Bài 1: Có 'lòng dân' là có tất cả

Thấm nhuần bài học 'Lấy dân làm gốc', thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo vì dân, hướng đến lợi ích của nhân dân. Trong đó, tiên phong là huyện vùng cao Mù Cang Chải với mô hình 'Ngày cuối tuần cùng dân' (NCTCD). Đến nay, sau 5 năm thực hiện, mô hình đã lan tỏa rộng khắp các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh.

"Nghe dân nói, nói dân nghe”

Theo quy định, ngày cuối tuần là ngày nghỉ, nhưng đã 5 năm nay, hình ảnh cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương tay cuốc, tay xẻng, mồ hôi ướt đẫm lưng áo giúp dân làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ làm nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hướng dẫn người dân ăn ở hợp vệ sinh, chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, dọn dẹp khắc phục hậu quả mưa lũ... đã trở nên rất đỗi quen thuộc với bà con các thôn bản, các xã trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Đó là những việc làm cụ thể, hành động thiết thực trong triển khai thực hiện mô hình NCTCD của cán bộ, đảng viên ở huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái.

Là bản thuộc xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải, đời sống bà con bản Pú Vá, xã Chế Tạo gặp rất nhiều khó khăn. Bà con nơi đây ai cũng mong muốn có một con đường từ bản đi vào Thủy điện Phìn Hồ 2, song do địa hình vô cùng khó khăn nên bà con cho rằng ước mơ chắc cũng chỉ là mơ ước. Nghe dân phản ánh, đồng chí Hảng A Ký - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tuyến đường và nhận thấy dù rất khó khăn nhưng nếu có sự quyết tâm của đồng bào thì không thể không mở được đường. Và rồi, từ sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước và sự góp công sức của cán bộ, bà con, tuyến đường trong mơ của người dân bản Pú Vá đã trở thành hiện thực.

Ông Giàng A Vàng - Bí thư Chi bộ bản Pú Vá hân hoan: "Tuyến đường bê tông sạch đẹp giúp việc giao thương, buôn bán của bà con thuận lợi, giá cả vật liệu xây dựng, đồ gia dụng phục vụ sinh hoạt cũng giảm hơn trước rất nhiều do ô tô vào được tận bản”.

Chia sẻ về mô hình NCTCD của địa phương, đồng chí Hảng A Ký cho rằng: "Về cơ sở gặp gỡ, làm cùng dân vào ngày cuối tuần đã giúp chúng tôi có nhiều hơn cơ hội trực tiếp lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của bà con để có hướng tháo gỡ, giải quyết. Khi đã nuôi dưỡng được niềm tin trong lòng người dân bằng những việc làm tuy nhỏ nhưng đem lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân thì mọi phong trào sẽ được dân tin tưởng, làm theo”.

Đồng chí Hảng A Ký - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện (áo vàng) gặp gỡ người dân tại xã Nậm Có vào ngày cuối tuần để tuyên truyền xóa bỏ tà đạo.

Đồng chí Hảng A Ký - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện (áo vàng) gặp gỡ người dân tại xã Nậm Có vào ngày cuối tuần để tuyên truyền xóa bỏ tà đạo.

Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, có tới 98% là đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Mông sinh sống, trình độ nhận thức không đồng đều, do đó, mỗi cán bộ, đảng viên tự giác thu xếp thời gian, công việc để ít nhất 2 ngày cuối tuần/tháng đến với dân tại các thôn, bản được phân công, phụ trách làm cầu nối cung cấp thông tin hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền với người dân cũng như lắng nghe thông tin, ý kiến của người dân với cấp ủy, chính quyền.

Từ đó, cán bộ đã gần dân hơn, hiểu những gì người dân cần và ngược lại, người dân có thể giãi bày những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở với cán bộ. Để rồi từ đó, bà con nâng cao nhận thức, xóa bỏ các hủ tục đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xây dựng làng bản sạch đẹp, văn minh, cùng nhau thi đua phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững…

Bà Hờ Thị Súa, bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha phấn khởi: "Trước đây gặp cán bộ, người dân chúng tôi rất e ngại. Nhưng bây giờ thì cán bộ với dân rất gần gũi bởi cuối tuần, khi bản, xã có công việc gì là các cán bộ lại về để giúp dân, giúp địa phương. Có cán bộ lao động cùng, chúng tôi thấy thoải mái khi trao đổi những tâm tư, nguyện vọng để cán bộ hiểu, có phương án giúp dân nên bà con rất hào hứng, tích cực tham gia các phong trào xây dựng địa phương”.

Được người, được việc, được phong trào

Qua 5 năm thực hiện mô hình NCTCD ở huyện vùng cao xa nhất của tỉnh có khẳng định, mô hình thành công với "3 được”: được người, được việc và được phong trào.

Đầu tiên là "được người” - mô hình đã giúp cán bộ rèn luyện phong cách lãnh đạo sâu sát, trách nhiệm; rèn luyện kỹ năng lắng nghe; chia sẻ, giúp đỡ nhân dân.

Thứ 2 là "được việc” - cấp ủy, chính quyền đã tập trung giải quyết các việc khó, việc mới; người dân đã thay đổi tư duy, nhận thức trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Thứ 3 là "được phong trào” - với sự lan tỏa mạnh mẽ, mô hình đã trở thành biểu tượng của tinh thần hết lòng vì nhân dân, nâng cao mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa người dân và cán bộ, đảng viên. Từ mô hình, trên địa bàn huyện đã xuất hiện ngày càng nhiều phong trào thi đua như: "Làm hết việc, chứ không chờ hết giờ”, "Mỗi ngày làm thêm một giờ, mỗi tuần làm thêm một ngày”…

Trong 5 năm qua, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức cho hơn 37.000 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và hơn 70.000 lượt người dân tham gia NCTCD với các công trình, phần việc cụ thể như: kiên cố hóa và mở mới gần 376 km đường giao thông nông thôn; làm nhiều tuyến đường "Thắp sáng đường quê", tuyến đường hoa; làm mới và sửa chữa trên 1.200 nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, nhà bị sập trôi, hư hỏng do mưa lũ; khai hoang gần 290.000 ha ruộng bậc thang… Từ đó, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2023 đạt 34 triệu đồng, tăng 70% so với đầu nhiệm kỳ; bình quân mỗi năm huyện giảm hơn 9% hộ nghèo.

Cán bộ các cơ quan phụ trách xã Lao Chải cùng dân tham gia đổ bê tông sân Nhà văn hóa bản Lao Chải, xã Lao Chải t rong "Ngày cuối tuần cùng dân",

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên khẳng định: "Hành động thiết thực, tinh thần làm việc đi đầu nêu gương của cán bộ chính là yếu tố làm nên thành công của mô hình NCTCD trên địa bàn huyện. Từ đó, góp phần quan trọng làm thay đổi trong đồng bào về nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; cải sửa các phong tục, tập quán không còn phù hợp; nhân dân tích cực sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo, tạo nên mối liên hệ gần gũi, gắn bó giữa cán bộ với nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân; xây dựng được hình ảnh đẹp của người cán bộ, đảng viên trong lòng nhân dân. Đặc biệt là góp phần quan trọng sớm hoàn thành mục tiêu đưa địa phương đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo”.

Với những hiệu quả rõ nét mà NCTCD trên địa bàn huyện Mù Cang Chải mang lại, mô hình nhanh chóng tạo được sức lan tỏa vượt phạm vi của huyện lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo tỉnh cứ ngày cuối tuần lại có mặt ở cơ sở cùng cán bộ, đảng viên và nhân dân sở tại tham gia khai hoang ruộng bậc thang, làm đường giao thông, làm nhà văn hóa, giúp đỡ hộ nghèo, trồng các tuyến đường hoa, cây xanh, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai … đã để lại ấn tượng đẹp trong bà con nhân dân về người cán bộ luôn trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, hiểu dân, phục vụ nhân dân.

Mô hình NCTCD ở Mù Cang Chải cũng như toàn tỉnh Yên Bái hiện nay cũng chính là giải pháp đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị, xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên trong lòng luôn có Đảng, trong Đảng luôn có dân.

(Bài 2: Lan tỏa nhiều mô hình giúp dân hiệu quả)

Thanh Chi

(Bài dự thi Cuộc thi viết "Vì một Yên Bái phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” lần IV)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/327416/bai-1-co-long-dan-la-co-tat-ca.aspx