Bài 1: Chủ trương nhất quán của Đảng về chính sách dân tộc và Kiều bào
Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc VN, nhiều chính sách thu hút lực lượng trí thức Kiều bào được ban hành.
Từ những chủ trương chính sách đúng đắn…
Tiếp nối truyền thống dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh về khối đại đoàn kết dân tộc, cũng như nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài (Kiều bào), trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực của Kiều bào nói chung và tri thức Kiều bào nói riêng với mong muốn tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; vừa tạo điều kiện để họ tham gia đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng Tổ quốc.
Chủ trương, chính sách về Kiều bào đã được đề cập, duy trì, bổ sung cho phù hợp với quá trình phát triển của đất nước từ Văn kiện Đại hội VI (năm 1986) cho đến nay với quan điểm luôn tạo điều kiện tốt nhất cho Kiều bào từ Luật Quốc tịch Việt Nam (năm 2008) đến các chính sách ngoại giao, văn hóa, giáo dục, đầu tư, thương mại, đi lại thăm người thân, nhà ở…cùng với các cam kết bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng.
Đặc biệt, đối với trí thức Kiều bào, văn kiện Đại hội X (năm 2006) đã nêu rõ: “Có chính sách khuyến khích người Việt Nam, trí thức Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, góp phần xây dựng đất nước”.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động KHCN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ tại Việt Nam. Năm 2020 ban hành Nghị định số 27/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 Nghị định 40 và 87.
Ông Từ Thành Huế - Trưởng ban Đối ngoại – Kiều bào, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho biết: "Nghị định 27 đã bổ sung những điểm tạo thuận lợi hơn cho các nhà khoa học là Kiều bào về chính sách về lương, tiếp cận thông tin, các chính sách hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động, được tham gia các chương trình, đề án thúc đẩy mạnh hợp tác, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam...Các nội dung ưu đãi, hỗ trợ cụ thể hóa hơn so với Nghị định cũ, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện".
Cùng với đó, Chỉ thị số 45/CT-TW ngày 19/5/2015 về việc tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc phát huy nguồn lực của Kiều bào. Trong đó yêu cầu: Rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần vào thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; Có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, tri thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hay Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW giai đoạn 2016-2020, trong đó đề ra nhiệm vụ cụ thể tạo cơ chế khuyến khích tốt nhất cho các nhà khoa học, chuyên gia và tri thức.
Theo ông Từ Thành Huế, đây là những nền tảng chính sách quan trọng để các bộ, ban ngành Trung ương, địa phương tăng cường triển khai các chương trình, hoạt động nhằm kết nối, vận động, thu hút nguồn lực trí thức Kiều bào đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Đến những đóng góp của trí thức kiều bào
Theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12% trong cộng đồng 5,3 triệu Người Việt Nam ở nước ngoài, tương dương khoảng 500.000-600.000 người, trong đó, khoảng 50% tại Hoa Kỳ, trí thức người Việt ở Pháp ước tính khoảng hơn 40.000 người, ở Úc gần 40.000 người, Canada hơn 30.000 người; tại Nga và Đông Âu có khoảng 10.000 người, số đông đã chuyển sang hoạt động kinh doanh, ít người còn làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo.
Số lượng chuyên gia, chính thức người Việt tại các nước Đông Nam Á và các nước đang phát triển ít hơn nhưng có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, còn có đội ngũ gần 200.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, Pháp và nhiều nước khác.
Và, dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim, khối óc và dòng máu “Lạc hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc.
Ông Võ Xuân Hoài- Phó Tổng thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia chia sẻ: Đa phần cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài luôn duy trì mối quan hệ gần gũi, nặng lòng với quê hương đất nước, mong muốn đưa mảnh đất hình chữ S phát triển và hội nhập quốc tế nhanh chóng bằng cách vận dụng các nguồn lực trí tuệ, tài năng, tài chính…
Thực tế cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử, cùng với tri thức trong nước, lực lượng chuyên gia, nhà khoa học kiều bào luôn là một phần không tách rời của dân tộc Việt Nam; có tinh thần yêu thương giống nòi, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hưởng ứng lời kêu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều trí thức kiều bào đã quay về dốc sức phục vụ cho cuộc kháng chiến của nước nhà. Thế hệ vàng khoa học Việt Nam ở nước ngoài thời kỳ đó đã ghi đậm dấu ấn trong lịch sử với những tấm gương của Giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, GS.VS Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, bác sỹ Trần Hữu Tước…. đã đóng góp nhiều phát kiến quan trọng ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Trong giai đoạn khôi phục đất nước sau chiến tranh, trí thức kiều bào đã phát động phong trào vận động quyên góp sách báo, tài liệu khoa học kỹ thuật, trang thiết bị đã qua sử dụng gửi về nước, đặc biệt là trong thời gian Việt Nam bị bao vây, cấm vận. Điều này đã giúp xây dựng mối liên kết hợp tác nghiên cứu và đào tạo nhân lực giữa trong nước với thế giới bên ngoài thông qua các mối quan hệ quốc tế sẵn có của mình. Tại một số quốc gia, các Hội nhóm khoa học kỹ thuật của người Việt đã cử thành viên về nước tìm hiểu nhu cầu, khả năng hợp tác, xây dựng các đề án, chương trình hợp tác với trong nước, huy động khả năng của cộng đồng kiều bào và bạn bè sở tại.
Trong hai thập kỷ gần đây, cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, chuyên gia, tri thức kiều bào nói riêng đã có những đóng góp quan trọng như: Giúp chuyển giao kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất vào Việt Nam; Đào tạo đội ngũ cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN của Việt Nam; Làm cầu nối giúp tiếp xúc, vận động kêu gọi và thu hút các nhà khoa học quốc tế có uy tín về Việt Nam tham dự các hội nghị, hội thảo, tạo cơ hội gặp gỡ giao lưu, hợp tác với giới khoa học trong nước; Kêu gọi các nguồn lực quốc tế như chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khoa học quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam phát triển KH&CN.
Ông Phạm Việt Hùng – Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết: “Hàng năm trung bình có khoảng 300-500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học Người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”.
Đơn cử như TS. Nguyễn Thanh Mỹ (Kiều bào Canada), thành lập Tập đoàn Mỹ Lan tại Trà Vinh – Công ty Công nghệ cao đầu tiên của khu vực, ứng dụng thành công nhiều sáng chế, đóng góp cho lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động tại địa phương. Hay như TS Bùi Hải Hưng (Kiều bào Hoa Kỳ), nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google với gần 100 công trình nghiên cứu khoa học và 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá cao tại Mỹ đã theo tiếng gọi của Tổ quốc về nước đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI và Giáo sư toán học Vũ Hà Văn (Kiều bào Hoa Kỳ) đảm nhiệm vị trí Giám đốc Công nghệ Vintech thuộc Tập đoàn Vingroup….
Không chỉ tham gia làm việc trực tiếp, nhiều chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tích cực đóng góp ý kiến về chính sách cho Chính phủ. Đơn cử như 4 chuyên gia là Kiều bào và cũng là thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2020, đã trực tiếp tham gia vào quá trình tham mưu, tư vấn chính sách hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề nổi lên trong thời gian qua như năng lượng sạch, công nghệ xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nâng cao năng suất, chất lượng…
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các chuyên gia, trí thức kiều bào đã trực tiếp kết nối vận động các cơ quan chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp ở tạ hỗ trợ vaccine cho Việt Nam và thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch ở nước sở tại và đưa ra nhiều đề xuất khuyến nghị hữu ích cho Việt Nam.
Có thể khẳng định, sự đóng góp của các cá nhân Người Việt Nam ở nước ngoài là chuyên gia, trí thức, nhà khoa học trong thời gian qua đã khẳng định tình yêu nước sâu nặng và tinh thần nhiệt huyết cháy bỏng luôn khát khao cống hiến trí tuệ cho quê hương, đất nước.
Kết luận số 12-KL/TW ngày 8/12/2021 của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cọi nguồn dân tộc, là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc” và đề nghị cần “Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận động ứng dụng và phát huy hiệu quả của các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài”.
Còn nữa...