Bài 1: Chuyến hành trình giàu ý nghĩa
Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi cùng đoàn công tác Tổng cục Hậu cần (TCHC) gồm gần 100 cán bộ, bác sĩ, nhân viên quân y đến từ một số bệnh viện quân y (BVQY) phía Bắc thực hiện chương trình khám, chữa bệnh (KCB) chung giữa quân đội hai nước Việt Nam-Lào tại 3 huyện: Mường Mày, Mường Khoa, Sẳm Phăn thuộc tỉnh Phông Sa Lỳ (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Chuyến đi không dài nhưng đã để lại tình cảm tốt đẹp, thể hiện tình hữu nghị nồng ấm, thủy chung, son sắt giữa Nhà nước, quân đội và ngành hậu cần, quân y hai nước Việt Nam-Lào.
Vượt đường dài đến vùng gian khó
Hà Nội một sớm mùa đông. Khi đồng hồ vừa chỉ 5 giờ sáng, đoàn xe quân sự chở gần 100 cán bộ, bác sĩ, nhân viên quân y bắt đầu lăn bánh dưới làn mưa lạnh giá hướng về phía Tây Bắc. Dù trong đoàn có người từng tham gia đợt hành trình năm trước, nhưng trên xe ai cũng hồi hộp, háo hức nghĩ về những ngày đầy ý nghĩa sắp tới... Sau chặng dừng nghỉ qua đêm tại tỉnh Điện Biên, 8 giờ hôm sau, đoàn bắt đầu vượt qua Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, đi sâu vào nội địa nước bạn. Trong lúc chờ làm thủ tục xuất-nhập cảnh, Đại tá Bùi Đức Hải, Trưởng phòng Khoa học-Quân huấn Cục Quân y, người trực tiếp đi “tiền trạm” khảo sát thực địa chuẩn bị cho đợt hành trình chia sẻ: “Phông Sa Lỳ là một trong những tỉnh có địa hình phức tạp, hiểm trở, giống với nhiều địa phương biên giới phía Tây Bắc nước ta. So với các tỉnh Tây Bắc của ta, mạng lưới y tế cơ sở của bạn còn thiếu thốn, khó khăn hơn rất nhiều”. Đúng như chia sẻ của anh Hải, suốt dọc con đường nhựa nối từ Cửa khẩu Quốc tế Pang Hốc của nước bạn vào sâu nội địa, chúng tôi thi thoảng mới gặp một vài ngôi nhà của người dân nằm chênh vênh, lúp xúp bên sườn núi, còn lại rất hoang sơ.
Gần trưa, chúng tôi bắt đầu vào đến huyện Mường Khoa, nơi đặt “sở chỉ huy” của cả đoàn. Từ đây, đoàn chia thành 3 lực lượng: Bộ phận chính ở lại làm nhiệm vụ tại chỗ, còn lại chia về các huyện lân cận, cách cả vài giờ đi ô tô để triển khai hoạt động KCB, cấp thuốc miễn phí cho người dân nước bạn. Sau khi kiểm tra lại tỉ mỉ kế hoạch bố trí, tổ chức từng đội hình, Thiếu tướng Nguyễn Văn Cường, Phó chính ủy TCHC, trưởng đoàn công tác chia sẻ: “Đợt KCB chung lần này tiếp tục thể hiện tình cảm, mối quan hệ sâu sắc giữa quân đội hai nước, đồng thời là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào. Đây cũng là dịp để quân đội hai nước tri ân, cảm ơn sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân và chính quyền các địa phương đối với cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và Lào. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị được hai bên hiệp đồng, trao đổi, bàn bạc, thống nhất rất kỹ, lập kế hoạch hết sức khoa học, tỉ mỉ”.
Để chuẩn bị cho đợt KCB chung lần này, TCHC Quân đội nhân dân Việt Nam đã huy động gần 100 cán bộ, y sĩ, bác sĩ, trong đó có nhiều cán bộ đầu ngành, giữ chức vụ chỉ huy tại các bệnh viện có uy tín của ngành quân y Việt Nam. Như Bệnh viện Quân y 354 và 105 (TCHC) đều có lãnh đạo ban giám đốc trực tiếp chỉ huy, phụ trách hai điểm khám chính; điểm còn lại do chỉ huy phòng nghiệp vụ của Cục Quân y trực tiếp đảm nhiệm. Về phía bạn, ngoài cán bộ, nhân viên quân y tham gia, lực lượng y tế địa phương cũng được huy động tổng lực với vai trò vừa trợ giúp chuyên môn, đồng thời là các “phiên dịch viên”. Cùng với lực lượng đông đảo, có chất lượng, đoàn công tác của Việt Nam đã mang theo hơn 10 tấn trang thiết bị y tế, gồm nhiều máy móc hiện đại, như: Máy siêu âm, điện tim, sinh hóa, huyết học, X-quang và các vật tư tiêu hao khác để khám, sàng lọc sơ bộ, chẩn đoán ban đầu, thực hiện một số thủ thuật theo chỉ định. Đoàn công tác cũng chuẩn bị hơn 10.000 cơ số thuốc để cấp phát miễn phí cho bà con, bảo đảm tất cả các trường hợp đến khám đều được cấp thuốc theo chỉ định hoặc thuốc bổ chuẩn bị sẵn. Ngoài ra, trong chuyến đi này, đoàn còn chuẩn bị nhiều suất quà là “đặc sản” của ngành hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam trao tặng chính quyền địa phương và các đối tượng chính sách đặc biệt trên địa bàn.
Những “thử thách” đầu tiên!
Ngay buổi chiều đầu tiên đặt chân lên đất bạn, khi những người thầy thuốc quân y còn chưa kịp nghỉ ngơi, hồi sức, họ đã trải qua “thử thách” bởi hai ca cấp cứu ngoài dự kiến. Tại huyện Mường Mày, các bác sĩ tiếp nhận trường hợp đẻ sinh đôi, người dân tộc Co ở bản Piểng Luồng. Vừa lọt lòng mẹ, cháu thứ hai đã ngừng hô hấp, toàn thân mềm oặt, da tím tái. Trong khi các bác sĩ quân y đang khẩn trương triển khai các biện pháp cấp cứu thì bất ngờ nghe được thông tin từ phiên dịch viên nước bạn: Với người dân tộc Co, nếu sinh đôi, theo tục lệ cháu bé sẽ phải bị… bỏ. Nhìn sản phụ và gia đình không có ý muốn cứu cháu bé, Đại úy Nguyễn Văn Thái (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) trực tiếp phụ trách ca cấp cứu và các đồng nghiệp không khỏi lúng túng. Nhưng với lương tâm nghề nghiệp, anh Thái và mọi người không thể làm ngơ. Thật may vừa lúc đó, đồng chí Trưởng Công an huyện Mường Mày đã đứng ra nhận làm cha nuôi cả hai cháu bé. Vậy là các thầy thuốc có thêm động lực, tiếp tục thực hiện những động tác hồi sức bóp bóng, ép tim, hô hấp nhân tạo… Do vật tư tiêu hao tại chỗ thiếu thốn, các bác sĩ đã rất linh hoạt, sử dụng dụng cụ mang theo để chế tạo ống thở, đặt cho bệnh nhân. Sau một thời gian cấp cứu tích cực, cháu bé thở lại và bắt đầu có phản xạ, các bác sĩ cơ bản kiểm soát được đường thở; đồng thời đề nghị bạn điều xe đưa gấp cháu sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên (Việt Nam) để tiếp tục chăm sóc, điều trị. Khi kết thúc đợt KCB trên nước bạn, trên đường hành quân trở về, chúng tôi được nghe thông tin vui phía bạn báo lại, tình hình sức khỏe của cháu bé đã ổn định, ăn ngủ tốt.
Ca thứ hai là vụ tai nạn giao thông tại thị trấn huyện Mường Khoa. Do đi nhanh, không làm chủ được tốc độ, hai thanh niên bản địa đã đâm vào cột mốc bên đường rồi ngã, gẫy chân phức tạp, được người dân đưa vào Bệnh viện huyện Mường Khoa cấp cứu trong tình trạng mất máu nhiều. Nhận được tin, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 354 do Thượng tá Hà Duy Dương, Phó giám đốc bệnh viện chỉ huy dừng bữa ăn tối, lên xe tới bệnh viện gấp để tham gia cấp cứu bệnh nhân. Quay trở lại phòng ăn, Đại tá Vũ Đức Lưu, Phó chủ nhiệm Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Quân y 354), người trực tiếp sơ cứu và tiến hành băng bó, nẹp, xử lý vết thương cho hai thanh niên tâm sự: “Mọi việc diễn ra nhanh quá, chúng tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần, trong khi cơ sở vật chất của bệnh viện huyện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; hệ thống điện cũng thiếu ổn định... Cũng may, tôi cùng đội ngũ y sĩ, bác sĩ nước bạn tiếp nhận, xử lý kịp thời nên bệnh nhân không bị đe dọa đến tính mạng. Sau khi xử lý bước đầu xong, chúng tôi đã làm thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục điều trị phục hồi”. Nhìn gương mặt lấm tấm mồ hôi của anh Lưu và các đồng nghiệp trực tiếp tham gia ca cấp cứu, chúng tôi càng hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của những người thầy thuốc quân y, khi họ làm nhiệm vụ trên đất bạn, trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, ngôn ngữ bất đồng. Và chúng tôi cũng mường tượng ra rằng, những ngày sắp tới, với họ, sẽ còn nhiều vất vả, thử thách hơn nữa…
Ghi chép của VĂN CHIỂN
(còn nữa)