Bài 1: Công khai, minh bạch kết luận giám sát

100% cấp ủy huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn hàng năm ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn. Định kỳ hàng quý, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai tổ chức ít nhất 1 phiên giải trình; Thường trực HĐND cấp huyện, xã tùy theo tình hình thực tế hàng năm tổ chức ít nhất 2 phiên giải trình… 100% kết luận giám sát của HĐND phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương.

Đó là những chỉ tiêu cụ thể nổi bật trong Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031”.

Chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ ở cả ba cấp

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và cấp ủy đảng các cấp, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chủ động, năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị. Tổ chức bộ máy HĐND các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Các kỳ họp HĐND, nhất là kỳ họp HĐND tỉnh ngày càng thực chất, có nhiều cải tiến, đổi mới, chất lượng và hiệu quả hơn. Hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình được tăng cường theo hướng toàn diện, sâu sát, quyết liệt và hiệu quả; kịp thời phát hiện, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề vướng mắc, hạn chế, yếu kém, vi phạm trong tổ chức thực hiện và bổ sung hoàn thiện các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền.

 Đoàn khảo sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát Cụm công nghiệp Long Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành. Ảnh: B. Nguyên

Đoàn khảo sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát Cụm công nghiệp Long Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành. Ảnh: B. Nguyên

Mặc dù vậy, chất lượng hoạt động của HĐND vẫn chưa đồng đều, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ ở cả ba cấp, nhất là ở cấp huyện và xã. Ngoài thiếu sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, còn có một số nguyên nhân chủ quan như: một số cấp ủy Đảng cấp huyện, xã chưa thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND; công tác quy hoạch cán bộ HĐND có nơi chưa được quan tâm đúng mức; số lượng đại biểu chuyên trách còn ít, thiếu ổn định, chất lượng chưa thật sự đồng đều. Tổ chức bộ máy và việc bố trí cán bộ giúp việc, nhất là ở HĐND cấp huyện, xã chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; Trưởng các Ban HĐND cấp tỉnh, huyện chưa được quan tâm cơ cấu cấp ủy hoặc giới thiệu để đại hội bầu tham gia cấp ủy cùng cấp, ít nhiều ảnh hưởng đến vị thế, vai trò, hoạt động của các Ban HĐND.

Từ thực tế trên, để nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò của HĐND các cấp trong hệ thống chính trị, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, tiếp tục đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động của HĐND, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031”.

100% kết luận giám sát phải được công khai

Với phương châm hoạt động của HĐND các cấp đến năm 2031 là “Đổi mới - Sâu sát - Khoa học - Hiệu lực - Hiệu quả”; đổi mới nội dung phải thiết thực, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của HĐND và yêu cầu nâng cao vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, Nhân dân trong tỉnh… Mục tiêu cụ thể được xác định: 100% cấp ủy huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn hàng năm ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai và quán triệt Đề án đến 100% cán bộ, đảng viên và đại biểu HĐND các cấp. 100% mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong nghị quyết đại hội, các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy và của cấp ủy các cấp được thể chế hóa thành các nghị quyết của HĐND các cấp...

HĐND, Thường trực, các Ban HĐND các cấp, các Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; Thường trực HĐND xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát, khảo sát chuyên đề, chất vấn, tổ chức phiên giải trình. Trong đó, HĐND cấp tỉnh hàng năm tổ chức ít nhất 1 nội dung giám sát chuyên đề, đối với cấp huyện tùy theo tình hình thực tế tại địa phương tổ chức ít nhất 1 nội dung giám sát chuyên đề. Thường trực HĐND tỉnh hàng năm tổ chức ít nhất 2 nội dung; Thường trực HĐND cấp huyện, xã hàng năm tổ chức ít nhất 1 nội dung giám sát chuyên đề. Định kỳ hàng quý, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức ít nhất 1 phiên giải trình; Thường trực HĐND cấp huyện, xã tùy theo tình hình thực tế tại địa phương hàng năm tổ chức ít nhất 2 phiên giải trình.

Các Ban HĐND cấp tỉnh, huyện hàng năm tổ chức ít nhất 2 nội dung giám sát chuyên đề; Ban HĐND cấp xã hàng năm tổ chức ít nhất 1 nội dung giám sát chuyên đề. Các Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện hàng năm tổ chức ít nhất 1 nội dung giám sát chuyên đề. 100% kết luận giám sát của các tổ chức HĐND phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương (nếu có).

100% kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến HĐND, đại biểu HĐND được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Đồng thời, tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của các cơ quan có thẩm quyền. Hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh tùy tình hình thực tế tổ chức từ 1 - 2 cuộc TXCT chuyên đề; đối với Thường trực HĐND cấp huyện, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương tổ chức ít nhất 1 cuộc TXCT chuyên đề…

BẢO PHƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-cong-khai-minh-bach-ket-luan-giam-sat-post392409.html