Bài 1: Chuyện về 'tấm khiên' ở tuyến cơ sở
Mạng lưới y tế xã, phường được ví như những 'tấm khiên' vững chắc trên tuyến đầu bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song, đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế tuyến cơ sở luôn nêu cao tấm lòng 'từ mẫu', trau dồi nghiệp vụ và thầm lặng cống hiến. Trong bức tranh chung đó, Trạm Y tế Tân Lâm Hương (TP Hà Tĩnh) là một điểm sáng về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.


Mạng lưới y tế xã, phường được ví như những “tấm khiên” vững chắc trên tuyến đầu bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song, đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế tuyến cơ sở luôn nêu cao tấm lòng “từ mẫu”, trau dồi nghiệp vụ và thầm lặng cống hiến. Trong bức tranh chung đó, Trạm Y tế Tân Lâm Hương (TP Hà Tĩnh) là một điểm sáng về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.
NHỮNG NGƯỜI “MẸ HIỀN” GẦN DÂN
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với bác sỹ Nguyễn Hữu Kiên (SN 1972) - Trạm trưởng Trạm Y tế Tân Lâm Hương trong buổi sáng đầu tuần liên tục bị ngắt quãng bởi ông phải trực tiếp thăm khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân đến với trạm. Gắn bó với tuyến y tế cơ sở, với bà con nhiều năm nay, bác sỹ Kiên gần như hiểu tường tận từng gia đình, nắm chắc tình hình từng người bệnh. Tôi cảm nhận được điều đó qua việc hỏi han, trò chuyện, cử chỉ thăm khám của vị bác sỹ này cũng như sự vui vẻ, thoải mái của người dân.

Trạm Y tế Tân Lâm Hương luôn thu hút đông đảo người dân đến thăm khám và tiêm chủng.
Bác sỹ Kiên chia sẻ: “Với 11 nhân viên y tế, trong đó có 2 bác sỹ, để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu cho gần 18.000 người dân thuộc 25 thôn trong xã vùng ven đô là điều không dễ, bởi dân số đông, nhiều biến động, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh lớn. Để đáp ứng yêu cầu công việc, chúng tôi đã phân công nhiệm vụ khoa học, cùng đề cao quyết tâm chung để tăng cường công tác khám chữa bệnh (KCB) cho người dân. Ngoài nỗ lực của cán bộ y tế trạm, thời gian qua, chúng tôi còn cố gắng tranh thủ các chương trình CSSK, tiêm chủng từ tuyến trên, giúp bà con tiếp cận thêm các dịch vụ y tế. Trung bình mỗi tháng, trạm tổ chức 2 đợt tiêm chủng mở rộng trên địa bàn”.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Kiên, Trạm trưởng xã Tân Lâm Hương trao đổi với phóng viên Báo Hà Tĩnh.
...............................
THỜI ĐIỂM NÀY, TRẠM Y TẾ XÃ QUẢN LÝ HƠN 4.500 BỆNH NHÂN BẢO HIỂM Y TẾ, TRUNG BÌNH MỖI NGÀY, ĐƠN VỊ ĐÓN TIẾP TỪ 20 - 40 NGƯỜI ĐẾN THĂM KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ.
25 năm gắn bó với y tế cơ sở ở nhiều địa bàn khác nhau, bác sỹ Kiên luôn xác định rõ nhiệm vụ quan trọng trong CSSK cho người dân ở tuyến đầu. Nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên của người trạm trưởng là cùng cán bộ trạm tổ chức bám nắm địa bàn, theo dõi tình hình, phân nhóm bệnh nhân để có giải pháp chăm sóc phù hợp, kịp thời, chu đáo. Với bề dày kinh nghiệm, năng lực chuyên môn tốt, sự cởi mở nhiệt tình, chân thành, đội ngũ cán bộ y tế nơi đây đã tạo dựng niềm tin vững chắc trong Nhân dân. Thời điểm này, trạm y tế xã quản lý hơn 4.500 bệnh nhân BHYT, trung bình mỗi ngày, đơn vị đón tiếp từ 20-40 người đến thăm khám và điều trị. Bệnh nhân đông, khối lượng công việc lớn, nhưng với những người công tác tại trạm, đây là niềm hạnh phúc của người thầy thuốc khi họ được cống hiến, được CSSK, chia sẻ nỗi đau với người bệnh.
“Còn nhớ, có lần khám sàng lọc tại trường mầm non xã, tôi phát hiện và nghi ngờ 1 trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh. Tiếp nhận thông tin, phụ huynh của cháu bé đã phản ứng gay gắt với bác sỹ. Thế nhưng, chúng tôi đã kiên trì thuyết phục cho cháu đi kiểm tra ở tuyến trên. Kết quả đúng như chẩn đoán và trạm đã kịp thời kết nối với chương trình phẫu thuật tim miễn phí cho cháu. Rồi những lần khám, khâu vết thương cho những bệnh nhân mất hành vi, nhận thức, y, bác sỹ rất dễ bị bạo hành… Song, chính trách nhiệm của người thầy thuốc đã tiếp thêm động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn, thực hiện tốt sứ mệnh CSSK Nhân dân” - bác sỹ Kiên trải lòng.
Video: Bác sỹ Nguyễn Hữu Kiên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Lâm Hương chia sẻ về hoạt động khám chữa bệnh tại trạm.
Lần mở máy tính, các file tài liệu được sắp xếp khoa học, cử nhân điều dưỡng Hoàng Ngọc Oánh cho chúng tôi xem phần danh sách quản lý gần 500 người bệnh tăng huyết áp, gần 100 bệnh nhân đái tháo đường cùng hơn chục ca bệnh thần kinh nhẹ, người nhiễm HIV/AIDS. Đó là những con số không hề nhỏ đối với một trạm y tế cơ sở. Để nắm bắt, quản lý bệnh nhân một cách cụ thể, chi tiết là công sức của các nhân viên y tế trong các chương trình khám, tầm soát, trong việc thường xuyên phối hợp với mạng lưới y tế thôn tăng cường tuyên truyền bà con đến kiểm tra sức khỏe tại trạm y tế, từ đó phát hiện bệnh để đưa vào diện theo dõi thường xuyên.
“Việc quản lý thông tin người bệnh một cách khoa học giúp chúng tôi nắm bắt, nhắc nhở người dân thăm khám kịp thời, dùng thuốc đúng liều lượng để phòng tránh bệnh tăng nặng. Bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường phần lớn là người cao tuổi nên mỗi tháng, có khi chúng tôi phải gọi hàng chục cuộc điện thoại, có lúc nhờ đến đội ngũ y tế thôn nhắc nhở bà con đến khám định kỳ” - cử nhân điều dưỡng Hoàng Ngọc Oánh chia sẻ.

Cán bộ y tế thăm khám và điều trị cho một ca bệnh tại trạm.
Bà Nguyễn Thị Ái, ở thôn Văn Bình cho hay: “Năm 2020, tôi phát hiện bị huyết áp và tiểu đường trong lần tham gia tầm soát sức khỏe do trạm kết nối với tuyến trên tổ chức. Từ đó đến nay, với sự chăm sóc, nhắc nhở, những lời hỏi thăm sức khỏe của đội ngũ thầy thuốc nơi đây, tôi luôn duy trì chế độ thăm khám theo định kỳ. Đến nay, các chỉ số được kiểm soát tốt, sức khỏe ổn định, tôi rất yên tâm, tin tưởng vào các thầy thuốc ở trạm y tế xã”.
63 tuổi, bà Nguyễn Thị Lục là một bệnh nhân thần kinh nhẹ, có tiền sử cao huyết áp đang được quản lý, điều trị tại trạm. Bà Lục chia sẻ: “Đầu óc không còn được tỉnh táo, khi nhớ khi quên, nhưng theo định kỳ tôi luôn nhớ đến trạm y tế để khám và lấy thuốc. Các y, bác sỹ tại trạm y tế như người nhà của tôi vậy”.


Đảm bảo đủ nguồn thuốc phục hoạt động điều trị cho người dân.
Cùng với công tác KCB cho Nhân dân, đội ngũ cán bộ Trạm Y tế xã cũng tăng cường bám nắm địa bàn, phối hợp chặt chẽ với 25 thành viên y tế thôn để tuyên truyền, nâng cao ý thức cho bà con, kịp thời phát hiện, khống chế dịch bệnh. Còn nhớ năm 2021, Tân Lâm Hương là một trong những điểm bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh. Kỷ niệm khó quên của các y, bác sỹ nơi đây là những đêm trắng đón tiếp người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, những ngày gồng mình chống dịch trong khu cách ly, những nỗ lực KCB cho người dân trong điều kiện khó khăn bủa vây, đặc biệt là đã thực hiện đỡ đẻ thành công cho 1 sản phụ có ngôi thai bị ngược trong vùng cách ly, đảm bảo mẹ tròn con vuông…
........................
TRẠM Y TẾ TÂN LÂM HƯƠNG LUÔN NẮM BẮT KỊP THỜI CÁC THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN, XỬ LÝ NHANH, KHOANH VÙNG KỊP THỜI NHIỀU Ổ DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NÊN KHÔNG ĐỂ XẢY RA TÌNH TRẠNG DỊCH BỆNH BÙNG PHÁT.
Những tháng ngày vất vả, kiên cường trên mặt trận phòng chống dịch đã rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, thầy thuốc của trạm tác phong phản ứng nhanh, bình tĩnh, xử trí kịp thời các ca bệnh. Nhờ vậy, thời gian qua, Trạm Y tế Tân Lâm Hương luôn nắm bắt kịp thời các thông tin trên địa bàn, xử lý nhanh, khoanh vùng kịp thời nhiều ổ dịch bệnh truyền nhiễm nên không để xảy ra tình trạng dịch bệnh bùng phát.
XÂY DỰNG TRẠM Y TẾ ĐÁP ỨNG NHU CẦU CSSK BAN ĐẦU
Hoạt động ở một địa bàn đông dân cư, để hướng tới mục tiêu bao phủ CSSK Nhân dân, bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tác phong, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ, Trạm Y tế Tân Lâm Hương còn chú trọng xây dựng đội ngũ y tế thôn hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò là cánh tay nối dài của trạm, là nhân tố quan trọng trong tuyên truyền, giúp người dân ở các địa bàn tiếp cận với quyền lợi được CSSK.

Cán bộ y tế truyền thông phòng, chống dịch bệnh và sức khỏe vị thành niên.
Chị Đặng Thị Thanh - cán bộ y tế thôn Phái Đông chia sẻ: “Hằng tháng, tôi đều tham gia sinh hoạt chuyên môn tại trạm để nắm bắt thông tin về tuyên truyền, phổ biến cho người dân. Mỗi khi trạm tổ chức tiêm chủng, uống vitamin A, tẩy giun hay khám sức khỏe, tôi đều thông báo rõ ràng trên loa phát thanh, vận động bà con tham gia đầy đủ. Ngoài ra, tôi còn lập nhóm Zalo để nắm bắt thông tin, tình hình sức khỏe của người dân, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để kịp thời thông tin cho trạm y tế”.
Trên lộ trình xây dựng cơ sở y tế đáp ứng yêu cầu CSSK người dân, Trạm Y tế Tân Lâm Hương đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng dãy nhà 12 phòng chức năng với đầy đủ trang thiết bị KCB, đặt trong khuôn viên rộng 1.800m2 với hệ thống cây xanh bao phủ; vườn thuốc nam gần 100m2 được chăm chút, tạo cảnh quan xanh, sạch, thoáng đãng, thân thiện. Chung sức xây dựng trạm y tế thành địa chỉ tin cậy, bà con Tân Lâm Hương ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chung trong mỗi lần đến khám; tích cực đóng góp ngày công trong các đợt huy động tổng vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên, trồng cây xanh, chăm sóc vườn thuốc nam tại trạm…

Vườn thuốc nam của Trạm Y tế Tân Lâm Hương.
Ông Nguyễn Văn Ninh - Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương cho biết: “Sau sáp nhập, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng xã đã cố gắng đầu tư xây dựng, củng cố những hạng mục thiết yếu của trạm y tế như: mái che, phòng chức năng… Hằng năm, địa phương bố trí một phần ngân sách cho hoạt động y tế, dân số; gặp mặt, động viên cán bộ, nhân viên trạm trong các ngày lễ; tăng cường vai trò, sự vào cuộc của khối đoàn thể trong các chiến dịch CSSK, tiêm chủng mở rộng… Chính quyền địa phương tiếp tục tham mưu cấp trên ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng sự gia tăng quy mô dân số sau sáp nhập ”.

Trạm Y tế Tân Lâm Hương thực hiện có hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng.
Đánh giá về hoạt động của Trạm Y tế Tân Lâm Hương, ông Nguyễn Xuân Kháng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh cho biết. “Được cấp trên quan tâm, bố trí 2 bác sỹ cùng sự quyết tâm nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đội ngũ nhân viên, Trạm Y tế Tân Lâm Hương đã tạo được niềm tin cho bà con. Đây cũng là một trong những đơn vị hoàn thành tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ban đầu cho người dân tại cộng đồng. Sau khi xã Tân Lâm Hương sáp nhập vào TP Hà Tĩnh, để tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của trạm trong tình hình mới, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng, trên cơ sở đó sớm tham mưu với các cấp, ngành quan tâm nguồn lực đầu tư để đáp ứng yêu cầu CSSK ban đầu cho người dân”.

Bác sỹ khám sàng lọc cho người dân khi đến tiêm chủng định kỳ.
Từ thực tế hoạt động của Trạm Y tế Tân Lâm Hương cho thấy, để tuyến y tế cơ sở đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, điều cốt lõi vẫn là đội ngũ y, bác sỹ có năng lực, giàu tình thương và trách nhiệm. Cùng đó là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền sở tại. Sự đồng bộ về nhân lực, chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị là điều kiện quan trọng để gia tăng chất lượng, hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã, phường, cải thiện và nâng cao chất lượng CSSK người dân, góp phần giảm áp lực cho y tế tuyến trên.
Trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở Hà Tĩnh đã được củng cố, phát triển tương đối hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo vệ, CSSK ban đầu cho Nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 209 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó 100% trạm đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 83% số trạm có bác sỹ làm việc; 100% thôn có nhân viên y tế. Đến nay, toàn tỉnh có 46 trạm y tế được cải tạo, nâng cấp, xây mới từ ngân sách tỉnh và nguồn vốn ODA (xây mới 21 trạm, cải tạo - sửa chữa 25 trạm) với tổng nguồn vốn 208 tỷ đồng.
BÀI, ẢNH: NHÓM PV - CTV
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
(còn nữa)