà cần sự tỉ mỉ và ngốn thời gian nhất, bởi vì để có được một chiếc mũ đội đầu hình mái nhà đúng kiểu truyền thống, người Pa Dí dùng khăn quấn đầu, dây cuốn tóc, khăn che trán và khăn che gáy. Ở đầu khăn che gáy, trang trí các tua tròn làm từ sợi bông hoặc len nhiều màu.

Chiếc mũ có hình mái nhà được làm từ vải bông dệt thủ công đã nhuộm chàm. Phụ nữ Pa Dí rất khéo léo ghép và phết hồ sáp ong nhiều lượt để cứng mũ, khi trời mưa, đội mũ không thấm nước. Phần trước trán được trang trí công phu bằng bạc trắng theo hình sin, tượng trưng cho những hạt ngô, hạt gạo. Phần trên được làm bằng vải lanh hoặc bông có cuốn sợi dây bạc lấp lánh. Mặt sau có khuôn bạc hình chữ nhật được thêu hình chim muông, cây cối thể hiện cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Khi đội mũ, phụ nữ Pa Dí búi cao tóc trên đỉnh đầu, úp phần trên của mũ lên. Phần dưới cuộn tròn giữ tóc và mũ, giúp các cô gái Pa Dí khi đi hội hoặc đi làm vẫn cử động thoải mái mà không bị xô lệch.

Ngoài thêu, may trang phục truyền thống, bà Pờ Chin Dín còn biết hát dân ca. Bà Dín vừa nói chuyện với chúng tôi, vừa lấy chiếc đàn tròn trong chiếc tủ gỗ của gia đình và đưa cho chúng tôi xem. Đàn tròn là nhạc cụ để biểu diễn dân ca Pa Dí, làm bằng gỗ, có 4 dây, phần đầu mang hình đầu rồng, tượng trưng cho sức mạnh của sự sống, sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng.

Mê nhạc cụ dân tộc, yêu văn hóa truyền thống từ thời niên thiếu, bà Dín đã gắn bó cuộc đời mình với chiếc đàn tròn từ khi 15 tuổi cho đến tận bây giờ. Bà Dín kể: Hồi bé, tôi thường theo anh chị đi xem biểu diễn dân ca và lén tập đàn những lúc anh chị giải lao, nên tôi biết chơi đàn và đam mê chơi đàn ngấm vào người lúc nào không hay.

Đến giờ, bà Dín đã chơi thành thạo đàn tròn, thuộc nhiều bài dân ca Pa Dí, trong đó bà thuộc lời khoảng 10 bài dân ca cổ, đó là các bài hát về 12 tháng và các mùa trong năm, 12 con giáp, các bài ca về đời sống của người Pa Dí. Người Pa Dí không có chữ viết riêng nên lời ca, tiếng hát đều được truyền miệng, qua nhiều thế hệ. Vì biết nhiều bài hát cổ nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương, bà đều được mời tham gia.

Lời cổ bài hát dân ca Pa Dí khó học và khó dịch nghĩa. Nếu là người không biết hát dân ca sẽ không thể dịch được nghĩa của lời bài hát...

Bà Pờ Chin Dín cho biết

Là người con của bản Pa Dí, ông Pờ Vần Nam, năm nay sắp bước vào cái tuổi “tri thiên mệnh”. Mang gen nghệ thuật từ bố của mình - nhà thơ Pờ Sảo Mìn, quá trình học Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hoàng Liên Sơn, rồi học lên Đại học Văn hóa Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, ông Pờ Vần Nam về “đầu quân” cho ngành văn hóa huyện Mường Khương. Góp sức bảo tồn văn hóa các dân tộc tại địa phương, trong đó có dân tộc Pa Dí, trải qua những nấc thang của cuộc sống, ông Pờ Vần Nam hiện là cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện Mường Khương.

Cách đây tròn 30 năm, ông Pờ Vần Nam đã rong ruổi các bản làng tìm hiểu, sưu tầm và ghi chép lại vốn văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc tại Mường Khương. Thế nhưng, lúc bấy giờ, máy tính chưa phổ biến, lại ghi chép bằng tay nên có nhiều tài liệu đã thất lạc, không tìm thấy lại được nữa.

Qua quá trình tìm hiểu, ông Nam nhận thấy, nét độc đáo nhất trong văn hóa của người Pa Dí là trang phục, dân ca, dân vũ. Bởi vậy, nhiều chất liệu văn hóa truyền thống của người Pa Dí đã được tái hiện, xây dựng thành tác phẩm nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và đương đại, được biểu diễn nhiều nơi như tác phẩm của nghệ sỹ múa Trương Đức Cường.

Người Pa Dí gìn giữ văn hóa dân tộc tương đối tốt, chịu khó, chăm chỉ nên đời sống kinh tế khá. Trước đây, tôi nói tiếng Nùng theo ngôn ngữ của mẹ, sau khi đi làm mới lên bản để học tiếng Pa Dí theo dân tộc của bố.

Ông Pờ Vần Nam chia sẻ.

Trăn trở câu chuyện bảo tồn văn hóa, ông Pờ Vần Nam chia sẻ: Tôi cũng từng nhiều lần tham gia các lớp tập huấn nghiên cứu văn hóa dân gian, nghiên cứu văn hóa dân tộc Pa Dí. Tuy nhiên, trước thăng trầm của thời gian, tôi vẫn luôn đau đáu mong sao văn hóa truyền thống của dân tộc mình được bảo tồn và gìn giữ một cách hiệu quả nhất, từ đó lan tỏa và phát huy trong đời sống của cộng đồng người Pa Dí.

Người Pa Dí sinh sống tập trung chủ yếu ở xã Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương. Người Pa Dí có phong tục ăn tết (kin cheng) vào 23/6 âm lịch, tổ chức đu quay, đàn, hát dân ca… Người Pa Dí cũng có một số nghề thủ công truyền thống như chạm khắc bạc, làm hương, nấu rượu, làm điếu cày.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-1-ban-pa-di-co-cay-hai-ngan-la-post384479.html