Bài 1: Chưa được bảo quản đúng cách
Trong thời đại số hóa, tài liệu lưu trữ vẫn giữ vai trò quan trọng không thể thay thế. Đây không chỉ là nguồn thông tin quý giá mà còn là bằng chứng về lịch sử, văn hóa của quốc gia, dân tộc, đòi hỏi phải có cách thức bảo vệ, phát huy giá trị phù hợp.
Trải qua biến thiên lịch sử, thời gian, sự bào mòn của thiên nhiên, việc bảo quản chưa đúng cách… tài liệu giá trị ở nhiều địa phương đối mặt với nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí mất hẳn nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.
“Thiết bị bảo quản chỉ vận hành giờ hành chính”
Kho lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Giang đang bảo quản 134 phông lưu trữ, với 19.075 hộp, 60.073 hồ sơ, tương đương 1.907,5m giá tài liệu, trong đó có 71 phông lưu trữ cấp tỉnh, 63 phông lưu trữ cấp huyện. Niên đại của tài liệu sớm nhất là từ năm 1950 và muộn nhất đến năm 2022. Thành phần tài liệu rất phong phú, đa dạng, cụ thể, đầy đủ các mặt hoạt động trong đó có lịch sử, văn hóa, xã hội… nhưng chủ yếu là tài liệu giấy và một số ít tài liệu hình ảnh về lịch sử hình thành, phát triển tỉnh Kiên Giang.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Giang Trương Hoàng Anh cho biết, đa số tài liệu giấy có từ năm 1995 trở về trước cũ, vàng ố, giòn, rách, mờ chữ, mất chữ, số ít bị ẩm kết dính, gây hư hỏng, giảm tuổi thọ của tài liệu. Một số tài liệu khổ giấy lớn chưa được lựa chọn bảo quản riêng mà gấp xếp bảo quản chung theo khổ giấy A4. Từ đó dẫn đến tài liệu bị đứt rách, mất chữ, mất giá trị thông tin và chỉ có một bản duy nhất là bản chính, bản gốc của tài liệu phục vụ nhu cầu sử dụng của xã hội.
Để bảo quản lâu dài tài liệu, kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh Kiên Giang đã được đầu tư đưa vào sử dụng từ năm 2006 với 6 tầng sử dụng, có trên 30 phòng kho, đến nay đã 3 lần được cải tạo, sửa chữa, mở rộng, nâng cấp xây dựng để công tác bảo quản tài liệu lưu trữ của tỉnh được tốt hơn. Tuy nhiên, việc vận hành trang thiết bị bảo quản tài liệu chưa thực sự khoa học, hiệu quả.
“Hiện nay, trang thiết bị bảo quản tài liệu chỉ được bật trong giờ hành chính chứ không đủ thực hiện vận hành 24/24 giờ theo quy định. Bởi lẽ, nguồn kinh phí được cấp cho công tác bảo quản tài liệu tại kho lưu trữ lịch sử của tỉnh chỉ đạt 40% công suất vận hành trang thiết bị”, ông Trương Hoàng Anh trăn trở.
Nhiều tài liệu xuống cấp nghiêm trọng
Với Quảng Bình, nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra bão, lụt, việc bảo quản tài liệu lưu trữ càng khó khăn. Theo Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Bình Hồ Ngọc Thắng, Trung tâm đang bảo quản 74 phông lưu trữ, gần 2.000m giá tài liệu với diện tích kho chuyên dụng hơn 900m2. Trong đó, nhiều tài liệu có tần suất tra cứu, khai thác cao nhưng bị xuống cấp, đặc biệt là tài liệu thuộc các hồ sơ của cán bộ tham gia kháng chiến, chuyên gia cho nước bạn Lào; tài liệu liên quan đến tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến; tài liệu lịch sử, văn hóa… Một số tài liệu xử lý bằng cách sử dụng băng keo, hồ dán để gắn kết giấy dưới nhiều dạng có thể gây ra hư hại tại chỗ. Các chất keo kết dính làm đổi màu và gây ra giòn giấy, làm hại đến tài liệu, trong khi việc bóc tách băng keo có thể làm bạc màu phần còn lại hoặc thậm chí làm mờ đi hay mất hẳn nội dung.
Ông Hồ Ngọc Thắng bày tỏ lo lắng: “Với tình trạng vật lý xuống cấp nghiêm trọng như vậy, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời thì trong một thời gian ngắn nữa sẽ có nguy cơ không còn giữ được bản gốc, bản chính của tài liệu”.
Tương tự, những năm qua, công tác bảo quản, lưu trữ tài liệu ở Bắc Giang được chú trọng. Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bắc Giang Nguyễn Quốc Hoàn cho hay nhằm kéo dài tuổi thọ của tài liệu, hàng năm Trung tâm đều tổ chức bồi nền đối với tài liệu được in trên giấy gió và tài liệu đã bị cũ, rách. Kết quả, từ năm 2015 đến nay Trung tâm đã tiến hành bồi nền được trên 60.000 trang tài liệu có giá trị. Tuy nhiên, con số này rất khiêm tốn so với khối tài liệu có giá trị cần xử lý trong kho.
Biện pháp bồi nền giúp kéo dài tuổi thọ của tài liệu, tuy nhiên chỉ giúp kéo dài về mặt vật lý đối với giấy in, không giúp kéo dài tuổi thọ của chữ in trên giấy. Bên cạnh đó, nhiều nội dung tài liệu bị mất chữ, bay chữ vẫn không thể phục chế sau khi bồi nền. Vì vậy, còn một khối lượng lớn tài liệu có giá trị đang lưu trữ không thể đọc được trọn vẹn nội dung bên trong.
Bắc Giang có chùa Bổ Đà và chùa Vĩnh Nghiêm đang lưu giữ hệ thống mộc bản Kinh Phật quý giá. Để bảo quản, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhà trưng bày và nhà bảo quản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, với đầy đủ hệ thống phòng, chống cháy nổ, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, camera an ninh... Tuy nhiên, do chịu tác động của thời gian (được khắc từ khoảng thế kỷ XVI - XIX), môi trường, khí hậu và các yếu tố khác, các bộ mộc bản đã và đang bị xuống cấp về chất lượng, hầu hết mộc bản bị nấm mốc, một số bị mối mọt gây hại.
“Theo thống kê, mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm bị vỡ, nứt, cong vênh, nhòe chữ có tỷ lệ lên tới 78,6% và tại chùa Bổ Đà là 82,3%. Tại chùa Bổ Đà, do chưa được đầu tư kinh phí xây dựng kho nên mộc bản vẫn được bảo quản tại 3 gian nhà thuộc dãy nhà ngang 5 gian của chùa. Mộc bản được xếp lên giá gỗ và kê lên gạch. Nhiều mộc bản chưa được biên dịch hết”, ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết.
Không riêng Kiên Giang, Quảng Bình, Bắc Giang, rất nhiều địa phương trên cả nước tài liệu lưu trữ nằm trong tình trạng hư hại, mất mát, trong đó có nhiều tài liệu giá trị về lịch sử, văn hóa của địa phương.