Bài 1: Cung văn hóa lao động Việt Nhật - Tuyệt tác kiến trúc nhà hát
Năm 2023, Quảng Ninh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh (30/10/1963 - 30/10/2023), người dân sinh sống lâu năm ở địa phương tự nhận xét những công trình xây dựng có giá trị để đời trên quê hương mình; trong đó có Cung văn hóa lao động Việt Nhật, là một tuyệt tác kiến trúc nhà hát.
Nhật Bản là nước tư bản lớn đầu tiên đặt quan hệ ngoại giao với nước ta sau Hiệp định Pari, Mỹ rút quân về nước và là nước tư bản đầu tiên đầu tư vào nước ta với công trình Cung văn hóa lao động Việt Nhật (VHLĐ) xây dựng ở phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, do Tổ chức Công đoàn SOHYO Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho công nhân vùng mỏ, khởi công xây dựng năm 1976, khánh thành đưa vào hoạt động ngày 2/9/1978.
Hiện Cung VHLĐ Việt Nhật là 1 trong 5 công trình cung VHLĐ ở Việt Nam, đó là Cung VHLĐ Hữu nghị Việt Xô, khởi công xây dựng ngày 7/11/1978, khánh thành đưa vào hoạt động ngày 1/9/1985; Cung Hữu nghị Việt - Trung khởi công xây dựng tháng 3/2015 khánh thành đưa vào sử dụng 12/11/2017 (Hà Nội); cung VHLĐ Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) khởi công xây dựng ngày 16/2/1986, khánh thành đưa vào sử dụng ngày 17/12/1989; Cung VHLĐ Thành phố Hồ Chí Minh.
Cung VHLĐ Việt Nhật, diện tích sử dụng đất 14.942m2, gồm 2 khu A và B. Khu A rộng 11.082m2, khu B rộng 3.860m2. Trung tâm của công trình là khu rạp hát (Hội trường A) có sân khấu rộng 450m2 cao 18m, phông - rèm sân khấu bằng ròng rọc cố định với 748 chỗ ngồi, đặt trên 25 bậc, dùng để tổ chức hội họp, các sự kiện văn hóa - chính trị đông người và đáp ứng các yêu cầu biểu diễn ca múa nhạc, chương trình văn nghệ quy mô lớn, trình diễn xiếc nghệ thuật hiện đại. Hội trường B trong quần thể kiến trúc là phòng họp 250 chỗ và bên cạnh đó còn có các phòng chức năng tiện nghi, hiện đại để tổ chức hoạt động các câu lạc bộ và lớp học năng khiếu sở thích.
Trong gần 50 năm hoạt động, Cung VHLĐ Việt Nhật đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, như nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Đại hội Đảng bộ thành phố Hạ Long; mít tinh lễ hội lớn của tỉnh; hàng vạn cuộc hội diễn biểu diễn văn hóa nghệ thuật của công nhân lao động; nơi ươm trồng hàng ngàn tài năng nghệ thuật của vùng than. Cung VHLĐ Việt Nhật từng vinh dự được đón Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm.
Tuy vậy, nhưng ngày đầu xây dựng công trình này cũng gặp nhiều trắc trở, trong nội bộ nhiều người không đồng thuận, còn mặc cảm với Nhật Bản cường quốc đã từng để lại vết sẹo chiến tranh tại địa phương mà sinh nghi, không rõ lòng tốt của người Nhật là thật hay giả. Có người còn hoang tưởng rằng, tư bản Nhật thâm hiểm đặt hình Quốc kỳ Nhật ở giữa vùng than. Khi ấy ông Lê Bùi là Chủ tịch Công đoàn tỉnh, một lão thành cách mạng có uy tín đã kiên trì thuyết phục tập thể lãnh đạo tỉnh để công trình được xây dựng tại trung tâm của tỉnh.
Nhưng công trình cũng phải chấp nhận điều chỉnh lại thiết kế kiến trúc, bỏ lại 1 trong số 2 khối 5 tầng như hiện nay. Bản gốc thiết kế hình khối vuông tròn mạch lạc. Theo văn hóa cổ phương Đông, vuông tròn là biểu trưng cho sự hoàn thiện nhất, thành ngữ ta có câu mong cho “mẹ tròn con vuông”, người Nhật rất tín chỉnh chu, coi khối vuông tròn là sự phong thủy trong kiến trúc.
Công trình Cung VHLĐ Việt Nhật phần nào mất đi tổng thể không gian kiến trúc, nhưng cơ bản còn lưu lại những giá trị học thuật về nghề xây dựng. Hiện tuổi thọ công trình đã gần 1 nửa thế kỷ mà vẫn sử dụng tốt, vẫn là một công trình tiêu biểu về kỹ thuật xây dựng, một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật hàng đầu ở địa phương. Công trình càng dùng lâu, càng thấy rõ giá trị khác biệt về kiến trúc, gắn với công năng sử dụng. Giới chuyên môn càng khám phá, càng vỡ vạc thêm những nét bí ẩn của công trình xây dựng dành cho hoạt động văn hóa công cộng này.
Một công trình lớn xây dựng chủ yếu bằng vật liệu xây dựng trong nước từ xi măng, sắt thép và gạch xây, gạch ốp tường lát nền cũng là sản phẩm sẵn có tại địa phương. Một tòa nhà lớn kiên cố, nhưng công trình xây dựng không thấy nặng nề, diện tích công năng sử dụng hợp lý. Có thể nói, trong nghề xây lắp các hạng mục vôi vữa không thừa không thiếu một viên gạch… rất khâm phục.
Vách hội trường cao bằng tòa nhà 5 tầng, nhưng người ngồi dưới không hề có cảm giác sợ hãi, bởi kiến trúc theo hình tổ mối, như rút ngắn khẩu độ. Lòng hội trường thoáng đoãng, đông ấm hè mát, sử dụng được tối đa ánh sáng trời, tiết kiệm được điện năng. Hệ thống điều hòa làm mát bằng hơi nước; hệ thống thông gió đặt ở hai bên hông tòa nhà, lại nằm âm trong tường. Kỹ thuật cách âm, chặn vọng, chống vang, chống nhiễu, xuyên âm… thì có lẽ đến nay chưa hội trường nào quy mô trên 700 chỗ ngồi ở Quảng Ninh và cả nước có một tuyệt tác công nghệ bức xạ âm thanh hoàn hảo như Cung VHLĐ Việt Nhật. Cùng ở địa phương, ai đã từng đến Trung tâm hội nghị của tỉnh, hoặc Cung triển lãm quy hoạch của tỉnh… công trình mới xây dựng vài năm nay, nội thất đắt đỏ nhưng nếu thẩm âm so sánh thì khó có thể so với hội trường Cung VHLĐ Việt Nhật, một công trình xây dựng toàn bằng gạch nung vật liệu sẵn có ở địa phương.
Về hành lang giao thông nội bộ, cơ sở phòng chống cháy nổ (PCCN), thì đến nay khi đồng loạt các nhà hàng karaoke, vũ trường trong phạm vi cả nước bị dừng hoạt động bởi nhiều vụ cháy xảy ra gây thương vong lớn vì PCCN, thì mới vỡ lẽ Cung VHLĐ Việt Nhật là công trình nhà hát lớn mẫu mực về PCCN. Công trình xây dựng khán phòng cách âm ngày ấy đã bằng vật liệu cách âm khó cháy; các tấm rèm nay xòe diêm vào mà không cháy, dây điện luồn trong các ống zen bằng vật liệu cách điện mà không cháy. Cầu dao, tủ điện, ổ cắm điện… sử dụng gần 50 năm nay chưa bị move, chập điện. Nếu mở rộng so sánh, Cung triển lãm quy hoạch của tỉnh này mới xây dựng đã từng bị chập điện phát lửa bốc cháy; Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) cũng từng hỏa hoạn lỗi tương tự, thì mới nhận diện được giá trị thủ thân PCCN của Cung VHLĐ Việt Nhật; chưa kể đường thoát hiểm thì thênh thang mà không tốn diện tích, bởi thiết kế sử dụng không gian hợp lý.
Ông Nguyễn Trung Thanh (đã mất), cán bộ kỹ thuật giỏi của Ty Kiến trúc Quảng Ninh ngày đó được cử vào Ban điều hành dự án, sinh thời kể: “Kỹ sư Nhật làm việc nghiêm túc, kỹ thuật tiên tiến, mỗi người một máy tính điện tử cầm tay (khi ấy cả Quảng Ninh chỉ có một cỗ máy tính điện tử to bằng nửa gian nhà cấp 4, do Liên Xô giúp đỡ ngành Than), họ tính toán kỹ lưỡng hạng mục nội thất, căn ke không gian kiểu chia mắt sàng, lên ánh sáng đèn từng vị trí sai lệch rất thấp; loa phóng thanh trang âm cũng vậy, dung sai không đáng kể… nên người ngồi đầu hội trường và người cuối hội trường cũng tiếp nhận âm thanh to nhỏ như nhau. Công trình kiến trúc trên mặt đất, họ còn rất chú trọng đến địa tầng, hệ nước ngầm; phong thủy, hướng gió trên không trung, độ rung trấn phía dưới và những tác động môi trường…
Cung VHLĐ Việt Nhật phần sử dụng đã lâu, phần đáp ứng với yêu cầu mới, tỉnh Quảng Ninh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã từng cải tạo, sửa chữa lại. Nhưng mỗi lần trùng tu tôn tạo là một lần nhà đầu tư, nhà thầu vắt óc tìm giải pháp thi công, vật liệu thay thế. Kỳ lạ, ở nhiều hạng mục khi tân trang ngoại thất thì tạm được, nhưng đụng vào nội thất thì không ổn. Như thay sàn gạch nung Giếng Đáy sang gạch men nhập ngoại, hoặc lát gỗ rải thảm nỉ cho sang là phát sinh vấn đề về tiếng ồn, sai lệch ánh sáng và phân bố âm thanh trong hội trường. Khán phòng mà cấy dặm, cơi nới thêm ghế ngồi là mất đi tiếng vang, tiếng vọng, thanh trầm cộng hưởng từ công trình xây dựng mang lại như đàn Nam Giao năm nào.
Phần kết cấu xây dựng bên trong hội trường lớn thì không thể thay thế được. Bởi công trình xây dựng rất nuột nà, chắc chắn, kiến trúc độc đáo, phù hợp với tính chất sử dụng. Có cố bả tấm thạch cao đời mới vào cũng như “vẽ hề trên mặt người mẫu”. Nhà kiến trúc sư, người xây dựng có tâm không ai nỡ “lợn lành chữa lợn què”, nên dự án cải hoán Cung VHLĐ Việt Nhật phải thôi, phải dừng lại. Tuy nhiên, công trình xây dựng đều có thời hạn sử dụng nhất định, Cung VHLĐ Việt Nhật đã gần nửa thế kỷ sử dụng, có thể đã xuống cấp cần chỉnh trang, nâng cao tính năng tác dụng. Rất cần bàn tay “bà đỡ” những người đã khai sinh ra công trình xây dựng này, một công trình Cung VHLĐ nước ngoài đầu tiên tài trợ cho Việt Nam, mà người lao động vùng mỏ được hưởng lợi.
Năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023), chắc Nhật Bản sẽ không quên công trình xây dựng đầu tiên của mình trong số 4.978 dự án, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Quảng Ninh coi Cung VHLĐ Việt Nhật là kết tinh các giá trị văn hóa, biểu tượng của tình đoàn kết Việt Nhật. Cung VHLĐ Việt Nhật, mốc son về quan hệ quốc tế Việt - Nhật, tuyệt tác kiến trúc khán phòng nhà hát, công trình văn hóa cần được giữ gìn và vinh danh.
Một số hình ảnh công trình Cung VHLĐ Việt Nhật:
Ông Tô Xuân Thao - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh (nhiều năm làm xây dựng) cho biết, Bộ hồ sơ kiến trúc Cung VHLĐ Việt Nhật có giá trị như trang sách giáo khoa về vật liệu lưu giữ văn bản, kỹ năng thiết kế.
Đây là tập bản vẽ hạng mục PCCN khán phòng thiết kế đã nửa thế kỷ mà nét vẽ như còn mới tinh.
NSND Quang Thọ có nhận xét, Cung VHLĐ Việt Nhật là một tuyệt tác kiến trúc về âm thanh, ánh sáng cho khán phòng biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật sân khấu.
Vách hội trường cao bằng tòa nhà 5 tầng, nhưng người ngồi dưới không hề có cảm giác sợ hãi, bởi kiến trúc theo hình tổ mối, như rút ngắn khẩu độ.
Rạp hát sân khấu rộng 450m2, cao 18m với 748 chỗ ngồi.
Khởi công xây dựng năm 1976, công trình được khánh thành đưa vào hoạt động ngày 2/9/1978.