Bài 1: Cảnh đìu hiu ở những 'thủ phủ' kinh doanh, mua sắm
Chưa khi nào vấn nạn hàng giả liên quan đến lương thực, thực phẩm và y tế lại nhức nhối nghiêm trọng như hiện nay, từ viên thuốc chữa bệnh, dầu ăn, sữa, bột canh, mỹ phẩm, đến thực phẩm chức năng bị làm giả trắng trợn và tiêu thụ, buôn bán tràn lan. Trước thực trạng đó, Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương quyết liệt các lực lượng trên cả nước vào cuộc tấn công, truy quét hàng giả, để bảo vệ người dân và làm trong sạch thị trường.
Tại buổi tiếp xúc cử tri 11 phường của TP Hà Nội sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ sự trăn trở khi các cháu bé đang rất cần sữa để phát triển thì gặp phải sữa giả; những cụ già cần sữa để khỏi ốm thì gặp phải sữa giả, thuốc giả. Tổng Bí thư yêu cầu, các lực lượng phải tuyên chiến với loại tội phạm này, phải làm sao để dừng lại việc này, đảm bảo bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tại Thủ đô Hà Nội, chợ La Phù, chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân... từ lâu được biết đến là những chợ đầu mối chuyên phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm, quần áo, vải vóc nổi tiếng khắp Bắc tới Nam. Trong chiến dịch tấn công, truy quét hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) vừa qua, các chợ đầu mối trở thành tâm điểm chú ý khi hàng loạt vụ việc vi phạm bị phát hiện và làm rõ. Nếu không đẩy mạnh kiểm tra, người tiêu dùng chính là nạn nhân của vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Họ nơm nớp lo sợ khi phải sử dụng chính những sản phẩm giả có hóa đơn, chứng từ đã được “phù phép, hợp thức hóa”.

Lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh kẹo tại La Phù.
Nhiều hộ hoạt động cầm chừng
Xã La Phù, nay là xã An Khánh, TP Hà Nội từ lâu vốn nổi tiếng là đầu mối chuyên phân phối các loại bánh kẹo nội địa lẫn bánh kẹo nhập khẩu giá rẻ. Nơi đây trở thành “chợ sỉ” quen thuộc của tiểu thương từ Bắc vào Nam. Có mặt tại các chợ đầu mối La Phù cuối tháng 6/2025, theo ghi nhận của chúng tôi, không khí buôn bán tại đây có phần trầm lắng hơn hẳn so với thời điểm trước đây.
Nhiều cửa hàng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, một số khác tiếp khách mua theo cách kín đáo, thận trọng. Nhiều cửa hàng chỉ mở một nửa cửa cuốn như thể sẵn sàng đóng mở cửa nếu không muốn tiếp khách. Ô tô vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh hay khách kinh doanh nhỏ lẻ đi xe máy vẫn ra vào lấy hàng. Tuy nhiên, tại một số kho chứa hàng, không khí yên ắng, cửa cuốn kéo xuống im lìm. Tại khu trung tâm của xã, một số cửa hàng vẫn mở cửa nhưng không có cảnh chào mời rôm rả như trước.
Nhiều tiểu thương ngồi bên trong, bấm điện thoại, xem phim, khi có khách hỏi mua hoặc tiếp cận tìm hiểu nguồn hàng, họ tỏ ra dè dặt, đặc biệt né tránh các câu hỏi liên quan đến giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Trong vai khách hàng hỏi mua bánh kẹo với số lượng lớn để mở đại lý, chúng tôi tiếp cận một vài cửa hàng nhưng người bán tỏ ra rất thận trọng. Số lượng hàng hóa được bày bán cũng hạn chế. Tìm đến một cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm, khi biết chúng tôi có nhu cầu nhập chân gà với số lượng lớn, chủ cửa hàng xua tay nói rằng ở đây không bán mặt hàng này. Theo một số người dân địa phương, thời điểm này khó để nhập hàng. Lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm tra hóa đơn chứng từ, nguồn gốc hàng hóa và các vấn đề liên quan đến thuế. Đặc biệt, cách đây ít lâu, khi lực lượng chức năng truy quét mạnh, người ta phát hiện rất nhiều thực phẩm chức năng còn nguyên hộp được vứt ở bãi rác, vệ đường xã La Phù.
Xã Ninh Hiệp, nay là xã Phù Đổng - một trong những nơi kinh doanh buôn bán quần áo, vải vóc lớn nhất miền Bắc, những ngày này hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh buôn bán quần áo đều mở cửa đón khách. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có nhiều cửa hàng đóng cửa hoặc chỉ mở một nửa cửa cuốn. Chỉ khi khách đến gọi, họ mới mở cửa cho khách vào và lại tiếp tục “đóng-mở” cửa một cách linh hoạt. Một số tiểu thương kinh doanh tại đây cho biết, do thông tin lực lượng quản lý thị trường (QLTT) và thuế đang tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng “nhái” nên họ hoạt động cầm chừng hơn trước.
Chợ Đồng Xuân vốn được biết đến là một trong những “thiên đường” mua sắm cho khách du lịch cũng như khách mua buôn, thì cũng trong tình trạng tương tự. Hoạt động của các tiểu thương trong chợ diễn ra vẫn bình thường nhưng không đông đúc như xưa. Nói về nguyên nhân này, bà Dương Khánh Vân, tiểu thương bán quần áo tại chợ Đồng Xuân hơn 10 năm nay cho biết, kể từ sau đại dịch COVID-19, cả khu chợ dần mất khách do kinh doanh online phát triển, lượng khách du lịch giảm mạnh, người dân tới mua hàng trực tiếp ở chợ cũng giảm dần rồi trở nên vắng vẻ như bây giờ. Thời điểm này lại là giữa hè, không phải “vụ” làm ăn của các tiểu thương nên nhiều người nghỉ bán hàng, đóng cửa quầy.
Bánh kẹo, thực phẩm bị làm giả
Cách đây hơn một tháng, thời điểm các đợt truy quét, tấn công hàng giả, hàng kém chất lượng đang diễn ra mạnh mẽ, xã La Phù được coi là tâm điểm trong đợt cao điểm thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được Ban Chỉ đạo 389 huyện Hoài Đức triển khai nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT (từ ngày 15/5 đến 15/6/2025).
Trong đợt cao điểm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở, địa điểm kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, hàng tiêu dùng đã bị “sờ gáy” và bị xử phạt bởi các hành vi vi phạm như: Kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về nhãn hiệu, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP), vi phạm điều kiện vệ sinh trong sản xuất thực phẩm…

Muốn tồn tại và phát triển bền vững, các hộ sản xuất, kinh doanh ở La Phù phải đảm bảo hàng hóa minh bạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cụ thể, cuối tháng 5/2025 vừa qua, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố đối tượng Nguyễn Viết Cường trú tại xã La Phù về hành vi “sản xuất hàng giả là thực phẩm”. Cường nắm bắt nhu cầu lớn về các sản phẩm bánh kẹo mang nhãn mác nước ngoài tại thị trường Hà Nội của người dân, nhất là trong dịp cuối năm, nên tháng 11/2024, Cường nảy sinh ý định sản xuất kẹo giả, lợi dụng thị hiếu tiêu dùng và sự dễ dãi trong khâu kiểm tra nhãn mác của nhiều cơ sở bán lẻ.
Đến đầu tháng 1/2025, đối tượng đã sản xuất hơn 25.000 gói kẹo thành phẩm, tương đương giá trị gần 430 triệu đồng. Trong số này, khoảng 1.500 gói đã được bán ra thị trường cho một số cá nhân không rõ danh tính. Gần đây, ngày 13/6, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 24 kiểm tra đột xuất đối với một số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm (bánh kẹo, táo đỏ...) tại xã La Phù thì phát hiện nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Trao đổi với PV Báo CAND vào cuối tháng 6/2025 vừa qua, ông Nguyễn Duy Giang, Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, cả xã có hơn 100 đại lý nhập nhiều mặt hàng tiêu dùng của các hãng chính hãng trong nước, các nơi về kinh doanh, gần 800 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, chủ yếu là dệt kim và bánh kẹo. Một số trường hợp kinh doanh thương mại, đại lý, nhập ở các hãng chính thống.
Mặc dù thời gian qua, xã La Phù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, song mỗi đợt kiểm tra, dù đột xuất hay định kỳ đều phát hiện vi phạm, đặc biệt là những vi phạm này ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đối với hàng nghìn hộp thực phẩm chức năng lén lút vứt bỏ, ông Giang cho rằng các sản phẩm này đã hết hoặc gần hết hạn sử dụng, chứ không phải hàng không nhãn mác, hàng giả vì lo sợ kiểm tra mà người bán vứt bỏ.
“Chính quyền và các cơ quan chức năng luôn tích cực tuyên truyền để các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm quy định pháp luật về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cũng như các quy định về thuế của nhà nước. Chỉ hộ làm ăn chụp giật, manh mún mới sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái và đã bị phát hiện, xử lý”, ông Giang nhấn mạnh.
Còn tại “thủ phủ” Ninh Hiệp, vào thời điểm cuối tháng 6/2025, khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã cho rằng, trong tháng cao điểm tấn công hàng giả, Tổ công tác của xã do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng cùng các lực lượng như: Công an, QLTT, cán bộ thuế đã làm việc gắt gao. Cả xã có 2.388 hộ kinh doanh đều được tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh và nghĩa vụ thuế. Song song với quá trình kiểm tra, Tổ công tác còn đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các hộ kinh doanh.
Nhấn mạnh về công tác đấu tranh chống hàng giả ở Ninh Hiệp, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Đội trưởng Đội QLTT số 8 (Cục QLTT Hà Nội) cho rằng, bên cạnh các hộ có đăng ký kinh doanh, có mã số thuế, có hóa đơn, chứng từ, vẫn còn tồn tại việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng vi phạm nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHTT. Có nhiều hộ không đăng ký thành lập hộ kinh doanh, hoặc có đăng ký nhưng kinh doanh sai địa điểm, hoặc thay đổi, hoặc mở thêm địa điểm nhưng không thông báo theo quy định...
Chỉ tính từ ngày 15/5 đến nay, Đội QLTT số 8 đã kiểm tra và xử lý 16 vụ việc với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 336 triệu đồng, giá trị hàng hóa tiêu hủy ước tính hơn 2,45 tỷ đồng. Trong năm 2024 và mấy tháng đầu năm 2025, Đội đã kiểm tra 121 vụ việc vi phạm tại xã Ninh Hiệp, tổng hàng hóa tiêu hủy lên đến hơn 1,2 tỷ đồng.
Về vấn đề mất ATTP đối với nhiều ngành nghề kinh doanh ở chợ Đồng Xuân, ông Vũ Hà Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, thời gian qua, công ty thường xuyên phối hợp với các lực lượng tuyên truyền đến các hộ kinh doanh về việc chấp hành quy định về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo ATTP các mặt hàng kinh doanh. Bà con cơ bản đã chấp hành quy định, đặc biệt là ở mặt hàng thực phẩm. Lực lượng liên ngành cũng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra trong năm.
“Trước phản ánh nhiều loại nguyên liệu pha chế trà sữa, sinh tố không rõ xuất xứ, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử phạt răn đe các trường hợp vi phạm. Đến nay, các cơ sở này đều đã đảm bảo hàng có chứng từ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, ông Thanh cho biết.
Đối với thông tin thời điểm cách đây 1 tháng, nhiều hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân đóng cửa do lo sợ kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, ông Vũ Hà Thanh cho biết: Các hộ đóng cửa vì nghỉ thuế theo tháng, không phải do sợ kiểm tra như đồn thổi. Theo quy định của thuế, các hộ kinh doanh được phép xin nghỉ đóng thuế, nghỉ kinh doanh theo tháng và muốn nghỉ phải có đơn. Những tháng hè là thời điểm kinh doanh kém, nhiều hộ đi du lịch, nghỉ mát nên họ có đơn xin nghỉ thuế. Đây là việc bình thường tại chợ nhiều năm nay qua. “Theo số liệu cơ quan thuế, bình quân một năm tại chợ Đồng Xuân có gần 700 hộ nghỉ thuế”, ông Thanh nói.