BÀI 1: Bí mật về ngôi nhà vườn 'độc nhất vô nhị' giữa lòng Hà Nội

Nằm ẩn mình phía sau dãy nhà mặt tiền san sát nhau trên phố Đinh Liệt, con phố lúc nào cũng tấp nập dòng người qua lại, hàng quán la liệt bán mua đủ thứ, từ đồ ăn đến đồ mặc, đồ lưu niệm đến đồ trang sức…ngôi nhà vườn gần 100 năm tuổi của gia tộc họ Phạm khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi không gian xưa cũ, tĩnh mịch xưa nay hiếm. Bước qua cánh cổng sắt được sơn màu xanh lục nổi bật là lối đi nhỏ dẫn du khách tò mò đến với ngôi nhà vườn duy nhất còn lại trong khu phố cổ Hà Nội với kiến trúc vô cùng độc đáo.

Có lẽ ngay cả những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thuộc từng ngã rẽ của 36 phố phường cũng không khỏi ngạc nhiên khi giữa lòng phố cổ chật chội, đông đúc, vẫn tồn tại một ngôi nhà nằm sâu trong ngõ có diện tích tới gần 600 mét vuông. Điều đặc biệt hơn cả, đó là một ngôi nhà mang dáng vẻ cổ kính, lưu giữ nhiều dấu ấn kiến trúc và văn hóa của Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử nhiều thiên biến, thăng trầm.

Dù ở trong tít ngõ sâu nhưng ngôi nhà vườn độc đáo này từ lúc xây dựng đã có hai lối vào, một lối ở số 115 Hàng Bạc và một lối ở số 6 Đinh Liệt. Theo tìm hiểu, ngôi nhà tính đến nay cũng vừa tròn 80 “tuổi”. Mặt nhà phía Hàng Bạc trước kia là cửa hiệu lọc vàng nhãn hiệu “Sư Tử” của gia đình vợ chồng cụ ông Phạm Thanh và cụ bà Phạm Thị Tề vốn là những người kinh doanh buôn bán vàng nức tiếng ở khu phố cổ lúc bấy giờ. Còn mặt nhà phía sau thông ra phố Đinh Liệt được sử dụng để xây dựng ngôi biệt thự vườn làm nơi sinh hoạt chính của gia đình. Hiện tại lối đi vào từ đường Hàng Bạc đã bị bít lại, chỉ còn lối đi nhỏ từ mặt phố Đinh Liệt.

Đây cũng là nơi sinh sống của gần chục hộ dân thuộc nhiều thế hệ trong gia đình họ Phạm, từ đời vợ chồng cụ Thanh và cụ Tề. Tới nay, cả hai cụ đều đã khuất bóng, 8 người con của hai cụ cũng đã ở độ tuổi thất thập, bát thập. Ngoại trừ một người con ra nước ngoài sinh sống đã lâu thì 7 người con còn lại đều vẫn sống trong không gian ngôi nhà vườn này, có gia đình nhỏ của riêng mình và theo thời gian thì mỗi tổ ấm nhỏ lại đón thêm nhiều thành viên mới. Một phần vườn trước của ngôi nhà vì vậy được người trong nhà xếp sắp quy hoạch lại không gian cho phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của vài chục con người.

SỰ HIẾU KHÁCH PHÍA SAU CÁNH CỔNG

 Bước qua cánh cổng sắt mặt đường số 6 Đinh Liệt, men theo lối đi nhỏ chừng hơn chục mét, du khách có thể thấy không gian ngôi biệt thự vườn mở ra trước mắt. Trong ảnh là mặt ngoài (bên trái) và mặt trong (bên phải) cổng chính dẫn vào ngôi biệt thự.

Bước qua cánh cổng sắt mặt đường số 6 Đinh Liệt, men theo lối đi nhỏ chừng hơn chục mét, du khách có thể thấy không gian ngôi biệt thự vườn mở ra trước mắt. Trong ảnh là mặt ngoài (bên trái) và mặt trong (bên phải) cổng chính dẫn vào ngôi biệt thự.

Cánh cổng dẫn vào ngôi nhà vườn độc đáo này lúc nào cũng mở, ai cũng có thể tự nhiên ra vào. Trên cánh cửa sắt màu xanh lục đã hoen gỉ chỉ có chiếc biển nhỏ với dòng chữ ngay ngắn đậm nét nhắc nhở mọi người nếu ra vào lúc sáng sớm thì nhớ khép cổng lại. Sau này tôi được người sống bên trong căn nhà giải thích, lúc sáng sớm là khoảng thời gian nhiều người hay dẫn theo “thú cưng” đi tập thể dục, lắm lúc vật nuôi chạy vào hồn nhiên phóng uế nên gia chủ đành phải lưu ý vậy, còn đâu cả ngày đều mở cổng để mọi người thoải mái vào ra.

Men theo lối nhỏ dẫn vào bên trong ngôi nhà từ mặt phố Đinh Liệt, tôi gặp người một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi nhâm nhi chén nước trà, rít điếu thuốc lào ở hàng lang chính giữa nhà. Vừa cất tiếng hỏi thăm, người đàn ông liền chỉ tôi sang phía nhà ông Phạm Ngọc Giao – con trai thứ của ông Thanh và bà Tề - người mà như ông giới thiệu là “ông ấy là cả pho tư liệu sống về nơi này”. Và như đã quen với việc thi thoảng lại có người lạ đi vào ngó nghiêng, những người dân sinh sống trong ngôi nhà chẳng bao giờ vặn hỏi kiểu như: “vào nhà ai thế?”, “tìm ai đấy”, “có việc gì không?”… Trái lại, khi nhận được lời hỏi thăm của các vị khách “không mời mà đến”, có khi là cả đoàn khách du lịch, những người sinh sống trong ngôi nhà, đặc biệt là bậc cao niên, thường sẵn lòng giải đáp mọi tò mò về không gian nơi mình đang sống. Ông Phạm Ngọc Giao thậm chí còn cẩn thận treo tấm bìa ghi số điện thoại của mình ở trước cửa để nếu ai có việc gì gấp cần liên hệ thì có thể gọi điện thoại.

Chiếc giếng cổ nằm khiêm tốn giữa sân trước ngôi biệt thự. Ông Phạm Ngọc Giao cho biết, khi bố mẹ ông mua lại căn nhà này và xây dựng thì chiếc giếng đã có từ đời chủ cũ rồi. Tính ra chiếc giếng này phải có niên đại ít nhất trên 100 năm tuổi vì bố mẹ ông đều thọ hơn 100 tuổi mới mất. Xung quanh giếng được xây tường bao hình vuông nhưng miệng giếng hình tròn, rộng khoảng 80cm, sâu 3m. Giếng có nước rất trong và mát, mạch đứng. Ngày trước, gia đình ông Giao vẫn dùng nước giếng làm nước sinh hoạt. Những ngày hè trời nóng, mọi người lại pha nước nhân trần, cam thảo vào chai, đậy kín lại rồi thả xuống giếng ngâm dưới đó vài tiếng đồng hồ rồi kéo lên uống, nước mát như để trong tủ lạnh.

Chiếc giếng cổ nằm khiêm tốn giữa sân trước ngôi biệt thự. Ông Phạm Ngọc Giao cho biết, khi bố mẹ ông mua lại căn nhà này và xây dựng thì chiếc giếng đã có từ đời chủ cũ rồi. Tính ra chiếc giếng này phải có niên đại ít nhất trên 100 năm tuổi vì bố mẹ ông đều thọ hơn 100 tuổi mới mất. Xung quanh giếng được xây tường bao hình vuông nhưng miệng giếng hình tròn, rộng khoảng 80cm, sâu 3m. Giếng có nước rất trong và mát, mạch đứng. Ngày trước, gia đình ông Giao vẫn dùng nước giếng làm nước sinh hoạt. Những ngày hè trời nóng, mọi người lại pha nước nhân trần, cam thảo vào chai, đậy kín lại rồi thả xuống giếng ngâm dưới đó vài tiếng đồng hồ rồi kéo lên uống, nước mát như để trong tủ lạnh.

Trước khi bấm chuông cửa tìm ông Giao, tôi tranh thủ dạo một vòng quanh sân trước ngôi nhà để ngắm nghía, không gian phía trước ít nhiều thay đổi so với một vài hình ảnh thuở xưa mà tôi tìm được và mường tượng, có thể thấy rõ nhất là khu vườn đã bị thu hẹp hơn bởi sự xuất hiện của dãy nhà bê tông hình ống phía ngoài cùng được xây cất gọn ghẽ làm nơi sinh hoạt của nhiều hộ gia đình. Phía hông ngôi nhà cũng được cải tạo xây dựng lại thành một căn hộ biệt lập theo lối kiến trúc mới. Cũng phải quan sát rất kỹ mới có thể thấy chiếc giếng nhỏ được xem là “mắt ngọc” của ngôi nhà nằm khép mình ở dưới bụi cây trong vườn, bên trên được bịt lại bằng tấm bê tông có khoét nhiều lỗ tròn thông khí.

Dù vậy, ngôi biệt thự vườn bề thế mang đậm dấu ấn kiến trúc Á Đông kết hợp với phong cách phương Tây, thể hiện tinh thần mỹ thuật Đông – Tây giao lưu, vẫn đứng sừng sững như nhân chứng sống của một thời kỳ giao thoa lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Thoạt nhìn, ngôi nhà có dáng dấp hệt như một biệt thự Pháp cổ với màu sơn, cánh cửa, bậc thềm, cầu thang mang kiến trúc Tây Âu, song kỳ thực nó lại là sự kết hợp tài tình và khéo léo giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại, thôn quê và thành thị, đem lại cảm thức vừa mới vừa cũ, vừa văn minh vừa cổ kính quen thuộc.

GIẢI MÃ NHỮNG ĐIỀU KỲ LẠ VỀ KIẾN TRÚC "NHÀ XUYÊN PHỐ"

Một góc sân bên hông ngôi biệt thự vườn được ông Giao cải tạo lại thành chỗ để mọi người có thể ngồi thưởng trà.

Một góc sân bên hông ngôi biệt thự vườn được ông Giao cải tạo lại thành chỗ để mọi người có thể ngồi thưởng trà.

Tiếp tôi trong căn nhà cao tầng rộng chừng hai mươi mét vuông, ông Phạm Ngọc Giao chỉ vào chiếc bàn tiếp khách kê ngay ngắn ở góc nhà tầng 1 rồi bảo: “chỗ này năm xưa là trồng cây ổi đào đấy” rồi chỉ ra khoảnh sân nhỏ trước nhà, cũng là lối đi chung dẫn vào mấy căn nhà cao tầng nhỏ nằm lắt léo bên trong – nơi mấy anh em trong gia đình ông bảo nhau sinh sống – và kể: “khu đó năm xưa là bụi chuối ở góc vườn”. Cùng với thời gian, số lượng cư dân trong ngôi nhà vườn năm xưa cũng nhân lên qua mỗi thế hệ, không gian sống vì thế cũng trở nên chật chội nên một phần trước khu vườn được các con của cụ Thanh – cụ Tề cải tạo lại cho phù hợp với nhu cầu sinh sống, nhưng trên tinh thần bảo tồn nguyên căn biệt thự vườn và khoảng sân phía trước.

Theo lời kể của ông Phạm Ngọc Giao, ngôi nhà vườn rộng hàng trăm mét vuông này được xây dựng năm 1944 trên cơ sở bản thiết kế kiến của Đại tá - kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ (tên gọi khác là Phạm Hoàng) – một trong những gương mặt tiêu biểu của nền kiến trúc Việt Nam. Theo tài liệu ghi chép lại, kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 8 (1932 – 1937). Năm 1974, vị kiến trúc sư tài năng này từng vinh dự nhận nhiệm vụ tham gia Ủy viên Hội đồng Giám sát quốc gia Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được ghi nhận là có nhiều đóng góp ý kiến xác đáng cho bản thiết kế xây dựng công trình trọng đại này.

Điều lý thú ở chỗ, kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ cũng chính là hàng xóm sát vách với vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh. Ngày ấy, vốn là chỗ thân tình “tối lửa tắt đèn có nhau”, nên khi ông Thanh ngỏ ý muốn nhờ thiết kế cho gia đình mình ngôi nhà ở số 115 Hàng Bạc, kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ vui vẻ nhận lời với tinh thần “vẽ vui cho bạn”. Khoảng năm 1944, bản thiết kế ngôi nhà này được hoàn thiện để gia chủ đưa vào xây dựng và hoàn thành vào năm 1948. Sau này trong cuốn sách “Thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên” có bài viết về kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ và một số công trình kiến trúc tiêu biểu trong sự nghiệp của ông, trong đó ngôi nhà số 115 Hàng Bạc được nhắc đến và ghi nhận là ngôi nhà cổ có giá trị lớn lao.

Bản vẽ mặt cắt công trình ngôi biệt thự vườn ở số 115 Hàng Bạc do kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ thực hiện. Đây cũng là một trong những công trình tiêu biểu của vị kiến trúc Đại tá, sau này được nhắc đến trong cuốn sách nói về các thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam.

Bản vẽ mặt cắt công trình ngôi biệt thự vườn ở số 115 Hàng Bạc do kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ thực hiện. Đây cũng là một trong những công trình tiêu biểu của vị kiến trúc Đại tá, sau này được nhắc đến trong cuốn sách nói về các thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam.

Dẫn tôi đi tham quan ngôi nhà vườn có tuổi đời gần một thế kỷ mà bố mẹ mình để lại, ông Phạm Ngọc Giao bảo, ông vẫn nhớ như in ước nguyện mà bậc thân sinh mong muốn khi xây dựng công trình này, đó là “làm sao giữa Hà Nội có một không gian mang hơi thở và hồn quê”. Có lẽ chính vì ý tưởng ấy nên sau đó kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ đã sáng tạo nên một công trình kiến trúc “độc nhất vô nhị” tới thời điểm này ở Hà Nội giao thoa hài hòa giữa Âu và Á, Đông và Tây, giữa hiện đại và truyền thống dân tộc. Đặc biệt, đây cũng là ngôi biệt thự vườn theo phong cách “nhà xuyên phố” duy nhất còn sót lại đến nay.

Theo bản vẽ mặt cắt công trình 115 Hàng Bạc mà tôi thu thập được thì ngôi biệt thự vườn này được kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ thiết kế gồm 2 tầng chính, 1 tầng áp mái với 5 phòng sinh hoạt, 1 phòng khách, 1 phòng sản xuất, 1 kho áp mái, 1 phòng thờ, xen kẽ đó là hàng lang và sân trời. Phía bên hông phải ngôi nhà là phòng cải tạo lợp mái tôn được ghi chú là “không ở”. Diện tích được sử dụng để xây ngôi nhà này rơi vào khoảng 200m2 và tuân theo tỷ lệ lý tưởng 1:1 để hài hòa giữa không gian ở và thiên nhiên xung quanh, tức là diện tích nhà ở bao nhiêu thì diện tích sân vườn phía trước sẽ tương ứng bấy nhiêu.

Một góc sân chính giữa ngôi biệt thự vườn nhìn từ trên cao. Khoảng sân này là nơi có chiếc giếng cổ chưa rõ niên đại và chiếc bể tiểu cảnh tạo thành "đôi mắt ngọc" trong tổng thể thiết kế cảnh quan.

Một góc sân chính giữa ngôi biệt thự vườn nhìn từ trên cao. Khoảng sân này là nơi có chiếc giếng cổ chưa rõ niên đại và chiếc bể tiểu cảnh tạo thành "đôi mắt ngọc" trong tổng thể thiết kế cảnh quan.

Hiện tại khoảng sân của ngôi biệt thự vườn này không còn rộng rãi được như mấy chục năm về trước nhưng vẫn còn nguyên vẹn dấu tích của chiếc giếng cổ không rõ niên đại, đối xứng đó là bể tiểu cảnh (còn được gia đình thường gọi là tiểu đảo) tạo thành “đôi mắt ngọc” trong tổng thể thiết kế cảnh quan. Các căn phòng sinh hoạt ở tầng 1 lẫn tầng 2 vẫn được dùng làm nơi ở của các hộ gia đình với nhiều thành viên, có khác xưa chăng chắc là ở hình ảnh cửa đóng then cài ngăn cách lối ra vào. Lối cầu thang dẫn lên các tầng cũng được bê tông hóa nhưng phần tay thang vẫn được uốn lượn bằng gỗ, thân thang dù đổ xi măng nguyên khối nhưng vẫn được chạm khắc họa tiết hình con dơi trải dài từ trên xuống dưới. Như lý giải của ông Phạm Ngọc Giao thì chữ “dơi” có cách đọc đồng âm với chữ “phúc” nên đây là một trong những biểu tượng được dùng nhiều trong thiết kế kiến trúc ngôi nhà. Phần cầu thang cũng được chế tác bởi bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chuyên xây dựng biệt thự cổ với chiều rộng 1m, mỗi bậc được tính toán cẩn thận cách nhau 20cm.

Không chỉ có ở dọc cầu thang mà bất kể ô thông gió, cửa sổ hay trên cánh cửa của ngôi biệt thự vườn đều xuất hiện họa tiết thú vị này cùng nhiều hình ảnh mang độc đáo khác như: chữ “Thọ”, chữ “Phúc”, họa tiết hình hoa thị, đám mây…Đây đều là những họa tiết mang ý nghĩa cầu chúc những điều may mắn và tốt đẹp nhất đến với gia chủ. Bên cạnh đó khách tham quan có thể dễ dàng bắt gặp một số hình ảnh mang đậm dấu ấn mỹ thuật trang trí cung đình Huế ở một số ô cửa sắt nhỏ bên ngoài nhà.

Căn phòng năm xưa là chỗ ở của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề, hiện giờ đã được cải tạo lại thành phòng lưu niệm, cũng là nơi đặt ban thờ gia tiên họ Phạm. Trong căn phòng này còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật có giá trị đặc biệt, nhiều đồ cổ có niên đại lâu năm.

Căn phòng năm xưa là chỗ ở của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề, hiện giờ đã được cải tạo lại thành phòng lưu niệm, cũng là nơi đặt ban thờ gia tiên họ Phạm. Trong căn phòng này còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật có giá trị đặc biệt, nhiều đồ cổ có niên đại lâu năm.

Căn phòng đặc biệt nhất trong ngôi biệt thự này có lẽ chính là căn phòng sinh hoạt nằm ở tầng 2, nằm kế bên phòng khách và phía dưới kho áp mái. Căn phòng này từng là nơi sinh sống của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề. Hiện tại nơi đây được bài trí giống như phòng lưu niệm của ngôi nhà với tủ thờ tự gia tiên, bộ sập gụ, tủ chè, bàn ghế cổ, các bức hoành phi câu đối, tranh ảnh cổ, bình gốm pháp lam từ thời Nguyễn…Trên sập gụ vẫn trải tấm nệm bọc ga để nhắc nhớ về sự hiện hữu của người đã khuất núi.

Phía trên bức tường cũng treo rất nhiều bức ảnh gia đình được phục chế lại. Trong số đó có cả ảnh về cụ bà Phạm Thị Tề được nhiếp ảnh gia nước ngoài chụp lại và gửi tặng sau lần ghé thăm ngôi nhà. Ở hành lang phía trước căn phòng vẫn còn bộ bàn ghế gấp lúc trước là nơi cụ Phạm Thị Tề khi về già vẫn dùng bữa và thưởng trà.

Phòng khách nằm ở tầng 2 căn biệt thự, hiện vẫn lưu giữ bộ bàn ghế mang phong cách vua Louis đời thứ XIV do các nghệ nhân Pháp chế tác từ cách đây cả trăm năm.

Phòng khách nằm ở tầng 2 căn biệt thự, hiện vẫn lưu giữ bộ bàn ghế mang phong cách vua Louis đời thứ XIV do các nghệ nhân Pháp chế tác từ cách đây cả trăm năm.

Ở kế bên căn phòng đặc biệt này là phòng khách, còn được gia chủ tận dụng làm phòng đọc sách, vẫn lưu giữ bộ bàn ghế cổ làm từ gỗ quý được ông Phạm Ngọc Giao giới thiệu là được chế tác từ trước cả khi ngôi nhà này được xây dựng, tính ra tuổi đời cũng trên dưới trăm năm tuổi với giá trị tương đương 10 cây vàng thời đó. Bộ bàn ghế mang phong cách vua Louis đời thứ XIV do các nghệ nhân Pháp làm ra.

Người con trai của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh kể, trong một dịp vào phòng khách của Nhà hát Lớn Hà Nội nhân lễ tuyên tương thanh niên tiêu biểu của Thủ đô, ông nhìn thấy bộ bàn ghế có thiết kế giống hệt bộ bàn ghế này của nhà mình.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Giao, lúc thiết kế ngôi nhà, bố mẹ ông cũng mong muốn có một phòng thờ riêng ở trên tầng cao nhất để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam – tín ngưỡng dân gian truyền thống có lịch sử lâu đời, thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, đề cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng, sau này được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tới giờ, tập tục thờ cúng này vẫn được ông cùng các anh chị em và con cháu trong gia đình tiếp nối thực hành với niềm tôn kính và tự hào lớn lao.

Phần mái của ngôi biệt thự được thiết kế với kiến trúc đầu rồng cong vút, chạm trổ tinh tế, gợi nhớ đến các công trình kiến trúc làng Việt cổ

Phần mái của ngôi biệt thự được thiết kế với kiến trúc đầu rồng cong vút, chạm trổ tinh tế, gợi nhớ đến các công trình kiến trúc làng Việt cổ

Có một điều không thể bỏ qua khi nhắc đến kiến trúc của công trình biệt thự vườn có một không hai này, đó là phần mái được thiết kế dốc, xếp các lớp ngói đỏ truyền thống với thiết kế đầu rồng cong vút, chạy dọc trên đỉnh mái là hàng xi măng với họa tiết hoa đăng, các cây cột trụ đỡ nhà được làm bằng thân gỗ to, ô cửa với họa tiết chạm trổ hình chữ “thọ”, các bức phù điêu đắp nổi phỏng theo điêu khắc gỗ đình chùa…tất cả đều gợi nhắc về kiến trúc làng Việt cổ.

Đáng chú ý, mái tầng trên hướng về mặt trước của ngôi nhà được thiết kế 3 đầu rồng thay vì 2 đầu rồng như thông thường. Tiết lộ về sự khác biệt này, ông Phạm Ngọc Giao cho biết, khi thiết kế ngôi nhà thì yếu tố phong thủy rất được chú trọng. Mà theo phong thủy thì thế của khu đất không vuông vức, khuyết hướng Tây và hướng Nam, thế nên cần phải hóa giải bằng cách xây mái 3 đầu rồng để đẩy các nguồn năng lượng không tốt đi. Yếu tố phong thủy cũng được thấy rất rõ trong việc bài trí cây cảnh ở khoảng sân trước nhà với cây trúc quân tử (đại diện cho phái mạnh), cây liễu (biểu trưng cho phái yếu), cây mộc hương (thể hiện sự cao quý), cây lộc vừng (gợi nhắc sự sung túc thịnh vượng), cây cau (thể hiện sự trù phú bốn mùa), cây bưởi (thể hiện sự ngọt ngào)…

Khoảng sân ở cạnh phòng thờ cũng được thiết kế với phần giếng trời gồm 9 lỗ thoáng bên trên để đón ánh sáng và không khí lưu thông, tạo ra sự cân bằng và hòa hợp giữa hai yếu tố âm - dương theo phong thủy.

Khoảng sân ở cạnh phòng thờ cũng được thiết kế với phần giếng trời gồm 9 lỗ thoáng bên trên để đón ánh sáng và không khí lưu thông, tạo ra sự cân bằng và hòa hợp giữa hai yếu tố âm - dương theo phong thủy.

Ngay cả phần giếng trời ở cạnh phòng thờ trên tầng cao nhất cũng được thiết kế theo kiến trúc “khoang âm dương” với 9 lỗ thoáng bên trên. 9 lỗ thông khí này cũng được khoan trên tấm bê tông dùng làm nắp đậy chiếc giếng cổ ở sân tầng 1. Ý nghĩa thì theo ông Phạm Ngọc Giao là để tạo ra sự “tiếp dương”, cân bằng âm – dương trong phong thủy, giúp cho tâm hồn con người ta trở nên thư thái, thanh thoát và nhẹ nhõm. Các tia sáng từ nắng rọi xuống các lỗ giếng trời cũng tạo nên không gian vừa lạ lẫm, vừa huyền ảo và thú vị.

(Còn nữa)

Một số hình ảnh thể hiện sự độc đáo trong kiến trúc của ngôi biệt thự vườn:

Vật liệu được dùng để xây dựng nên ngôi biệt thự này năm xưa được chọn lựa rất kỹ càng, nền nhà được làm từ bê tông nguyên khối rất rắn chắc, càng đi nhiều càng bóng loáng.

Vật liệu được dùng để xây dựng nên ngôi biệt thự này năm xưa được chọn lựa rất kỹ càng, nền nhà được làm từ bê tông nguyên khối rất rắn chắc, càng đi nhiều càng bóng loáng.

Mái nhà ở tầng trên hướng về phía trước căn biệt thự được thiết kế 3 đầu rồng thay vì 2 đầu rồng như thông thường để khắc chế thế đất không vuông vức.

Mái nhà ở tầng trên hướng về phía trước căn biệt thự được thiết kế 3 đầu rồng thay vì 2 đầu rồng như thông thường để khắc chế thế đất không vuông vức.

Nhiều chi tiết được chạm khắc tinh xảo theo lối kiến trúc cung đình xưa

Nhiều chi tiết được chạm khắc tinh xảo theo lối kiến trúc cung đình xưa

Phần mái ngói được xếp dốc, hai bên đầu rồng nối nhau bằng thành bê tông khắc hình dải hoa đăng

Phần mái ngói được xếp dốc, hai bên đầu rồng nối nhau bằng thành bê tông khắc hình dải hoa đăng

Bức tường phía trước gian thờ nơi gia đình ông Giao thực hiện tín ngưỡng thờ Mẫu

Bức tường phía trước gian thờ nơi gia đình ông Giao thực hiện tín ngưỡng thờ Mẫu

Con gái của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề là một họa sĩ có tiếng nên nhiều bức tường trong căn biệt thự được trang trí với hình ảnh gợi nhắc phố phường Hà Nội xưa

Con gái của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề là một họa sĩ có tiếng nên nhiều bức tường trong căn biệt thự được trang trí với hình ảnh gợi nhắc phố phường Hà Nội xưa

Đôi voi bằng đá có tuổi đời bằng tuổi đời của ngôi biệt thự

Đôi voi bằng đá có tuổi đời bằng tuổi đời của ngôi biệt thự

Lối đi ngoài hành lang tầng 2 của căn biệt thự, trước cửa phòng lưu niệm của gia chủ.

Lối đi ngoài hành lang tầng 2 của căn biệt thự, trước cửa phòng lưu niệm của gia chủ.

Các lối đi dẫn quanh khu biệt thự đều được thiết kế để đón ánh sáng và không khí

Các lối đi dẫn quanh khu biệt thự đều được thiết kế để đón ánh sáng và không khí

Một trong hai "ông tượng" được chủ cũ để lại cho gia đình cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề khi bán lại mảnh đất số 115 Hàng Bạc

Một trong hai "ông tượng" được chủ cũ để lại cho gia đình cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề khi bán lại mảnh đất số 115 Hàng Bạc

Cánh cửa với các nan sắt được uốn lượn tinh xảo theo kiến trúc cung đình xưa

Cánh cửa với các nan sắt được uốn lượn tinh xảo theo kiến trúc cung đình xưa

Căn phòng chính giữa ngôi biệt thự vườn ở tầng 1, xưa kia là phòng sinh hoạt chung của gia đình cụ Phạm Văn Thanh cùng các con cháu trong nhà.

Căn phòng chính giữa ngôi biệt thự vườn ở tầng 1, xưa kia là phòng sinh hoạt chung của gia đình cụ Phạm Văn Thanh cùng các con cháu trong nhà.

Bích Hậu

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bai-1-bi-mat-ve-ngoi-nha-vuon-doc-nhat-vo-nhi-giua-long-ha-noi-post587647.antd