Bài 1: 'Cõng' tiền nuôi cách mạng
Những ngày tháng Tư lịch sử, cả đất nước tưng bừng trong không khí hào hùng kỉ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để có được những con đường cờ hoa rực rỡ ngày hôm nay, ta nhớ tới 5 con đường chi viện cho chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Đường bộ theo dãy Trường Sơn (đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh); đường thủy trên biển Đông (đường Hồ Chí Minh trên biển); đường ống nhiên liệu xăng dầu, đường hàng không; và con đường tài chính, chuyển ngân.
Con đường tài chính, chuyển ngân này rất đặc biệt: nó là con đường vô hình, chỉ “ai làm thì người ấy biết”, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Những người trực tiếp nhận nhiệm vụ đã hình thành “binh chủng tiền” chiến đấu trên một mặt trận hiểm yếu và ác liệt không kém gì trên mặt trận quân sự. Đó cũng là nơi thể hiện xuất sắc ý chí Việt Nam, sự thông minh và sáng tạo và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong “binh chủng tiền” ấy đã có nhiều chiến sỹ hoạt động thầm lặng cả ở miền Bắc và miền Nam, cả trong và ngoài nước, hoàn toàn như “một đơn vị đặc nhiệm”.
Huy động tối đa cho miền Nam ruột thịt
Giai đoạn từ năm 1965 đến 1975 là thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” chưa từng có trong lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Đây là thời kỳ cả nước đứng trước hai thách đố lịch sử có ý nghĩa quyết định: Độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để đạt bằng được mục tiêu độc lập, cả dân tộc nguyện sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Hàng triệu con em miền Bắc đã lên đường vào Nam chiến đấu. Vũ khí, lương thực, thực phẩm, cùng mọi phương tiện khác đã được huy động tối đa cho miền Nam ruột thịt.

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu).
Nhưng để cho tất cả các binh chủng và các mặt trận kể trên có thể triển khai và hoạt động được, cần có một thứ, mà ở bất cứ đâu và lúc nào cũng không thể thiếu: Tiền.
Tiền để lo ăn, lo mặc cho bộ đội, cho chiến sỹ, cho các cơ quan, đoàn thể. Tiền để lo mua sắm hàng hóa, phục vụ mọi nhu cầu vật chất và tinh thần cho bộ máy kháng chiến - từ cục pin cho các điện đài tới những viên thuốc của các bệnh xá, giấy cho việc ấn loát, từ chiếc xe của anh giao liên tới những chiếc máy in báo, in giấy tờ và cả những giấy “căn cước” cho những chiến sỹ hoạt động nội thành... Tiền để xây dựng các cơ sở bí mật khắp thành thị và nông thôn miền Nam... Tiền còn để “mua” những con đường an toàn và bí mật, để vận chuyển vũ khí đến các chiến trường. Nhiều khi, tiền còn dùng để thuê cả những mảnh đất an toàn cho anh em cán bộ làm nhà tạm lánh bên nước bạn, để tránh những trận càn quét, những trận mua bom.
Trong biên niên sử Tài chính Đảng có ghi chép: “Sau Hiệp định Genève năm 1954, nguồn tài chính gồm số tiền Đông Dương đổi cho dân còn dư, số vàng, tiền để lại trước khi đi tập kết, được Trung ương Đảng, Chính phủ tiếp tục gửi vào. Trung ương Cục miền Nam đã cấp một phần cho Đảng bộ Đặc biệt Tây Nam, một phần cho các tỉnh (mỗi tỉnh khoảng 1 triệu đồng) để hoạt động, một phần giao cho các đồng chỉ hoạt động bí mật vào các đô thị làm kinh tế, kết hợp hoạt động cách mạng.
Khi Xứ ủy Nam Bộ từ căn cứ ở Bạc Liêu, Rạch Giá về hoạt động bí mật trong Sài Gòn, Ban Tài chính Xứ ủy mang theo một số vàng, bán lấy tiền chi dùng vào việc mua nhà cửa, sắm xe hơi...”.
Hồi ức của ông Nguyễn Văn Phi (tức Mười Phi), nguyên Trưởng ban Tài chính đặc biệt Trung ương Cục có ghi: “Ban Tài chỉnh Xứ ủy Nam Bộ chỉ định một số đảng viên xây dựng cơ sở công khai làm tài chính cho Đảng. Tôi được giữ lại không đi tập kết. Bình phong đầu tiên của tôi là một cửa hàng mua bán tạp phẩm tại đường Huỳnh Quang Tiên (nay là Hồ Hảo Hớn, Quận 1) để che giấu điểm liên lạc nội bộ. Bình phong thứ hai của tôi là hùn vốn với trại cưa máy Dân Sanh.
Anh Tư Lầu, Phó Bí thư Xứ ủy kiêm Trưởng ban Tài chính Xứ ủy chỉ thị cho tôi: Bàn giao trại cưa máy Dân Sanh lại cho Nguyễn Thanh Quang. Tôi tự lực chuyển vùng lên Phnômpênh, không quan hệ với người kháng chiến cũ, không được dựa vào cơ sở Campuchia, nằm trong ngành ngoại thương, nối liên lạc với Hà Nội.
Ngoài phần tự lo như trên, theo yêu cầu của Xứ ủy Nam Bộ, của Khu ủy V và Trị Thiên, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phải lo chuyện tiền bạc cho miền Nam. Tiền bạc đó đương nhiên phải là tiền Sài Gòn. Sở Quản lý Ngoại hối, và sau đó là Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Trung ương được giao đảm nhiệm việc này.
Trong mấy năm đầu, Trung ương chưa có nguồn viện trợ quốc tế bằng ngoại tệ, mà chỉ có những nguồn viện trợ trực tiếp bằng hàng hóa, vật tư của các nước xã hội chủ nghĩa, cho nên biện pháp đầu tiên là dùng ngân sách Nhà nước để mua tiền Sài Gòn tại thị trường nước ngoài, chủ yếu là tại Hồngkông. Ngoài ra, ở chi nhánh Vĩnh Linh cũng đã thực hiện dịch vụ hối đoái giữa tiền miền Bắc và tiền Sài Gòn. Số tiền lo cho miền Nam lúc đó nếu so với các giai đoạn về sau thì không phải là lớn, nhưng so với khả năng của miền Bắc đương thời, thì thấy đây cũng là một cố gắng vượt bậc.
Theo một báo cáo năm 1956 của Sở Quản lý Ngoại hối:“Trong năm ta đã đổi tiền miền Nam:
Mua 32.734.439 đồng (tiền Sài Gòn kể cả số 20.000.000 mua ở Hồng kông, tỷ giá tính ra là 1 đồng M.N = 46,02 đồng MB).
Bán 29.665.723 đồng, phần lớn để phục vụ nhu cầu của Ban quan hệ Bắc - Nam, nhưng do ta đổi vào được rất ít nên gần suốt năm không thỏa mãn được nhu cầu này, trừ lúc cuối năm mua ở Hồng kông. Số mua bán nói trên gồm cả hoạt động của Vĩnh Linh là: Mua 236.302 đồng; bán 229.273 đồng. Số tồn quỹ đến ngày 31/12/1956 là 3.058.840 đồng ở Trung ương và 7.029 đồng ở Vĩnh Linh.
Qua bản báo cáo quyết toán kể trên, có thể thấy được vào thời kỳ này, hàng năm số tiền lo toan cho miền Nam khoảng hơn 30 triệu đồng tiền Sài Gòn, chỉ tương đương nửa triệu đôla Mỹ. Tình hình miền Nam lúc đó chưa đặt ra những nhu cầu lớn về tài chính. Phong trào cách mạng lúc này còn đang trong thời kỳ âm ỉ, thậm chí có những vùng và có những bộ phận tê liệt. Trong hoàn cảnh đó, ngoài nguồn kinh phí của Trung ương cấp, còn một giải pháp quan trọng nữa là dựa vào dân.
Hầu hết cán bộ nằm vùng đều ở trong tình thế “điều” hoặc “lắng”. Những cán bộ này sống với nhân dân. Trong khá nhiều trường họp, những nhân sỹ, những trí thức, những bhà tư sản có lòng yêu nước đã cưu mang tổ chức cách mạng.
“Chỉ còn một vấn đề là: phải có tiền”
Từ năm 1959, cục diện miền Nam đi theo chiều hướng mới: tiến công cách mạng. Nhiều vùng căn cứ đã hình thành. Nhiều tổ chức quần chúng, nhiều đơn vị bộ đội, nhiều cơ quan của Xứ ủy, của các khu, các tỉnh... phải triển khai hoạt động trong tình hình mới.
Ông Mười Phi nói: “Đặc điểm của nền kinh tế vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát là thị trường tự do, hàng hóa dồi dào, hoàn toàn có khả năng giải quyết “hậu cần tại chỗ”. Chỉ còn một vấn đề là: phải có tiền”.
Đến lúc này, tài chính là vấn đề lớn nhất. Không có tiền thì không thể triển khai các hoạt động đó. Tiền đôla và tiền Sài Gòn chi viện cho miền Nam bắt đầu trở thành một yêu cầu khẩn cấp, có ý nghĩa sinh tử.

Trong suốt gần 20 năm kháng chiến, hàng trăm triệu đô la chi viện miền Nam đã được vận chuyển qua con đường Trường Sơn (ảnh tư liệu của Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn)
Muốn tăng cường chi viện cho miền Nam bằng ngoại tệ mạnh, thì phải có nguồn thu. Nhưng thu về xuất khẩu và dịch vụ đối ngoại cũng như thu kiều hối tại miền Bắc lúc đó còn rất eo hẹp, không đủ trang trải cho nhập khẩu và các nhu cầu chi phí đối ngoại khác.
Cục Ngoại hối phải gánh trách nhiệm lo toan ngoại tệ cho miền Nam: Vận động bạn bè quốc tế, kể cả đặt vấn đề đàm phán với chính phủ các nước bạn, để có viện trợ bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, lấy tiền đó đổi ra tiền Sài Gòn (gọi là “chế biến”). Đó là ngân khoản chi viện dành riêng cho kháng chiến ở miền Nam.
Trong 6 năm (1960 - 1965), Trung ương đã chi viện cho miền Nam 1.104 triệu đồng tiền Sài Gòn, tương đương với 18,4 triệu đô la, chiếm 34,8% tổng số thu của ngân sách Miền trong các năm đó.
Tổng số thu của ngân sách Miền cũng tăng lên từ 1.494 triệu đồng tiền Sài Gòn năm 1965, lên 5.827 triệu năm 1968, tương đương 582.700 tấn thóc. Phần chi viện của Trung ương năm 1968 cho miền Nam (chưa kể khu V) đã lên tới 30 triệu đô la, bằng 272% số tiền Trung ương chi viện năm 1965 (11 triệu đô la), và gấp trên 128 lần số Trung ương chi viện năm 1960.
Sau năm 1969, vùng giải phóng bị thu hẹp, biên giới Việt Nam - Campuchia lại liên tục bị càn quét. Nguồn thu tại chỗ không đủ bảo đảm chi tiêu. Trước đó, các tỉnh Nam Bộ chẳng những thu đủ chi, mà còn nộp về Miền hàng trăm triệu, giờ đây cũng chỉ đủ đảm bảo cung cấp với mức thấp nhất cho nhu cầu địa phương. Nguồn thu nhập chủ yếu của ngân sách Miền lúc đó là số chi viện của Trung ương.
Từ giữa thập kỷ 60, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc. Từ đây, việc đưa viện trợ vật chất vào Nam, cả bằng đường Trường Sơn lẫn đường biển đều khó khăn hơn trước. Bộ Chính trị đã giao cho ông Phạm Hùng, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách vấn đề chi viện miền Nam. Đến năm 1965, ông Phạm Hùng đã đề xuất với Bộ Chính trị một quyết định có ý nghĩa lịch sử: Lập riêng tại miền Bắc một “Quỹ ngoại tệ đặc biệt”, lấy từ các nguồn viện trợ quốc tế để trực tiếp chi viện cho miền Nam.
Bài 2: Kỳ tích “Quỹ ngoại tệ đặc biệt” – B29
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/bai-1-cong-tien-nuoi-cach-mang-163485.html