Bài 1: Công nghệ tái định hình lực lượng lao động

Sự phát triển nhanh của khoa học-công nghệ đang mở ra nhiều cơ hội việc làm mới, nhưng cũng khiến nhiều ngành nghề đứng trước nguy cơ bị thay thế.

Người lao động tại Công ty cổ phần MISA mỗi năm được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng làm việc và quản lý trong môi trường số.

Người lao động tại Công ty cổ phần MISA mỗi năm được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng làm việc và quản lý trong môi trường số.

Không chỉ doanh nghiệp phải đào tạo và sắp xếp lại nhân sự, mà các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý cũng cần thay đổi cách chuẩn bị nguồn lực. Nếu không có chính sách kịp thời và cách làm đồng bộ, bài toán nhân lực sẽ để lại nhiều hệ lụy xã hội.

Trí tuệ nhân tạo, số hóa và tự động hóa đang tạo áp lực dịch chuyển lên lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp buộc phải đào tạo, nâng cấp kỹ năng cho nhân sự hiện có thay vì tuyển mới để giữ chân người lao động trong môi trường số. Đây không chỉ là giải pháp giữ người, mà còn là chiến lược nâng chất lượng nguồn lực trong dài hạn.

Mở ra những vị trí việc làm mới

Là doanh nghiệp dược có lịch sử lâu đời, vận hành chủ yếu dựa vào nhân công và kênh phân phối trực tiếp, Công ty cổ phần Traphaco không đứng ngoài xu thế chuyển đổi số.

Trí tuệ nhân tạo, số hóa và tự động hóa đang tạo áp lực dịch chuyển lên lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp buộc phải đào tạo, nâng cấp kỹ năng cho nhân sự hiện có thay vì tuyển mới để giữ chân người lao động trong môi trường số.

Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco cho biết, thay đổi lớn nhất diễn ra ở khối kế toán và vận hành chi nhánh. Trước đây, mỗi chi nhánh có ít nhất một kế toán nhưng từ khi công ty thành lập Trung tâm xử lý đơn hàng điện tử và áp dụng công nghệ quản lý hóa đơn, giúp công ty giảm khoảng 100 kế toán viên và một kế toán hiện quản lý tới 28 chi nhánh.

Còn tại nhà máy sản xuất tân dược của công ty ở Hưng Yên, với việc đưa công nghệ cao vào vận hành, từ gần 130 công nhân, nay chỉ còn khoảng 65 nhân công, nhưng năng suất tăng gấp 3 lần. Công ty còn triển khai chiến lược nhân sự thích ứng dài hạn, đó là phân loại các vị trí có thể thay thế bằng công nghệ để đưa ra kế hoạch đào tạo lại, nâng cấp kỹ năng hoặc điều chuyển nhân sự sang vị trí mới.

Ông Nguyễn Huy Văn chia sẻ, nguyên tắc của công ty là không đẩy người lao động ra ngoài xã hội bởi họ đã gắn bó rất nhiều năm và coi chuyển đổi số là cơ hội để nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện để người lao động phát triển kỹ năng phù hợp xu thế mới.

Công ty cổ phần tập đoàn ThaiBinh Seed từng được biết đến với đội ngũ kỹ sư nông nghiệp thuần túy, nhưng hiện nay, bên cạnh đội ngũ khảo nghiệm giống, công ty tuyển thêm nhân sự xử lý dữ liệu, lập trình viên để phân tích giống trên hệ thống tin học.

Đại diện công ty chia sẻ, người nghiên cứu giống nay phải biết đọc dữ liệu di truyền, kết hợp với công cụ tin học để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, đưa nhanh sản phẩm ra thị trường.

Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Sao Thái Dương cho biết, nhu cầu lớn nhất hiện nay của công ty là nhân sự có khả năng nghiên cứu liên ngành như công nghệ sinh học-dược học-hóa học ứng dụng, đồng thời có thể phối hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong các thử nghiệm để cho ra những sản phẩm cạnh tranh cao trên thị trường.

Có thể thấy, khoa học-công nghệ đang tạo ra những thay đổi toàn diện về lực lượng lao động trong các doanh nghiệp. Từ thực tiễn triển khai giải pháp công nghệ cho hơn 350.000 khách hàng là cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, ông Lê Hồng Quang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó có cả doanh nghiệp Việt Nam, đã có những thay đổi rõ nét trong cách tổ chức lại lực lượng lao động theo một số xu hướng chính:

Thứ nhất, tập trung đào tạo vào nâng cao năng lực ứng dụng AI vào công việc cho nhân viên. Thay vì tuyển mới, doanh nghiệp lựa chọn đầu tư đào tạo nội bộ nhằm giữ chân người tài và duy trì văn hóa tổ chức.

Thứ hai, tái cấu trúc tổ chức theo hướng tinh gọn và linh hoạt hơn để tăng tốc độ ra quyết định và cải thiện hiệu suất làm việc nhóm. Mặt khác, việc đào tạo nhân sự ứng dụng công nghệ và nhất là việc ứng dụng AI vào hoạt động vận hành của doanh nghiệp đã giúp loại bỏ nhiều công việc thủ công lặp lại, tốn nhiều thời gian.

Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thị trường lao động sẽ phải tái cấu trúc và dịch chuyển từ lao động giản đơn sang lao động tri thức và kỹ năng số là xu hướng không thể đảo ngược. Xu hướng này sẽ tạo ra việc làm mới trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược như: Vận hành dây chuyền tự động, phân tích dữ liệu, phát triển phần mềm, điều khiển rô-bốt, thiết kế sản phẩm số.

Áp lực thích nghi

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, công nghệ tự động hóa và AI đang dần thay thế các công việc mang tính lặp lại đơn giản, dẫn đến gia tăng khoảng cách về kỹ năng và nguy cơ mất việc. Lực lượng lao động phổ thông, lớn tuổi, chưa qua đào tạo nghề hoặc thiếu kỹ năng số dễ bị bỏ lại phía sau; nguy cơ phân hóa lao động giữa nhóm lao động trí thức-kỹ thuật số và nhóm lao động truyền thống. Nếu không có chính sách đào tạo, đào tạo lại kịp thời, lao động lớn tuổi, ít học hoặc ở nông thôn dễ bị đào thải. Đây là thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển bao trùm và cần có chính sách điều tiết thông minh.

Thực tế, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều ngân hàng đã phải cắt giảm nhân sự tại các vị trí không cần thiết, trong khi họ vẫn phải tuyển mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dữ liệu, số hóa, AI… Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, số lượng phòng giao dịch truyền thống dự kiến sẽ giảm dần, nhường chỗ cho các hoạt động giao dịch trong không gian số. Đồng thời, AI sẽ thay thế con người ở nhiều khâu.

Các chuyên gia công nghệ cho rằng, nhiều ngành nghề truyền thống như nhập liệu, thu ngân, kế toán, chăm sóc khách hàng, thiết kế đồ họa, content marketing… có nguy cơ cao bị thay thế bởi AI và tự động hóa. Nguyên nhân gốc rễ là do đào tạo chưa bắt kịp thị trường và thiếu chính sách mạnh mẽ để đào tạo lại lao động phổ thông.

Một số đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp cũng dự báo, khi các giải pháp công nghệ mới như AI được triển khai rộng rãi trong các doanh nghiệp thì lực lượng lao động sẽ có sự thay đổi sâu sắc về vai trò, cách làm việc và yêu cầu về kỹ năng.

Tuy nhiên, vì thay thế con người, công nghệ lại mở ra cơ hội chuyển dịch tích cực từ lao động thủ công sang lao động có giá trị gia tăng cao hơn, mang tính chiến lược hơn.

Sự thay đổi đó phản ánh rõ nét ngay trong lựa chọn ngành học của sinh viên tại các cơ sở đào tạo.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Thảo, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) cho biết, các ngành liên quan công nghệ số như AI, khoa học dữ liệu, lập trình, an ninh mạng, thương mại điện tử hay kinh doanh số đang trở thành xu hướng lựa chọn nổi bật của sinh viên. Ngược lại, nhiều ngành học truyền thống như quản trị văn phòng, kế toán hay luật kinh tế lại ghi nhận xu hướng giảm đăng ký.

Có thể thấy, công nghệ đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng cũng đặt ra bài toán cấp bách về chuyển dịch nhân lực

(Còn nữa)

BÍCH LIÊN - HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-1-cong-nghe-tai-dinh-hinh-luc-luong-lao-dong-post896269.html