Bài 1: 'Cao tốc' EVFTA được tận dụng hiệu quả, hàng Việt rộn ràng vào EU

Có hiệu lực từ năm 2020, sau 4 năm triển khai, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được đánh giá là một trong những hiệp định được tận dụng hiệu quả nhất.

LTS: Ngày 01/08/2020. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) – một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện nhất mà EU (với 27 nền kinh tế phát triển) đã ký kết với một nước đang phát triển là Việt Nam. Sau 4 năm thực thi, Hiệp định đã mang lại những kết quả tích cực khi hàng Việt Nam ngày càng hiện diện rõ nét ở thị trường này. Bước vào năm thứ 5, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách song hàng Việt Nam cũng được đánh giá là còn rất nhiều cơ hội với 99% dòng thuế được tự do hóa. Tận dụng “bàn đạp” là 4 năm “đường cao tốc” được thực thi, việc nỗ lực cải thiện và vượt rào cản sẽ giúp hàng Việt Nam tiếp tục thâm nhập và tiến sâu hơn vào thị trường này.

Mở rộng thị trường cho hàng Việt

Việt Nam vốn là một quốc gia mạnh về nông sản với nhiều mặt hàng hiện nay đang đứng Top đầu thế giới như: Gạo, hồ tiêu, hạt điều… Tuy nhiên, dù xuất khẩu đến khắp thế giới, việc gạo Việt Nam có mặt ở các kênh phân phối của thị trường EU vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt vì đây là thị trường có tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Vào được thị trường này, gạo Việt sẽ có tấm “giấy thông hành” đến rất nhiều thị trường khác.

Gạo Lộc Trời được bán ở siêu thị Pháp (Ảnh: Tập đoàn Lộc Trời)

Gạo Lộc Trời được bán ở siêu thị Pháp (Ảnh: Tập đoàn Lộc Trời)

Trước đây, khi chưa có EVFTA, gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu thuế lên đến 40%, tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, với việc dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm với thuế 0%, gạo Việt Nam đã vào thị trường này dễ dàng hơn.

Đơn cử như Tập đoàn Lộc Trời, năm 2023, doanh nghiệp này đã xuất khẩu sang EU 20.263 tấn gạo, đạt giá trị trên 12 triệu USD. Hết quý I/2024, công ty đã xuất khẩu sang châu Âu đạt gần 2.700 tấn gạo, trị giá gần 2 triệu USD.

“Gạo "Cơm Vietnam Rice" là sản phẩm tiêu biểu của Lộc Trời xuất khẩu thành công vào chuỗi siêu thị Pháp với giá 4.000 USD/tấn, mức cao nhất tại thị trường Pháp” – ông Nguyễn Duy Thuận, Cựu CEO Lộc Trời chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.

Theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.

Gạo là một trong những mặt hàng tiêu biểu đã tận dụng tương đối tốt các hiệu quả từ EVFTA. Cùng với gạo, rất nhiều mặt hàng khác đã tận dụng rất tốt Hiệp định này trong suốt 4 năm qua.

Da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang EU (Ảnh: Cấn Dũng)

Da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang EU (Ảnh: Cấn Dũng)

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, thị trường EVFTA vẫn là thị trường chính từ xưa đến nay của ngành da giày. EVFTA đã đóng vai trò quan trọng cho việc duy trì và thúc đẩy phát triển thị trường. Hiện, thị trường EU đứng thứ hai sau thị trường Mỹ và tốc độ tăng trưởng vào thị trường này khoảng 10%.

“Do đại dịch Covid -19 thì các thị trường đều có sự suy giảm, nhưng cũng chính nhờ có EVFTA nên ngành da giày vẫn duy trì được thị trường này và tăng trưởng trở lại khi đại dịch đi qua. Cho đến nay, tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì tốt” – bà Phan Thị Thanh Xuân nói.

Đối với mặt hàng gỗ, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, Hiệp định EVFTA tác động đến tổng quan nhiều ngành. Với thị trường EU, lâu nay họ cũng rất ưa chuộng sản phẩm gỗ Việt Nam và họ cũng biết Việt Nam là quốc gia cung cấp gỗ “đàng hoàng”. EU cũng chưa hề có dấu hiệu điều tra phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trước và sau khi có Hiệp định, kim ngạch xuất khẩu gỗ vào EU luôn duy trì tốc độ khá ổn định.

“Cầu nối” cho hàng Việt sang các thị trường mới

Là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện nhất mà EU (với 27 nền kinh tế phát triển) đã ký kết với một nước đang phát triển là Việt Nam.

Đáng chú ý, không chỉ mở rộng các mặt hàng được xuất khẩu sang các thị trường lớn và quen thuộc trong khối EU như: Italia, Pháp, Đức…, EVFTA còn tạo điều kiện cho hàng Việt Nam chinh phục các thị trường mới, thị trường nhỏ nhưng đầy tiềm năng trong khối.

Đơn cử, với thị trường Latvia, Đại sứ Việt Nam tại Latvia Trần Văn Tuấn cho biết, trong năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 311,73 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Latvia 292,23 triệu USD (tăng 57,2%) và Việt Nam nhập khẩu từ Latvia 19,5 triệu USD (giảm 6,9%) so với cùng kỳ năm 2022. Nếu so sánh với năm 2020 là năm bắt đầu thực thi Hiệp định EVFTA thì kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng khoảng 33%.

“Mức độ tăng trưởng cao chỉ trong ba năm cho thấy Hiệp định EVFTA đã có những tác dụng tích cực trong việc khai thác tiềm năng và thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước” – đại sứ Trần Văn Tuấn khẳng định.

Hiện nay, Latvia là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong khu vực Baltic. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Latvia trong khu vực ASEAN. Hai nước còn nhiều dư địa để hợp tác phát triển, nhất là trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản, dược phẩm, lao động... Chính vì vậy, Latvia được đánh giá là một thị trường tiềm năng với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến nông - lâm - ngư nghiệp, giáo dục và khoa học công nghệ.

Hàng Việt Nam được thị trường EU ưa chuộng (Ảnh: TTXVN)

Hàng Việt Nam được thị trường EU ưa chuộng (Ảnh: TTXVN)

Hoặc với thị trường Áo, bà Đinh Thị Hoàng Yến – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Áo, kiêm nhiệm Slovenia chia sẻ, Hiệp định EVFTA đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Áo vì theo cam kết, thuế quan và các rào cản phi thuế quan đã giảm đi đáng kể. Theo số liệu của cơ quan thống kê Áo, thương mại song phương giữa Áo và Việt Nam liên tục tăng trưởng đều từ năm 2020 kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, năm 2020 tổng kim ngạch song phương đạt 1,19 tỷ Euro còn năm 2023 là 1,62 tỷ Euro với thặng dư hàng năm lên đến hơn 1 tỷ Euro nghiêng về phía Việt Nam.

Hiện Việt Nam đứng thứ 23 về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Áo, với trị giá 1,4 tỷ Euro, tăng 2,5% so với năm 2022 và chiếm thị phần 0,7%, trên cả Ấn Độ. Trong khi đó Việt Nam đứng thứ 57 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Áo với trị giá chỉ 206 triệu Euro, giảm 9,1% so với năm 2022 và với thị phần 0,1%.

Các doanh nghiệp Áo đã được hưởng lợi từ việc tiếp cận tốt hơn với thị trường Việt Nam - đặc biệt là các lĩnh vực như máy móc, dược phẩm và công nghệ cao. Xuất khẩu của Việt Nam sang Áo tiếp tục tăng trưởng, góp phần củng cố quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam với các nước EU.

EVFTA là một trong những Hiệp định được tận dụng tốt nhất

Mặc dù chịu tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, cuộc xung đột quân sự Nga - Ucraina và những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, song các kết quả Việt Nam đạt được (ở cả 3 chiều cạnh lớn, là: Cải cách thể chế, thương mại xuất nhập khẩu và đầu tư) sau 4 năm thực thi EVFTA là rất đáng ghi nhận. Là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sau 4 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực ước tính khoảng 200 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 12-15% và là nước xuất siêu vào EU.

Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương đánh giá: “Trong số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia thì có thể nói là EVFTA là Hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất”.

Về thương mại, EU luôn là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Chúng ta xuất khẩu sang EU luôn chiếm khoảng 12-15% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Thế nhưng, quan trọng hơn, EU là một thị trường với quy mô dung lượng lớn, tiềm lực về khoa học công nghệ, tiềm lực về quản lý rất lớn để doanh nghiệp có khả năng thành công ở thị trường này thì cũng có khả năng đi vào những thị trường khó tính khác.

Đáng chú ý, một trong những điểm sáng được đánh giá cao chính là quá trình Việt Nam đã chủ động cải cách thể chế để có thể tạo được môi trường kinh doanh mang tính minh bạch, thuận lợi hơn, từ đó có thể thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, trong đó có vốn đầu tư từ các nước EU.

“Chính vì vậy mà một trong những điểm quan trọng thứ hai mà chúng ta hy vọng thông qua việc thiết lập Hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao là tạo được một kết nối về chuỗi cung ứng, nơi các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia ở vị trí mắt xích quan trọng. Chuỗi cung ứng này chỉ có thể được hình thành nếu như có sự đầu tư mạnh mẽ từ EU vào Việt Nam” – ông Lương Hoàng Thái chỉ rõ.

Trên thực tế, EU vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam và nhờ EVFTA đã giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn.

Đặc biệt, EVFTA đã giúp xuất khẩu trực tiếp hàng hóa thay vì phải qua nước thứ 3. Bà Đinh Thị Hoàng Yến chia sẻ, hàng hóa Việt Nam có một số thế mạnh tại Áo là giá cả cạnh tranh và chất lượng cao với các sản phẩm như hàng dệt may, giày dép và đồ điện tử. Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp như hoa quả, thủy sản, ngũ cốc, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, quế hồi… cũng khá cạnh tranh. Trong thời gian qua, Thương vụ đã hỗ trợ đưa một số mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào Áo, trước phải qua trung gian nước thứ ba như: Gạo Lộc Trời, nước cốt dừa Lương Quới, bia Habeco…

Bài 2: Tăng cường hợp tác logistics, giảm nỗi lo do cước tàu biển tăng “phi mã”

Phương Lan - Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-cao-toc-evfta-duoc-tan-dung-hieu-qua-hang-viet-ron-rang-vao-eu-339202.html