Bài 1: Chinh phục đồng cỏ lác

Ngày 27-8-1994, Lễ Míttinh công bố Nghị quyết 68 của Chính phủ về thành lập huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, được tổ chức, đánh dấu chặng đường mới cho vùng đất Đồng Tháp Mười (ĐTM) thuộc địa bàn Tiền Giang.MUÔN VÀN KHÓ KHĂN

Thế là, đến nay huyện Tân Phước chuẩn bị bước vào tuổi 30 với những thay đổi đáng kể trên vùng đất một thời được mệnh danh là rốn lũ, rốn phèn. Thế nhưng, công cuộc khai phá vùng ĐTM đã được triển khai trước đó, với muôn vàn khó khăn, thử thách.

Công cuộc khai phá vùng ĐTM đã đi qua gần nửa thế kỷ, với biết bao mồ hôi, công sức của nhiều thế hệ của các tỉnh trong vùng. Đến nay, công cuộc khai phá “trung tâm” phèn này đã mang lại thành công rất to lớn.

Những ngày đầu phát triển hệ thống thủy lợi vùng đất Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Tiền Giang. Ảnh: THU VÂN.

Những ngày đầu phát triển hệ thống thủy lợi vùng đất Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Tiền Giang. Ảnh: THU VÂN.

Tại Hội thảo “Tổng kết 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười” do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đánh giá một cách toàn diện hơn về công cuộc khai phá đầy khó khăn này.

Các chuyên gia điều cho rằng, ĐTM có diện tích tự nhiên rộng 696.000 ha trải dài trên 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Dù là vùng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng nhưng ĐTM có tiềm năng rất to lớn. Vì vậy, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người Pháp đã “thử sức” khai thác ĐTM nhằm biến nơi đây thành trung tâm xuất khẩu lúa gạo lớn nhất Đông Dương.

Pháp đã sử dụng các phương tiện sản xuất hiện đại nhất thời đó để đào các con kinh như: Phước Xuyên, Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp… và đưa nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu, khảo sát, thực hiện nhiều đề tài, dự án nhưng cuối cùng không thể chinh phục được vùng đất hoang này. Thậm chí, người Pháp đã gọi nơi đây là đồng cỏ lác.

Vùng kinh tế mới Tân Lập những ngày đầu khai thác Đồng Tháp Mười vào năm 1979. Ảnh: TL.

Vùng kinh tế mới Tân Lập những ngày đầu khai thác Đồng Tháp Mười vào năm 1979. Ảnh: TL.

Sau ngày miền Nam giải phóng (năm 1975), để giải quyết nạn thiếu lương thực, thiếu đói…, một vấn đề lớn được đặt ra là làm thế nào chinh phục, cải tạo ĐTM thành vùng trọng điểm sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả nước. Mãi đến 1976, chương trình điều tra cơ bản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được triển khai thực hiện, đã đánh giá đúng thực trạng và tiềm năng của vùng ĐTM.

Năm 1980, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã triệu tập cán bộ lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang để chỉ đạo khai thác ĐTM, tìm mọi cách biến vùng phèn thành vùng đất trù phú cả về nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch… Vậy là, công cuộc khai phá ĐTM đã chính thức bắt đầu. Đây cũng là điểm khởi đầu cho cuộc cách mạng ở “trung tâm” phèn.

MANG LẠI KỲ TÍCH

Mặc dù công cuộc khai phá ĐTM được nhận định là đối mặt với rất khó khăn, thử thách nhưng thành quả mang lại đến nay là rất to lớn. Tại Hội thảo Đánh giá quá trình khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐTM tỉnh Tiền Giang từ năm 1976 đến nay do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức gần đây, nhiều đại biểu, các nhà khoa học đã chỉ ra được một cái nhìn tổng thể và tương đối toàn diện về quá trình khai hoang, phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐTM với những thuận lợi và khó khăn.

Những trái khóm đầu tiên trên vùng đất Tân Lập vào năm 1981. Ảnh: TL.

Những trái khóm đầu tiên trên vùng đất Tân Lập vào năm 1981. Ảnh: TL.

ĐTM từng được các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định là một trong những vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, “trung tâm” phèn lớn của thế giới. Việc khai thác ĐTM dự báo sẽ tiêu tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả sẽ không cao. Ấy thế mà sao gần 50 năm khai thác vùng đất khắc nghiệt này, chúng ta đã không những chứng minh được điều ngược lại và còn làm được hơn thế nữa, mà theo cách gọi của nhiều chuyên gia là “kỳ tích” hay “thần kỳ”.

Tuy nhiên, để đạt được những kết quả to lớn như ngày hôm nay, nhân tố quyết định bao trùm là sự đồng lòng, quyết tâm chính trị cao trong tập trung lãnh đạo toàn diện và đúng hướng của tỉnh, huyện dành cho vùng đất đầy khó khăn nhưng cũng đầy tiềm năng này. Trong đó, yếu tố cực kỳ quan trọng dẫn đến thành công là ưu tiên đầu tư và phát triển hệ thống thủy lợi.

Các nhà khoa học cũng đánh giá rằng, để khai phá được vùng ĐTM nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã thể hiện những cố gắng rất lớn của các tỉnh trong vùng, bởi đặc thù của vùng đất này rất khắc nghiệt và khó khăn.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, đặc trưng của ĐTM là một đồng lũ kín rất rộng, được bao bọc về phía Tây, phía Nam và phía Đông bởi đê ven sông và cồn sông. ĐTM hàng năm bị ngập lũ từ 2 nguồn. Một là nước sông Tiền chứa phù sa chảy vào theo các kinh ngang và tràn bờ. Hai là nước trong từ Campuchia chảy tràn mặt đất. Chính dòng chảy của nguồn nước trong này đã ngăn không cho phù sa sông Tiền vào xa hơn. Vì thế, các bưng thấp không nhận được hoặc nhận được rất ít phù sa phủ lên. “Chương trình khai thác ĐTM do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định năm 1987 đã thay đổi cơ bản bộ mặt của vùng, trong đó có nhiệm vụ phân bố lại lực lượng sản xuất trên địa bàn”- GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân đã đánh giá.

Diện mạo mới của nông nghiệp trên địa bàn Tân Phước ngày nay.

Diện mạo mới của nông nghiệp trên địa bàn Tân Phước ngày nay.

Vậy là, qua gần 5 thập niên khai hoang, phục hóa, vượt qua vô vàn khó khăn, vùng ĐTM nói chung và ĐTM thuộc tỉnh Tiền Giang nói riêng đã đạt được những tiến bộ nhảy vọt cả về kinh tế và xã hội. Từ vùng đất hoang vu, phèn nặng, đến nay, ĐTM đã trở thành vùng đất trù phú, có thể đa dạng cây trồng, vật nuôi. Nhiều trung tâm kinh tế, văn hóa, khu công nghiệp mọc lên, đường giao thông được xây dựng. Đời sống kinh tế, văn hóa của người dân được cải thiện.

TS. Lương Quang Xô cũng đã đánh giá: “Trước năm 1975, ĐTM và vùng tứ giác Long Xuyên, đất đai chủ yếu là đất phèn từ trung bình đến nặng. Ngay các nhà khoa học trong nước và Pháp, Mỹ đều cho rằng ĐTM không thể cải tạo trồng lúa được, do vậy mà họ đặt tên vùng này là cánh đồng cỏ. Thế nhưng ngày nay, hầu như toàn bộ ĐTM, trong đó có Tiền Giang đã trồng được hầu hết lúa 2-3 vụ, năng suất cao, nhiều trung tâm thị tứ đã mọc lên như Mỹ Phước, Hậu Mỹ Bắc, Mỹ An, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng… Đặc biệt nơi đây đã hình thành nên các vùng cây ăn trái đặc sản ven sông Tiền có giá trị kinh tế cao. Để đạt được thành quả này chính là nhờ sự quyết tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như sự lao động sáng tạo của người dân. Nếu giờ các nhà khoa học trong và ngoài nước đến đây thì phải đổi tên cho nó là cánh đồng lúa”.

ANH PHƯƠNG
(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202408/cuoc-cach-mang-o-vung-dat-phen-chua-bai-1-chinh-phuc-dong-co-lac-1018963/