Bài 1: Cả làng lên đường hỗ trợ đánh giặc
Năm 2024, cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' (7/5/1954 - 7/5/2024). Nhóm phóng viên Báo Lào Cai theo dấu chân những dân công hỏa tuyến, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa trên hành trình từ tỉnh biên giới Lào Cai đến chiến trường Điện Biên Phủ để hiểu hơn một thời hoa lửa, vượt qua bao gian khó, hiểm nguy của các thế hệ cha anh lên đường đánh giặc, giải phóng dân tộc.
Ngoài những trai tráng xung phong đi bộ đội, tại nhiều làng, bản ở Lào Cai cách đây hơn 70 năm, thanh niên không kể gái, trai đồng loạt tình nguyện nhập đoàn dân công hỏa tuyến, tham gia tải lương thực, vận chuyển vũ khí, khí tài cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Đường vào thôn Na Nhung 2, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương giờ đây đã rất thuận lợi bởi đường bê tông phẳng lỳ, rộng thênh thang được nối từ trục chính Quốc lộ 4D vào các ngả đường liên xã. “Đến thôn Na Nhung 2 đi lối nào anh ơi?”, tôi hỏi bác nông dân đang lặc lè địu lù cở dứa chín vàng ruộm. “Nhiều đường lắm, đường nào ô tô cũng đi được, nhưng nhanh nhất là qua trụ sở Ủy ban nhân dân xã rồi rẽ trái” - bác nông dân hồ hởi chỉ đường.
Tại khoảnh sân ngôi nhà gỗ cổ kính rộng 5 gian, mái lợp ngói âm dương, chúng tôi thấy một cụ ông đang gội đầu cho cụ bà bên chậu nước đặt trên kệ gỗ. Tôi sớm nhận ra mùi hương hoa bưởi đặc trưng pha lẫn vị thơm ngào ngạt của sả, hương nhu, quyện mùi bồ kết mà mấy chục năm về trước mẹ và các chị tôi vẫn dùng để chăm sóc mái tóc. Tôi ra hiệu cho người đồng hành dừng chân và giữ yên lặng để phóng viên ghi lại những thước phim sinh động và chân thực nhất.
Người mà chúng tôi đang nhắc tới là cụ ông Hoàng Cồ Phà, 89 tuổi, dân tộc Giáy, cụ bà nhiều hơn cụ ông 1 tuổi, cả hai cụ hiện vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, linh hoạt trong mọi động tác. Những câu hỏi gợi mở của chúng tôi khiến thời trai trẻ của cụ Phà sống động trở lại trong khi đôi bàn tay vẫn đều đều chải mái tóc cho người vợ hiền.
Sau ít phút trò chuyện, cụ nhớ rành rọt từng chi tiết, đó là vào đầu năm 1954, vừa tròn 19 tuổi, hằng ngày, thanh niên Phà vẫn theo đuôi con trâu, con ngựa lên nương làm lụng, kiếm củi. Một hôm, có cán bộ Công an huyện Mường Khương đến vận động đi tải quân lương cho bộ đội, nhận được cái gật đầu của bố mẹ cùng với khí thế của trai tráng trong làng hăng hái đăng ký tham gia đã tiếp thêm nghị lực cho chàng thanh niên Hoàng Cồ Phà lên đường.
Theo những gì cụ Phà còn nhớ được thì trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, huyện Mường Khương có hơn 300 thanh niên lên đường, chủ yếu phục vụ tải quân lương, vũ khí, trong đó đông nhất là xã Bản Lầu, tiếp sau là xã Bản Sen và Lùng Vai, mỗi xã lập một đội dân công phục vụ chiến dịch khoảng 40 đến 60 người. Tại điểm tập kết, mỗi đội lại chia ra thành các tốp khác nhau, biên chế khoảng 10 đến 15 người một tốp. Tốp của cụ Phà gồm các thanh niên cùng xã, mỗi người mang theo một con ngựa để thồ 2 bao gạo từ kho lương tại thành phố Lào Cai đi ngược lên Sa Pa, sang Tam Đường rồi đến điểm cuối là Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ngày nay để giao hàng rồi quay về.
Để tránh bị lộ, địch dùng máy bay tấn công, ban ngày các nhóm ở lại lán, trại trong rừng chờ tới đêm mới di chuyển, từ thị xã Lào Cai tới huyện Phong Thổ trung bình khoảng 3 đến 4 ngày. Trong khoảng hơn 1 tháng, cụ Phà tham gia tải quân lương đã vận chuyển được 4 chuyến hàng với 8 bao gạo. Cụ Phà bảo, hồi đó thiếu thông tin, lại do yêu cầu bí mật quân sự nên chỉ khi hay tin Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ mới biết mình đã tải quân lương phục vụ chiến dịch.
Trong rất nhiều khó khăn, vất vả mà cụ Phà còn nhớ đến nay chính là lần cuối cùng tải gạo từ Mường So trở về đến Sa Pa thì bị phỉ bắt cóc. Đám phỉ cho cụ Phà ăn “bữa đực, bữa cái”, dụ dỗ cụ tham gia đội quân chống lại cách mạng nhưng thất bại, lại thiếu nguồn lương thực nên sau gần 1 tuần giam giữ, chúng để cụ trở về nhà. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, thanh niên Hoàng Cồ Phà tiếp tục tham gia đội dân quân của xã được hơn chục năm.
Rời thôn Na Nhung 2, chúng tôi tới thôn Na Mạ 1 để thăm cụ Nông Văn Chính, sinh năm 1931, người có 2 tháng đi dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở tuổi 93, sức khỏe cụ Chính không còn như xưa, để hiểu rõ câu chuyện kể, chúng tôi đã nhờ con gái của cụ cùng dịch và chắp nối các đoạn ký ức gãy đứt.
Cụ Chính kể, đầu năm 1954, sau khi lấy vợ đã có con gái đầu lòng rồi cụ mới được vận động đi dân công hỏa tuyến. Nhiệm vụ của cụ là gánh 15 kg muối, 7 kg gạo từ kho lương ở Sa Pa tới Trạm Tôn, Tam Đường rồi vòng xuống Than Uyên (tỉnh Lai Châu) để tới huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Đi tới mỗi trạm, cụ Chính và những dân công gánh muối, gạo lại được tiếp khẩu phần lương thực ăn dọc đường, đủ để tới trạm nghỉ phía trước. Khi cụ Chính và những thanh niên ở Na Mạ I trở về đến quê nhà cũng là lúc hay tin quân ta thắng trận hoàn toàn ở chiến trường Điện Biên Phủ. “Điều cụ nhớ nhất trong những ngày đó là gì ạ?”, tôi hỏi. “Vui nhất là chúng tôi được trực tiếp báo cáo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hoàng Trường Minh về việc tham gia chiến dịch. Lãnh đạo khen thanh niên Bản Lầu yêu nước, dũng cảm, kiên cường”, cụ Chính nói.
Cũng tại thôn Na Mạ 1, chúng tôi còn được cán bộ xã Bản Lầu dẫn qua thăm cụ Nông Văn Ly, sinh năm 1935, dân tộc Nùng. Cụ Ly đang sinh sống trong ngôi nhà khang trang, bề thế với con trai là ông Nông Văn Ngán, hộ tiêu biểu về trồng dứa của thôn. Ở tuổi 89, sức khỏe cụ Ly không còn tốt nhưng vẫn bảo lúc nào mình cũng vui và mãn nguyện khi chứng kiến con cháu phương trưởng, quê hương đổi mới, đất nước hòa bình và hùng mạnh. Niềm vui nhất với cụ Ly là được sống vui vầy cùng con, cháu, chắt (tứ đại đồng đường) dưới một mái nhà chung.
Trong số hàng trăm thanh niên huyện Mường Khương trực tiếp tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ thì xã Bản Lầu đóng góp nhiều nhất, đến nay 6 cụ đang sinh sống trên địa bàn bàn huyện đều ở xã Bản Lầu. Ngoài cụ Hoàng Cồ Phà, Nông Văn Chính, Nông Văn Ly còn có cụ Hoàng A Hồ, 89 tuổi ở thôn Na Mạ 1; cụ Vương Văn Sang, 90 tuổi ở thôn Na Nhung II; cụ Trương Văn Triệu, 99 tuổi ở thôn Trung Tâm. Cách đây hơn 70 năm, họ đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tình nguyện lên đường tham gia hỗ trợ cho bộ đội đánh đuổi giặc Pháp, giải phóng quê hương, nước nhà.
Đồng chí Vũ Đức Luận, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bản Lầu cho biết, Đảng ủy luôn chỉ đạo các đoàn thể, các thôn, bản khi tuyên truyền, giáo dục, nhất là trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lấy câu chuyện sinh động về các dân công hỏa tuyến, nhất là gương các cụ đang sinh sống trên địa bàn để khơi gợi niềm tự hào của đồng bào các dân tộc xã nhà.
Lần giở từng trang cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Bản Lầu, đồng chí Vũ Đức Luận chỉ cho chúng tôi phần ghi đóng góp của Bản Lầu đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó có đoạn: “Giai đoạn 1951 - 1954, mỗi năm xã Bản Lầu thực hiện 2 đợt tuyển quân và huy động từ 2 đến 3 đợt dân công. Nhiều thanh niên, người dân xã Bản Lầu đi dân công hỏa tuyến và gia nhập quân đội, trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Tây Bắc 1952 - 1953 và Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Trong số hàng nghìn dân công hỏa tuyến tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, tính đến trung tuần tháng 4/2024, cơ quan chức năng xác định còn 83 cụ đang sinh sống tại các huyện: Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai, trong đó huyện Văn Bàn có 32 cụ đang sinh sống (chiếm 39%). Và trong số 32 cụ sinh sống tại huyện Văn Bàn thì có tới 16 cụ ở xã Võ Lao. Câu chuyện kể của những cựu dân công hỏa tuyến tại xã Võ Lao đã khắc họa sinh động tinh thần của đồng bào các dân tộc huyện Văn Bàn nói chung và xã Võ Lao nói riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là đoàn kết, quả cảm, nhất loạt sẵn sàng tham gia đóng góp, hy sinh vì độc lập dân tộc.
Trong ngôi nhà cấp 4 tại thôn Là 2, xã Võ Lao với đồ đạc, tiện nghi khá đầy đủ, khang trang, ngăn nắp lại là nơi sinh sống của một mình cụ Phạm Văn Mươn, 91 tuổi, dân tộc Tày, người từng có hơn 5 tháng đi dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi chúng tôi tới, cụ Mươn đang mải miết đan chài, điều bất ngờ hơn là những mắt chài đều tăm tắp bé như đầu ngón tay, sợi cước mỏng như sợi tóc nhưng cụ Mươn không cần hỗ trợ của kính. Thấy tôi còn thắc mắc, cán bộ xã Võ Lao đi cùng giải thích: “Trước đây cụ ông, cụ bà chăm sóc nhau, năm ngoái cụ bà mất, cụ ông nhất quyết chỉ ở một mình. Cũng may là cụ còn khỏe mạnh, tự chăm lo cuộc sống, con cái đều ở quanh đây nên mọi người cũng yên tâm”.
Chắp nối từ câu chuyện khá rời rạc của cụ Mươn và những gì anh Phạm Văn Sáng, con trai của cụ nắm được, chúng tôi biết vào cuối năm 1953, khi được cán bộ xã vận động, thanh niên Mươn với khí thế của tuổi trẻ đã xung phong lên đường gánh gạo phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chặng đường gánh gạo từ xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) tới huyện Văn Bàn, qua xã Minh Lương, vượt đèo Khau Co rồi tập kết tại huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu ngày nay). Mỗi lần cụ Mươn nhận 20 kg gạo, 5 kg được phép dùng để ăn dọc đường vì hầu hết là đi ban đêm nên khoảng 3, 4 ngày mới tới điểm đích là Than Uyên để giao 15 kg vào kho quân lương. Sau khoảng 3, 4 chuyến (cụ Mươn nhớ không rõ) như vậy, cụ Mươn được phân công tới Phú Thọ để gánh cót lên Yên Bái, sang Sơn La rồi sang một tỉnh của miền thượng nước Lào, nơi gần cứ điểm Điện Biên Phủ nhất để làm kho lương thực. Cụ Mươn nhớ là mỗi lần gánh 12 chiếc cót, đêm di chuyển, ngày tập trung lại trong rừng dựng thành kho dã chiến để chứa gạo. “Cứ sau một ngày, đêm dựng kho, dân công lại đổ đầy gạo vào đó và chúng tôi tiếp tục về phía trước để dựng một kho như thế”, cụ Mươn kể.
Cho đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, trở về không còn nhớ đã cùng đồng đội dựng bao nhiêu kho như thế nhưng điều cụ Mươn giữ lại trong ký ức là những gian lao, vất vả của một thời chống Pháp hào hùng, oanh liệt. “Khó khăn, vất vả nhưng không ai lo sợ, cả làng khi đó trai, gái đều đi dân công hỏa tuyến, ở nhà chỉ có trẻ nhỏ và người già”, cụ Mươn nói tiếp.
Ở tuổi 90, cụ Lự Văn Lim, dân tộc Tày ở thôn Lủ 4, xã Võ Lao vẫn rất chăm đọc báo, điều đặc biệt là cụ không cần dùng kính. Cũng như cụ Mươn, cụ Lim tham gia gánh gạo rồi gánh cót làm kho quân lương, trực tiếp góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Trước khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Lim tham gia quân ngũ, trực tiếp đánh đồn Khau Co (Văn Bàn) và phá đồn Mường Than (Than Uyên), sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ còn tham gia một số chiến dịch tiễu phỉ ở các huyện vùng cao.
Mỗi dân công hỏa tuyến luôn gắn với câu chuyện sống động; mỗi làng, bản tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là một pho sử về một thời hào hùng của dân tộc với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Tỉnh Lào Cai có rất nhiều làng bản như thế để làm nên một phần quan trọng của khúc tráng ca Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-1-ca-lang-len-duong-ho-tro-danh-giac-post383129.html