Bài 1: Chủ yếu do gia đình người bệnh
Hơn 10 năm trước, Bộ Y tế đã có quy định về chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Thực tế, rất ít bệnh viện làm được. Thậm chí, sau dịch Covid-19, do tình trạng quá tải, việc này còn 'chểnh mảng' hơn.
Ở các bệnh viện, việc chăm sóc bệnh nhân chủ yếu phụ thuộc vào người nhà của họ
Vấn đề chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân đã được Bộ Y tế chỉ đạo bằng Thông tư 07/2011/TT-BYT và sau này là Thông tư 31/2021/TT-BYT Quy định hoạt động điều dưỡng trong BV: Chăm sóc người bệnh là việc nhận định lâm sàng, can thiệp chăm sóc, theo dõi nhằm đáp ứng 14 nhu cầu cơ bản của mỗi người bệnh về: hô hấp, tuần hoàn, dinh dưỡng, bài tiết, vận động và tư thế, ngủ và nghỉ ngơi, mặc và thay đồ vải, thân nhiệt, vệ sinh cá nhân, môi trường an toàn, giao tiếp, tín ngưỡng, hoạt động giải trí và kiến thức bảo vệ sức khỏe.
Song thực tế, hầu như các BV không thực hiện đúng theo quy định.
Bệnh nhân phải “tự túc" người chăm sóc khi vào viện
Mấy tháng qua, chị Bích Ngọc - một đồng nghiệp của tôi - phải vào BV Hữu Nghị chăm sóc bố ốm nằm liệt giường. Ban đầu, chị và 2 em trai thay nhau chăm bố. Nhưng gần đây, do dịch Covid-19 nguy cơ bùng trở lại, nên BV chỉ cho một người chăm sóc, không được “đổi ca” nữa, nên một mình chị ngày đêm lo cho bố từ ăn uống, kể cả bơm xông, vệ sinh cá nhân… khiến nhiều lúc, chị thấy quá sức với mình.
Chị cho biết, ở BV này, điều dưỡng được đánh giá là khá hơn cả so với các BV khác, vì thái độ lễ phép, chu đáo với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, điều dưỡng cũng chỉ làm các việc chuyên môn theo y lệnh của bác sĩ như tiêm truyền, phát thuốc, tư vấn và nếu có cấp cứu thì xử lý, hoặc gọi bác sĩ. Còn mọi công việc khác cho bệnh nhân, từ phục vụ ăn uống, vệ sinh cá nhân, thay quần áo, đều do người nhà đảm nhiệm. Riêng ở Khoa Hồi sức Tích cực, nếu người nhà không biết cách cho bệnh nhân ăn qua bơm xông, thì có thể nhờ điều dưỡng hướng dẫn hoặc hỗ trợ.
Vì thế hiện nay đa phần các gia đình phải thuê người vào chăm sóc cho người nhà nằm viện - là những người đã có kinh nghiệm chăm sóc nhiều bệnh nhân nặng ở BV.
Chị Lan Phương - nguyên Tổng Biên tập một tờ báo - kể lại: Khi em gái tôi từ Thái Nguyên về nhập viện K để mổ, nhà tôi phải có 2 người đi theo phục vụ. Trực tiếp bên cạnh bệnh nhân là chồng của cô ấy, để kịp thời tiếp nhận ý kiến của bác sĩ, nhất là khi được yêu cầu phải tự mua bông, băng, gạc, găng tay y tế, thuốc men vv... Còn một người đi theo nữa phải thuê nhà trọ ở cạnh BV với giá 170.000đ/ngày để hỗ trợ mua thuốc thang cho chồng bệnh nhân, rồi đi chợ, nấu ăn, phục vụ cho bệnh nhân và người phục vụ bệnh nhân. Điều dưỡng của BV thì chỉ làm các việc chuyên môn như tiêm, truyền, thay băng cho bệnh nhân, chứ bệnh nhân không được chăm sóc các nhu cầu cơ bản như quy định. Gia đình phải làm hết, từ phục vụ ăn uống, thay quần áo, vệ sinh, cho bệnh nhân đi lại vv…
“Có rất nhiều vấn đề trong chuyện phục vụ bệnh nhân cần phải chấn chỉnh, nhưng thôi, tôi nghĩ rằng, gốc của việc này là do nhân viên y tế quá tải” - Chị Lan Phương chia sẻ
Các bệnh viện đã quá tải người bệnh, càng thêm quá tải vì số người nhà đi theo chăm sóc
Người viết bài này cũng từng là bệnh nhân nằm viện, nên rất thông cảm với tâm trạng người thân của nhiều bệnh nhân. Khi tôi phải vào điều trị ở một BV tuyến Trung ương, mặc dù tôi nằm ở khoa lây, chị gái tôi vẫn phải vào để chăm sóc, vì nếu không sẽ chẳng ai hỗ trợ tôi cả. Điều dưỡng chỉ có mặt lúc tiêm hay phát thuốc đầu giờ sáng rồi “mất hút”. Mà, khi tiêm cho tôi, cô điều dưỡng trẻ bắt ven cả chục lần không được, khiến tôi đã đau bệnh càng thêm đau, yêu cầu thay người tiêm, liền bị cô điều dưỡng quát như tôi là người có lỗi.
Chị gái tôi phải đi mua nước sôi, mua cơm và bón cho tôi, vệ sinh, thay quần áo và giặt giũ cho tôi; nâng tôi dậy, xoa bóp mỗi khi tôi đau đớn. Chị vốn là một điều dưỡng trưởng của một BV, nên biết chăm sóc bệnh nhân, thế mà còn bị cô điều dưỡng trẻ mắng như mắng trẻ ranh. Mãi khi tôi làm thủ tục ra viện, cô điều dưỡng ấy mới biết tôi là nhà báo, lúc đó, thái độ bỗng thay đổi hẳn. Nhưng, tôi đã có trải nghiệm về điều dưỡng ở BV chăm sóc bệnh nhân thật sự ra sao.
Những điều tôi kể trên đang là thực tế rất phổ biến của hàng vạn bệnh nhân đang điều trị tại các BV trên địa bàn Hà Nội mỗi ngày. Bệnh nhân và người nhà họ đều ở cảnh “sẩy nhà ra thất nghiệp”, phải lo từ miếng ăn, ngụm nước, cái quần tấm áo, chỗ ngủ, rồi luôn phải chuẩn bị sẵn tiền để tự mua thuốc men, thiết bị, vật tư y tế, dù bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Nếu đi BV mà chỉ có 1 mình thì không biết sẽ xoay sở ra sao?
Không đảm bảo quy trình và chất lượng
Thực trạng chăm sóc bệnh nhân ở BV không chỉ là ghi nhận của tôi và bạn bè, đồng nghiệp, mà khảo sát của chính Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng chỉ ra: Hầu hết người bệnh vào điều trị nội trú hiện nay chỉ được điều dưỡng cho dùng thuốc, thay băng, đặt thông tiểu…còn đa phần các chăm sóc cơ bản như thay quần áo, tắm gội, theo dõi, chăm sóc đáp ứng tinh thần, truyền thông giáo dục sức khỏe không được thực hiện theo quy định, và các chăm sóc cơ bản phụ thuộc nhiều vào người nhà, người chăm sóc.
Không có người nhà đi theo chăm sóc, bệnh nhân sẽ không có ai hỗ trợ các mặt về đời sống sinh hoạt thông thường
Hiện số điều dưỡng ở Việt Nam chỉ đạt 50% theo quy định, mặc dù mỗi năm có 20.000 điều dưỡng tốt nghiệp ra trường. Nhân lực điều dưỡng của Việt Nam đang ở cảnh “thiếu thật thừa ảo”. Chỉ tiêu tuyển điều dưỡng vào làm việc tại các BV hằng năm thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đào tạo. đặc biệt, điều dưỡng ở các BV không chỉ thiếu mà trình độ chuyên môn còn yếu, nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chăm sóc và an toàn người bệnh trong các BV.
Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - cho biết: Việc thiếu điều dưỡng trong các cơ sở khám, chữa bệnh gây rất nhiều hậu quả: Người bệnh không được theo dõi, chăm sóc liên tục, để có thể kịp thời xử lý các diễn biến bất thường; người bệnh vào điều trị nội trú hầu như chưa được chăm sóc đáp ứng 14 nhu cầu cơ bản tại Thông tư 31/2021/TT-BYT mà chỉ được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn như thực hiện thuốc, thay băng, đặt thông tiểu.
Bên cạnh đó, thiếu nhân lực nên các điều dưỡng phải làm việc quá tải, dẫn đến họ phải bỏ qua nhiều bước của quy trình kỹ thuật, gây mất an toàn cho người bệnh và họ cũng không đủ thời gian giao tiếp, hướng dẫn giáo dục sức khỏe để thiết lập mối quan hệ gần gũi điều dưỡng – người bệnh.
Người bệnh vào viện phải mang theo người nhà vào chăm sóc, hoặc thuê người chăm sóc (đối với người bệnh nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực người nhà phải thuê người chăm sóc với mức kinh phí từ 900.000 đến 1.800.000 đ/ngày) dẫn đến tình trạng quá tải người trong các cơ sở y tế, gây mất trật tự và nhiễm khuẩn BV.
Hậu quả của việc thiếu điều dưỡng chăm sóc rất lớn, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào các cơ sở khám, chữa bệnh và xói mòn uy tín của ngành y tế.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh: Hầu hết các nước trên thế giới đều cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện người bệnh trong BV, không phụ thuộc vào người nhà.
Một số quốc gia không cho phép người nhà ở lại BV để chăm sóc người thân của họ. Tuy nhiên, họ có thể có quy định giới hạn số lượng và thời gian người nhà thăm viếng trong phạm vi cho phép.
Một số quốc gia cho phép người nhà ở lại BV hoặc tham gia vào quá trình chăm sóc người bệnh dưới dự kiểm soát của nhân viên y tế nếu họ có nhu cầu tại một số chuyên khoa đặc biệt, như khoa điều trị trẻ em, người già, bệnh nhân giai đoạn cuối.
(Đón xem bài 2: Chính sách lạc hậu, người bệnh “lãnh đủ”)
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bai-1-chu-yeu-do-gia-dinh-nguoi-benh-post166357.html