Bài 1: Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Chương trình cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát là biểu hiện sinh động của truyền thống 'lá lành đùm lá rách' quý báu của dân tộc ta. Chương trình đang được triển khai mạnh mẽ trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Cùng với cả nước, Tiền Giang đang quyết tâm về đích mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian sớm nhất.

Việc triển khai thực hiện Chương trình cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát (gọi tắt là Chương trình) đã khẳng định sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đối với người có công, người nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện chương trình có ý nghĩa quan trọng và nhân văn trên, Tiền Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh). Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung nguồn lực từ ngân sách, huy động sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để chung tay thực hiện Chương trình một cách hiệu quả, bền vững.

THỐNG NHẤT TỪ NHẬN THỨC ĐẾN HÀNH ĐỘNG

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tại các phiên họp Ban Chỉ đạo luôn nhấn mạnh: “Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta; thể hiện sự biết ơn, đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công; thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”; là trách nhiệm với nhân dân, nhất là những người yếu thế, khó khăn, vùng sâu, vùng xa... Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, người khó khăn hy vọng; chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu kiểm tra thực tế công tác xây dựng nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát tại thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu kiểm tra thực tế công tác xây dựng nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát tại thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Thủ tướng quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”. Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và quan điểm không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.

Trưởng Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương, người đứng đầu địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đã nói là phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, tiên phong, gương mẫu, phải phân công, phân cấp, phân nhiệm vụ bảo đảm 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm) và chỉ bàn làm, không bàn lùi, để quyết tâm đến ngày 31-10-2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát...

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ, đồng hành trong triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thủ tướng chỉ rõ phải đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm, với tinh thần “ai có gì giúp nấy, có công giúp công, có của giúp của, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều”. Đặc biệt các địa phương đầu tàu về kinh tế như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... cần hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn trong thực hiện Chương trình.

Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, không trông chờ, ỷ lại của các địa phương trong thực hiện Chương trình. Bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xóa nhà tạm, nhà dột nát theo thẩm quyền.

Các bên liên quan báo cáo, đề xuất ngay những vấn đề vượt thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

Thường trực Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương, nhất là về nguồn vốn, thủ tục, đất đai, nhân lực, vận chuyển vật liệu... để chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết. Theo dõi sát sao, báo cáo cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng những cách làm hay, gương điển hình và xem xét kỷ luật những trường hợp chậm tiến độ, không tích cực trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ

Nhấn mạnh, nhiệm vụ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là rất nặng nề, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, đặc biệt quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Nghị quyết 42 ngày 24-11-2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Đến ngày 9-11-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị 42 về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Thủ tướng yêu cầu phấn đấu trong năm 2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu của Nghị quyết 42.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã nhanh chóng triển khai Quyết định 55 ngày 21-1-2025 về hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, các bộ, ngành trung ương (Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính…) đã chủ trì, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại phát động Chương trình và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 phù hợp với nhu cầu thực tế. Vận động các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tích cực tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Tại phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát diễn ra mới đây, công tác xóa nhà tạm đang được triển khai quyết liệt, mang lại nhiều dấu ấn tích cực tại các địa phương. Tính đến nay, đã có 36 địa phương trên cả nước phát động phong trào xóa nhà tạm, huy động được 2.690 tỷ đồng.

Cả nước đã hỗ trợ xóa bỏ 121.638/223.146 căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó 65.564 căn đã khánh thành, 56.074 căn đang trong giai đoạn khởi công. 7 địa phương đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh. Một số địa phương đăng ký hoàn thành trong tháng 4-2025, trong khi tháng 4, 5, 6 năm 2025 có 9 đơn vị khác cũng đặt mục tiêu hoàn thành.

Tại Tiền Giang, ngay từ tháng 7-2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 271 về triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đến hết năm 2025” trên địa bàn tỉnh. Ngày 28-11-2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 1247 thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh. Ngày 10-1-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 08 về triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Để cụ thể hóa các công việc cụ thể và trách nhiệm của từng thành viên, ngay sau đó Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. 11/11 cấp ủy cấp huyện đã ban hành Quyết định thành lập, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

UBND cấp huyện ban hành Kế hoạch triển khai, phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. 163/164 xã, phường, thị trấn cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn (riêng thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông không có nhà tạm, nhà dột nát nên không thành lập Ban Chỉ đạo).

Đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang cho biết: Theo Kế hoạch 08 của UBND tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh có tổng số nhà người có công, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện để thực hiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa là 485 căn (xây mới 284 căn, sửa chữa 201 căn). Cụ thể, đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ là 136 căn (xây mới 33 căn, sửa chữa 103 căn). Hộ nghèo, hộ cận nghèo là 349 căn (xây mới 251 căn, sửa chữa 98 căn).

Mức hỗ trợ xây mới nhà 60 triệu đồng/căn, sửa chữa 30 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, tỉnh nhận thấy sửa chữa 30 triệu đồng/căn là thấp và tỉnh đã trình HĐND tỉnh quyết định tăng mức hỗ trợ sửa chữa lên 40 triệu đồng/căn. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 24 tỷ đồng, đảm bảo hoàn thành 485 căn trước ngày 30-4-2025.

Ngoài ra, các địa phương đang tiếp tục rà soát, xác định đối tượng có nhà tạm, nhà dột nát theo các tiêu chí quy định tại Quyết định 55 của Bộ Xây dựng để bổ sung, báo cáo UBND tỉnh xem xét, tiếp tục hỗ trợ trong năm 2025. Qua rà soát, ghi nhận có 55 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, đảm bảo các tiêu chí đã được tỉnh đồng ý cho triển khai xây dựng.

LÊ PHƯƠNG - SONG AN

(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202504/xoa-nha-tam-nha-dot-nat-trach-nhiem-tu-trai-tim-bai-1-chi-ban-lam-khong-ban-lui-1038571/