Bài 1: Chất vấn sâu, giám sát xuyên suốt

Cùng với đổi mới việc giám sát trực tiếp hoạt động của các cơ quan tư pháp, Thường trực và Ban Pháp chế HĐND tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm, thực hiện tốt việc chất vấn đối với người đứng đầu cơ quan tư pháp, đi sâu những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ; chú trọng giám sát việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong đó, đoàn giám sát không làm thay các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết các vụ án; không chỉ đạo, can thiệp hoặc tác động vào quá trình giải quyết mà chỉ nêu ra các căn cứ pháp luật để kiến nghị các cơ quan tư pháp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Để thực hiện tốt chức năng giám sát của HĐND đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, những năm qua, Đảng đoàn HĐND tỉnh Đồng Nai đã thường xuyên lãnh đạo Thường trực, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tăng cường giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp.

Trực tiếp giám sát hoạt động

Hoạt động giám sát các cơ quan tư pháp của Thường trực và Ban Pháp chế từng bước đổi mới về hình thức, phương pháp giám sát, như: Lựa chọn thứ tự cơ quan đến giám sát hợp lý để bảo đảm việc thu thập, đối chiếu, kiểm chứng thông tin hiệu quả nhất. Đơn cử, trong năm 2021, Thường trực, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát: Các vụ án, vụ việc dân sự, hình sự, kinh tế tồn đọng, kéo dài; việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra vụ án hình sự; giám sát các bản án hình sự mà TAND tỉnh và TAND cấp huyện đã cho hưởng án treo trong thời gian từ năm 2017 - 2021… Bên cạnh xem xét báo cáo, Ban Pháp chế còn yêu cầu các cơ quan cung cấp thống kê số liệu, các báo cáo kết quả kiểm tra nghiệp vụ của cấp dưới để kiểm chứng khách quan; phân công các thành viên xem xét trực tiếp hồ sơ các vụ án, hồ sơ án tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, truy tố, xét xử…

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Đồng Nai Khóa X

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Đồng Nai Khóa X

Ảnh: Hồ Thảo

Các kiến nghị của HĐND đối với các cơ quan tư pháp đều được triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện để HĐND tiếp tục theo dõi, giám sát. Đơn cử: Qua giám sát công tác xét xử các vụ án cho hưởng án treo, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị các cơ quan công an, VKSND tỉnh và TAND tỉnh tổ chức kiểm điểm, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp… Hay như, cũng qua giám sát việc xét xử vụ án hình sự cho hưởng án treo trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 - 2021 của Ban Pháp chế, Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét, sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15.5.2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là đối với những nội dung chưa rõ, mang tính định tính, có ý kiến khác nhau.

Chất vấn người đứng đầu cơ quan tư pháp

Để thực hiện tốt công tác thẩm tra hoạt động của các cơ quan tư pháp, bên cạnh tổ chức các đoàn giám sát chuyên đề, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thường xuyên theo dõi, tham dự các cuộc họp thường kỳ của UBND, các cuộc họp, hội nghị liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp để nắm và thu thập thông tin sớm; yêu cầu các cơ quan liên quan gửi báo cáo, hồ sơ tài liệu bảo đảm thời gian để Ban có cơ sở nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng và thấu đáo. Vì vậy, Báo cáo thẩm tra của Ban đối với việc chấp hành pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp luôn coi trọng tính phản biện, không né tránh khi đề cập đến những tồn tại, hạn chế. Nội dung nhận xét, đánh giá tập trung vào những vấn đề trọng điểm, hạn chế trùng lặp; nhờ vậy các kiến nghị ngày càng cụ thể, rõ ràng, sát thực góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của ngành.

HĐND tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác chất vấn đối với người đứng đầu cơ quan tư pháp trong hoạt động tư pháp và việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp; đi sâu những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, theo dõi, giám sát các cơ quan tư pháp trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chất vấn của HĐND; tổng hợp và báo cáo tại kỳ họp gần nhất của HĐND tỉnh. Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát xuyên suốt việc triển khai thực hiện những vấn đề đã nêu tại hoạt động chất vấn.

Không chỉ đạo, can thiệp hoặc tác động vào quá trình giải quyết

Công tác giám sát việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được HĐND tỉnh xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở báo cáo kết quả xử lý của các cơ quan chức năng, Thường trực, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đồng thời, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác này. Như trong năm 2021, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát theo đơn kiến nghị của công dân liên quan đến việc xét xử Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2021/DS-ST ngày 15.1.2021 của Tòa án Nhân dân Biên Hòa về việc “tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất” đã có hiệu lực pháp luật.

Một trong những nguyên tắc của giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là không làm thay các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết các vụ án; không chỉ đạo, can thiệp hoặc tác động vào quá trình giải quyết mà chỉ nêu ra các căn cứ pháp luật để kiến nghị các cơ quan tư pháp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Qua đó, làm rõ được trách nhiệm, hiệu quả công tác, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Việc làm này đã có tác dụng thúc đẩy quá trình giải quyết cũng như nâng cao trách nhiệm, chất lượng đối với việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Tư pháp trên địa bàn.

TRÂM NGUYỄN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1chat-van-sau-giam-sat-xuyen-suot-np1zu2jwhm-81758