Bài 1: Bước chuyển quan trọng từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường
20 năm trước, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) ra đời và đi vào hoạt động đánh dấu một bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế. Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên công ty các thời kỳ đã cùng nhau nỗ lực vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt vai trò là công cụ hữu hiệu của Chính phủ trong việc xử lý nợ và tài sản tồn đọng, hỗ trợ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, thị trường mua bán nợ cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm nợ xấu cho hệ thống ngân hàng từng bước được tạo lập.
Ngày 5/6/2003, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sự ra đời của DATC có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế của đất nước, từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường.
Gian nan những bước đi của người mở đường
Chia sẻ về bối cảnh ra đời của DATC, ông Phạm Đình Soạn - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty giai đoạn 2003 - 2006 cho biết, vào thời điểm đầu những năm 2000, nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang thị trường, mối quan hệ của doanh nghiệp và Nhà nước thay đổi rất lớn. Trong mối quan hệ bao cấp, hành chính, việc vay nợ, khoanh nợ, xóa nợ khó khăn của doanh nghiệp đều là các quyết định được xem xét theo quy trình hành chính, phải trình bộ quản lý, trình Chính phủ xem xét…
Doanh số mua nợ đạt trên 1.000 tỷ đồng sau 5 năm thành lập
Đến năm 2007, sau 5 năm thành lập, DATC lần đầu vượt mốc hơn 1.000 tỷ đồng tổng doanh số mua nợ. Cũng trong năm này, DATC thực hiện phương án đầu tiên gắn xử lý nợ với tái cơ cấu doanh nghiệp tại Sadico Cần Thơ. Từ một doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, đứng trên bờ vực phá sản Sadico được xử lý nợ, chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng, kinh doanh luôn có hiệu quả, lên sàn giao dịch Hà Nội với mã chứng khoán SDG.
Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khi đó đã được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ viết đề án thành lập công ty DATC, như một công cụ quan trọng của Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ nói trên; đánh dấu sự chuyển đổi từ cơ chế hành chính, bao cấp sang kinh tế thị trường.
Mục tiêu thành lập công ty được nêu tại quyết định để xử lý nợ, tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đó là những vấn đề mà khi đó còn đang hết sức “ngổn ngang”, mới mẻ với nền kinh tế nước ta.
Theo ông Phạm Phan Quang - nguyên Tổng giám đốc DATC, việc đầu tiên khi thành lập công ty lúc đó là lo về công tác cán bộ. Ông đã đến từng ban chuyên môn trong Cục Tài chính doanh nghiệp để vận động, thuyết phục anh em tham gia vào đơn vị non trẻ này. Vào ngày ra mắt chính thức 2/4/2004, DATC có tất cả 21 cán bộ.
Cùng lúc đó, ban lãnh đạo công ty khẩn trương tập trung xây dựng các chính sách, cơ chế để công ty hoạt động. Tháng 12/2003, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 199 về điều lệ, tổ chức hoạt động, bộ máy của công ty; tháng 6/2004, ban hành quy chế tài chính. Đây là những chính sách “xương sống” để công ty đi vào hoạt động.
Khi vừa thành lập, DATC chỉ có 2 phòng nghiệp vụ chính là Phòng Thu hồi, khai thác tài sản và Phòng Mua bán nợ. Ngày ấy, những cán bộ làm nghiệp vụ của DATC đã lăn lộn khắp các tỉnh thành trong cả nước để cùng doanh nghiệp kiểm tra, rà soát hồ sơ, số liệu phục vụ cho việc ký biên bản bàn giao nợ và tài sản loại trừ khi tiến hành cổ phần hóa tại các DNNN. Những ngày tháng đó, các chính sách, hướng dẫn, kinh nghiệm thực tế đều chưa có, các cán bộ DATC đều phải tự mày mò, nghiên cứu tìm những bước đi đầu tiên để thực hiện nhiệm vụ.
Được biết, ban lãnh đạo DATC khi đó đã rất vất vả vừa tìm hướng đi cho hoạt động của công ty, vừa nghiên cứu chế độ chính sách để trình ban hành Thông tư 39 - thông tư đầu tiên của Bộ Tài chính hướng dẫn về trình tự, thủ tục và xử lý tài chính đối với hoạt động mua, bán, bàn giao tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp.
“Sau ngày ra mắt, các đối tác đến rất nhiều, từ các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, tổng công ty nhà nước, các tổ chức nước ngoài… Khi đó xây dựng đối tác xong mới thấy mình nhỏ bé quá. Đó là nguyên nhân ra đời Quyết định 55, công nhận công ty DATC là doanh nghiệp hạng đặc biệt. Nếu không có quyết định này thì công ty làm việc rất khó. Quá trình nâng hạng doanh nghiệp là cả câu chuyện rất dài, thành công được là nhờ sự hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo Bộ Tài chính” - ông Phạm Phan Quang chia sẻ.
“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” là nguyên tắc nền tảng
Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động và được công nhận là DNNN hạng đặc biệt, nhiệm vụ chính được giao cho DATC khi đó là tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN.
Trong giai đoạn đầu, hoạt động tiếp nhận, thu hồi tài sản là hoạt động trọng tâm của DATC. Tuy nhiên, nhiều đơn vị khi được tiếp xúc chưa hiểu rõ chức năng hoạt động, vai trò của công ty. Bà Nguyễn Thị Luyện - nguyên Trưởng phòng Tiếp nhận xử lý nợ và tài sản, nhớ lại lúc mới thành lập, phòng chỉ có 7 cán bộ. Tiếp nhận một khối lượng công việc rất lớn khi tài sản loại trừ các doanh nghiệp để lại rất nhiều, các cán bộ trong công ty đã phải đi đến từng doanh nghiệp, địa phương để xem xét, tiếp nhận các tài sản đó. Tài sản nhiều, tình trạng rất khác nhau, nhận về chưa biết để đâu, xử lý thế nào…, rất bỡ ngỡ.
Khi đó, lãnh đạo công ty đã bàn bạc và lựa chọn thí điểm theo cách tiếp nhận trên sổ sách kế toán, dựa trên các kinh nghiệm của một số cán bộ đã từng tham gia xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Từ đó, dần dần xây dựng nên quy trình tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ, hướng dẫn các tập đoàn, tổng công ty… Giai đoạn đó, công ty đã tiếp nhận được 400 doanh nghiệp.
Cùng với đó, công ty thực hiện các phương án mua bán, xử lý nợ theo thỏa thuận và chỉ định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời thực hiện xử lý nợ gắn với chuyển đổi sở hữu DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa hoặc tái cơ cấu phục hồi hoạt động các doanh nghiệp khách nợ.
Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, tuy vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm và đồng thời hoàn thiện quy trình, nhưng về cơ bản DATC đã hoàn thành tốt ngay từ những nhiệm vụ đầu tiên về xử lý các khoản nợ của Ngân hàng Việt Hoa, Ngân hàng Eximbank, Công ty Xuất nhập khẩu Ngũ cốc,… để từ đó từng bước mở ra những chương mới trong quá trình hoạt động của mình.
“Công ty thực hiện từng bước theo phương châm “thăm ván, bán thuyền”, xem xét, lựa chọn phương án hiệu quả cho cả 4 bên là khách hàng, chủ nợ, DATC, Nhà nước. Nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ đã bắt đầu từ đó” - ông Phạm Đình Soạn cho hay.
Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ những bước đi nhỏ đầu tiên
“Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng những bước đi nhỏ bé đầu tiên”. Để hoàn thiện bất cứ hành trình, mục tiêu nào, cũng đều phải xuất phát từ những bước đi nhỏ bé - những hành động cụ thể nhất. Cũng giống như những giọt nước từ những con suối, những dòng sông tạo nên biển cả và những đại dương rộng lớn thì sự thành công của một doanh nghiệp cũng do rất nhiều yếu tố quyết định, trong đó những "bước đi nhỏ bé đầu tiên" đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Với DATC, có được quá trình hình thành và phát triển như ngày hôm nay có sự đóng góp to lớn của những người đi tiên phong, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực, cố gắng bằng những hành động cụ thể.